Hà Nội: Phê duyệt nhiệm vụ thiết kế đô thị hai bên tuyến đường Nguyễn Trãi, Trần Phú, Quang Trung
UBND TP Hà Nội vừa ban hành Quyết định phê duyệt nhiệm vụ thiết kế đô thị hai bên tuyến đường Nguyễn Trãi - Trần Phú - Quang Trung (Đoạn từ Vành đai 3 đến Vành đai 3.5), tỷ lệ 1/500 thuộc các phường Thanh Xuân Bắc, Thanh Xuân Nam (quận Thanh Xuân), Trung Văn (quận Nam Từ Liêm), Mộ Lao, Văn Quán, Yết Kiêu, Nguyễn Trãi, Quang Trung, Hà Cầu, Phú La (quận Hà Đông).
Theo quyết định, điểm đầu tuyến đường là nút giao thông Nguyễn Trãi - Khuất Duy Tiến - Nguyễn Xiển; điểm cuối là nút giao thông Quang Trung - Lê Trọng Tấn gồm phần đường giao thông và tối thiểu 50m mỗi bên kể từ phía ngoài chỉ giới đường đỏ của tuyến đường. Đối với công trình nhà ở riêng lẻ lấy hết thửa đất từ 1- 2 lớp nhà giáp với chỉ giới đường đỏ. Đối với các dự án, công trình khác lấy toàn bộ thửa đất giáp với chỉ giới đường đỏ (giới hạn bởi đường nội bộ, ranh giới tường rào ô đất). Đối với các ô đất đã được phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500; tổng mặt bằng tỷ lệ 1/500 cập nhật theo đồ án đã được phê duyệt.
Chiều dài toàn tuyến đường Nguyễn Trãi - Trần Phú - Quang Trung 5.1km, trong đó, diện tích đất trong phạm vi nghiên cứu khớp nối khoảng 291.45ha; tổng diện tích đất lập thiết kế đô thị khoảng 100.97ha.
Đây là trục giao thông liên khu vực, trục hướng tâm kết nối đường Vành đai 3 - Vành đai 3.5 của thành phố. Là khu vực phát triển đô thị, kết hợp giữa cải tạo chỉnh trang dân cư đô thị và đô thị xây dựng mới. Là trục cảnh quan chính kết nối khu vực nội đô mở rộng với đô thị Hà Đông (thuộc chuỗi đô thị phía Đông đường Vành đai 4) nằm ở phía Tây thành phố đi qua các khu vực chức năng đô thị khác nhau như khu vực các khu tập thể cũ, dân cư đô thị hóa, khu nhà ở, khu đô thị mới... đang trong quá trình hình thành và phát triển. Ngoài ra, trên tuyến đường còn có tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông (tuyến 2A) kết nối khu vực nội đô lịch sử với chuỗi đô thị phía Đông đường Vành đai 4.
Quy hoạch nhằm tạo dựng các khu vực điểm nhấn đô thị, công trình cao tầng, kết hợp kiến trúc, cảnh quan thấp tầng tạo nhịp điệu không gian cảnh quan kiến trúc. Đề xuất không gian cao tầng trên cơ sở phân tích điểm nhìn từ các phía, bao gồm các điểm nhìn dọc tuyến và theo mặt cắt các đoạn phố dọc ngang tuyến. Trên cơ sở đó, đề xuất duy trì, tạo dựng các không gian mở, cây xanh, từ đó đề xuất tầng cao kiểm soát cho các phân đoạn phù hợp. Xác lập tổng mặt bằng không gian cảnh quan kiến trúc của khu vực…/.
|