Thứ Tư, 28/12/2016 08:43

Ông Nguyễn Thành Tài: Tránh tách, nhập quận tùy hứng

Vừa qua, đã có nhiều ý kiến khác nhau về việc sáp nhập quận 4 vào quận 1 (TP.HCM). Để rộng đường dư luận, chúng tôi giới thiệu ý kiến phân tích của ông Nguyễn Thành Tài, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP.HCM.

Địa phận quận 1 (trái) và quận 4 ( phải) nhìn từ cầu Nguyễn Văn Cừ. Ảnh: HTD

“Phải hết sức cẩn trọng với việc tách, nhập địa giới hành chính quận, huyện. Bởi vì tách, nhập quận phải xuất phát từ nhiều yêu cầu khác nhau chứ không phải duy nhất là vấn đề diện tích lớn hay nhỏ. Mọi sự xáo trộn, khó khăn trong sinh hoạt xã hội, người dân chịu thiệt nhiều hơn cả”.

Ông Nguyễn Thành Tài, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP.HCM, nhấn mạnh như trên về ý tưởng nhập quận 4 với quận khác mà Phó Giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM Đỗ Văn Đạo đã nêu trong ngày 23-12.

Ý tưởng không khoa học

Phóng viên: Trước đây cũng đã có ý tưởng nhập, tách quận để lập ra các TP trong TP, vậy thì tại sao nay ông lại cho rằng cần cẩn trọng khi tách, nhập quận?

Ông Nguyễn Thành Tài: Trước đây, TP.HCM quyết định lập một bộ phận nghiên cứu về mô hình chính quyền đô thị. Điều này xuất phát từ đặc điểm đô thị TP khác hoàn toàn với nông thôn. Theo đó, mô hình chính quyền ở đô thị phải khác với mô hình chính quyền ở nông thôn. Qua đó giản lược, tinh gọn được bộ máy quản lý hành chính nhà nước; phát huy được ngay hiệu quả quản lý; kịp thời đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt và phát triển của cư dân đô thị...

Đây là công trình nghiên cứu khá công phu và khoa học. Trong đó, TP cũng có tính đến chuyện nhập lại một số quận, huyện để hình thành các TP nhỏ trong TP lớn hiện hữu. Ý tưởng này xuất phát từ nhiều yêu cầu và đặc điểm của từng khu vực. Nhất là vấn đề xác định có mấy cấp chính quyền, hai cấp hay ba cấp và tính chất của bộ máy đó là chính quyền hoàn chỉnh (có HĐND và UBND) hay chỉ thuần túy làm nhiệm vụ quản lý hành chính. Việc tách, nhập này không chỉ duy nhất dựa vào diện tích lớn hay nhỏ... Tuy mô hình này chưa được trung ương chấp thuận nhưng vẫn ghi vào Hiến pháp năm 2013. Đó là cơ sở để ta tiếp tục nghiên cứu mô hình chính quyền địa phương.

Trong bối cảnh đó, chúng ta lại muốn tách, nhập quận 4 với một quận khác, khác với tinh thần chính quyền đô thị - một công trình nghiên cứu đã được nghiệm thu nhưng chưa được thực hiện. Tôi cho rằng làm như vậy là không khoa học.

Theo tôi, cần phải cân nhắc trong chuyện tách, nhập này. Hơn nữa, việc tách, nhập này nó không thuần túy là vấn đề diện tích lớn hay nhỏ. Diện tích nhỏ ngoài quận 4 còn có quận Phú Nhuận và quận 5. Trước đây, quận 4 có hơn 200.000 dân nhưng chỉ có năm phường gồm: Cây Bàng, Khánh Hội, Lý Nhơn, Xóm Chiếu, Vĩnh Hội… Bây giờ hình thành 15 phường thì bộ máy nó kềnh ra. Ngày mới giải phóng, cũng có nhiều người suy nghĩ quận 4 nên cắt một số phường về quận 1 và cắt một phần Nhà Bè lấy đất cho quận 4. Đó là suy nghĩ mang tính cảm quan chứ chưa thành hệ thống nghiên cứu. Còn mô hình chính quyền đô thị thật sự là một công trình nghiên cứu hẳn hoi.

Phải tính nhiều giải pháp

Theo ông, đâu là giải pháp tối ưu cho quản lý địa bàn và tinh giản biên chế?

Thay vì tách, nhập địa giới hành chính, tại sao chúng ta không nâng cao hiệu quả quản lý bằng cách xác định được trách nhiệm quản lý rõ ràng, nội dung quản lý một cách cụ thể, tăng cường thêm hệ thống công nghệ thông tin để việc giao dịch hành chính công đơn giản hơn. Chúng ta phải công khai, minh bạch hóa các loại thủ tục và thực hiện giao dịch trực tuyến, người dân giao dịch mà không cần đến cơ quan nhà nước. Có như thế bộ máy sẽ tinh gọn hơn và vẫn theo dõi một cách có hệ thống toàn bộ chuyển động của xã hội.

Điều cán bộ nghĩ trước hết phải là dân, bộ máy chúng ta cồng kềnh tức là chúng ta làm phiền hà cho dân. Nếu muốn tinh giản bộ máy hành chính thì trước hết phải vì mục tiêu phục vụ dân tốt hơn, còn bây giờ mình tinh giản mà làm theo kiểu chủ quan là tách, nhập quận thì chỉ làm xáo trộn xã hội thôi. Mục tiêu phục vụ dân sẽ không còn nữa.

Vừa rồi tôi điện thoại cho bí thư Thành ủy, bí thư nói đồng tình với quan điểm của tôi là phải cẩn trọng. Bởi vì đây là vấn đề cần cân nhắc, nghiên cứu rất thận trọng, không phải hô một cái là làm liền.

Tôi cho rằng đòi hỏi đi lên của đất nước là hết sức cấp thiết nhưng không vì sự cấp thiết đó mà chúng ta làm theo kiểu tùy hứng. Cái đích chúng ta hướng tới là phục vụ đất nước, cũng là phục vụ cho dân.

http://plo.vn/thoi-su/ong-nguyen-thanh-tai-tranh-tach-nhap-quan-tuy-hung-674408.html

Các tin tức khác

>   TPHCM: Xây dựng Bệnh viện Đại học Y dược (27/12/2016)

>   Đất đai tiếp tục “nóng” với hơn 2.000 phản ánh vi phạm năm 2016 (27/12/2016)

>   TPHCM xây hầm trước công viên Bạch Đằng (27/12/2016)

>   CII tạm làm chủ đầu tư dự án nạo vét rạch, đào hồ trung tâm trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm (27/12/2016)

>   Hà Nội: Phê duyệt nhiệm vụ thiết kế đô thị hai bên tuyến đường Nguyễn Trãi, Trần Phú, Quang Trung (27/12/2016)

>   Cơ chế đặc thù Dự án Sân bay Long Thành (26/12/2016)

>   4 nhân tố tác động đến bất động sản năm 2017 (26/12/2016)

>   Novaland lên sàn với gần 60% vốn trong tay Chủ tịch Bùi Thành Nhơn (26/12/2016)

>   Khu Nam dậy sóng nhờ chiêu kích cầu (26/12/2016)

>   Sẽ rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ nhà, đất (26/12/2016)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật