Thứ Năm, 22/12/2016 15:30

Nhịp đập Thị trường 22/12: Nhóm ngân hàng kéo VN-Index giảm điểm

VN-Index đóng cửa ngày hôm nay ở mức 664.15 điểm, giảm 2.8 điểm (-0.42%) so với đóng cửa ngày hôm qua, và giảm gần 6 điểm so với lúc mở cửa sáng nay. Trong phiên chiều, chỉ số đã giảm khá nhanh trong vòng 1 tiếng đồng hồ (từ 13h-14h) và dao động quanh mức đáy của cả ngày. Sự giảm giá của VNM, BVH và nhóm cổ phiếu ngân hàng là nguyên nhân dẫn đến chỉ số giảm điểm.

Chỉ số UPCoM-Index cuối ngày hôm nay giảm mạnh đến 3.3% (trong khi 2 chỉ số VN-Index và HNX-Index giảm chưa đến 0.5%), chủ yếu do QNS (-14.6%), VLB (-11.6%), VSN (-4.9%). Có vẻ như việc cổ phiếu mới lên sàn muốn tăng giá còn cần thêm độ nổi tiếng ở mặt truyền thông (được báo chí nhắc đến liên tục) như SAB hay BHN.

7/9 cổ phiếu nhóm ngân hàng giảm giá, trừ NVBEIB đứng giá. Ngay cả CTG có thông tin về kế hoạch trả cổ tức (yield khoảng 5%) cũng giảm giá nhẹ 0.7% dù đã tăng trong phiên sáng. Sự giảm giá của nhóm ngân hàng vào phiên chiều có thể coi là yếu tố tác động rất lớn kéo giảm chỉ số.

Tương tự nhóm ngân hàng, các cổ phiếu nhóm ngành đầu tư tài chính như FIT, FID, KLF, IBC… đều giảm giá, nhưng mức giảm % khá lớn chủ yếu do nhiều mã có thị giá rất thấp.

Khối ngoại tiêp tục bán ròng khá mạnh ở VNM và 1 số mã lớn khác như VIC, HPG, CTG… Tuy nhiên, điều tích cực là bản thân khối ngoại cũng tăng mua ở chính VNM và nhiều mã vốn hóa lớn khác như MSN, NT2

MSN đã tăng giá gần 4.7% so với hôm qua, với thông tin chia thưởng cổ phiếu và trả cổ tức tiền mặt, tuy chưa chốt ngày đăng ký cuối cùng. Đây có lẽ là khoản “đền bù” đầu tiên cho các cổ đông dài hạn của MSN sau 7 năm không chia cổ tức (nhưng liên tục phát hành cp ESOP).

VIC đã tăng giá 1.5% chủ yếu vào phiên chiều, có lẽ là NĐT liên hệ với thông tin Novaland chuẩn bị lên sàn (ngày Thứ Tư tuần sau, 28/12/2016) với giá tham chiếu 50,000 đ/cp +/- biên độ 20% (đây hình như cũng là mức giá mà công ty này đã phát hành riêng lẻ gần đây). VIC và Novaland vốn là 2 đối thủ lớn của nhau ở phân khúc BĐS cao cấp ở Tp.HCM, do đó sẽ có nhiều khả năng giá cổ phiếu của 2 công ty này sẽ có sự so sánh liên hệ với nhau, tương tự như trường hợp QNS và VNM. Hiện chưa rõ giá cổ phiếu nào sẽ theo cổ phiếu nào, nhưng dù sao việc Novaland lên sàn cũng là tin tích cực cho chính cổ phiếu VIC.

VNM giảm giá 2.4% về 123,100 đ/cp do khối ngoại bán ròng khoảng 530,000 cp (VNM bị khối ngoại bán ròng cả 4 phiên của tuần này). Tuy nhiên, điều tích cực là bản thân khối ngoại cũng tăng mua (lượng đặt mua cả ngày hôm nay lên đến 1.23 tr.cp).

Sau 1 khoảng thời gian biến động mạnh, lúc thì gần trần, lúc về gần san, BHN đã đóng cửa ở mức giá 147,200 đ/cp, bằng giá bình quân của ngày hôm trước. Tuy vậy, khoảng cách giữa lệnh bán có giá thấp nhất và lệnh mua có giá cao nhất vẫn khá xa nhau. Ngược lại, SAB luôn giữ được sắc xanh suốt ngày GD hôm nay, dù cũng giảm nhẹ về cuối phiên chiều. SAB, MSN và HPG được coi là 3 trụ cột đỡ cho chỉ số khỏi giảm mạnh hơn.

STK bất ngờ giảm sản trong phiên chiều chỉ với 10 lệnh khớp. Nói đúng hơn, STK không có lệnh đặt bên mua.

QNS giảm gần sàn dù khối ngoại mua ròng khoảng 300,000 cổ phiếu. Như vậy QNS đã giảm giá 18% ngay trong 2 phiên sau ngày chào sàn, gây ra sự ngạc nhiên rất lớn cho nhiều NĐT, nhất là đặt trong bối cảnh so sánh với nhiều cổ phiếu có tiếng mới lên sàn UPCoM khác, cũng như so với khuyến nghị đầu tư của các công ty chứng khoán.

Phiên sáng: Dấu hiệu không tốt cho phiên chiều

VN-Index kết thúc phiên sáng ở mức 666.56 điểm, giảm 0.38 điểm (-0.06%) so với cuối ngày hôm qua, tuy nhiên điều đáng chú ý là sau khi tăng hơn 3 điểm lúc mở cửa, thì chỉ số này đã giảm dần về mức tham chiếu. Tương tự, HNXindex cũng giảm 0.38 điểm (-0.47%) về 79.87 điểm. Tuy nhiên, VN30-Index vẫn tăng 0.08% dù có đến 23/30 mã giảm giá, có thể nói chỉ số này xanh được là nhờ MSN và HPG.

SAB, HPG và MNS tuy tăng giá nhưng không giúp được chỉ số tăng do nhóm ngân hàng. 8/9 cổ phiếu ngân hàng đến cuối phiên sáng đều giảm giá (trừ NVB), dù trước đó vẫn có cổ phiếu tăng giá.

VNM tiếp tục giảm giá 500 đ/cp (-0.4%) dù có thông tin về ước kết quả SXKD cả năm 2016. Nói như nhiều NĐT, cổ phiếu này giảm giá là do gãy trend và do khối ngoại bán ròng không ngơi nghỉ, nên dù là cổ phiếu cơ bản tốt, nhưng NĐT vẫn sẽ chờ thêm thời gian mới bắt đáy. Cũng có ý kiến chuyên gia cho rằng NĐT ngoại đang bán VNM để mua các cổ phiếu nhóm ngành FMCG mới lên sàn, tuy nhiên nếu so sánh giữa VNM và các cổ phiếu đó theo P/E thì nhận định này cũng không hẳn chính xác.

Ngoài nhóm ngân hàng, nhóm hỗ trợ khai thác dầu khí cũng có nhiều cổ phiếu giảm giá, nhất là PVB (-4.6%), PVS (-3.6%). PVS thậm chí giảm giá mạnh hơn so với cả mức giá mở cửa. Ngược lại nhóm phân phối khí đốt lại diễn biến tích cực hơn. Riêng GAS là largecap tăng giá, có lẽ liên quan đến tâm lý giao dịch khi hôm nay là ngày GAS giao dịch không hưởng quyền nhận cổ tức 2,300 đ/cp.

Trong số các tên tuổi lớn mới lên sàn Upcom, BHN và VSN đang giảm giá mạnh. BHN từng có thời điểm giảm sàn, đến cuối phiên sáng hồi được một chút về mức 128,000 đ/cp (-13%). VSN giảm giá 5% về 48,300 đ/cp, và cũng giảm gần 50% kể từ mức đỉnh khi mới chào sàn.

Trong số các cổ phiếu giảm sàn trên HOSE, ngoài CDOATG đã giảm nhiều phiên, HTV tiếp tục giảm sàn phiên thứ 3 sau khi vẫn lửng lơ gần mức tham chiếu đến 10g30, tuy nhiên lý do có thể là vì thanh khoản ở cổ phiếu này quá thấp, nên 1 lệnh mua hay bán cũng có khả năng quét sạch lệnh kia và khiến giá cổ phiếu dao động mạnh.

10h30: Chỉ số lùi dần đều!

VN-Index đang giảm dần về mức tham chiếu. MSN, SAB và HPG tăng giá đỡ chỉ số, nhưng số lượng cp mã vốn hóa lớn giảm giá đang tăng lên, tăng áp lực lên chỉ số.

SAB đã công bố thông tin về kế hoạch thoái vốn nhà nước trong năm 2017, theo đó nhà nước có thể thoái đến 40% cp qua hình thức đấu thầu công khai.

Lúc 10h20, BHN đã có 1 số lệnh bán quét sạch các lệnh mua, thậm chí còn khiến thị giá giảm đến mức sàn (-14.7%.) Khoảng cách giữa lệnh mua cao nhất và lệnh bán thấp nhất đã là gần 34,000 đ/cp với khối lượng đặt rất thấp ở các bước giá, khiến cho NĐT khó dự đoán được giá BHN trong ngày hôm nay.

Nhóm cổ phiếu ngân hàng đang giảm giá nhẹ, trừ CTG đứng giá và NVB tăng giá 8%. CTG mới công bố thông tin về kế hoạch trả cổ tức 700 đ/cp tiền mặt, tỷ lệ cổ tức/thị giá khoảng 4.6%.

Nhóm dầu khí đang có sự phân hóa dù giá dầu thế giới đang giảm nhẹ sau khi có thông tin lượng dầu tồn kho tại Mỹ đang tăng lên. Nói chung, các cổ phiếu nhóm phân phối khí đốt vẫn giữ được giá trong hôm nay. Lưu ý là hôm nay GAS GD không hưởng cổ tức 2.300 đ/cp (XD). Tuy nhiên nhóm hỗ trợ khai thác dầu khí như PVS, PVD, PVB, PVC đều đang giảm giá, PVB và PVC đang giảm về mức thấp nhất kể từ đầu năm trở lại đây.

MSN đang tăng giá gần 3% với sự hỗ trợ của khối ngoại và thông tin trả cổ tức và chia thưởng. Tỷ lệ chia thưởng 2:1 được coi là khá hấp dẫn đối với cổ phiếu đại gia này.

QNS giảm giá 13,5% dù khối ngoại đang mua ròng gần 70,000 cp. Hiện giá QNS chỉ còn cao hơn khoảng 6,000 đ/cp so với mức giá tham chiếu chào sàn cách đây 2 hôm. Có khả năng giá cổ phiếu này giảm do cổ đông chốt lời, nhất là những CBCNV từng được mua ESOP giá 80,000/cp cách đây mấy năm (mức giá mua này đã được điều chỉnh giảm ít nhất 50% sau 2 lần QNS trả cổ tức bằng cổ phiếu).

HPG đang tăng giá 2% với lượng GD nổi bật, trên 3.6 tr.cp với 1 số thông tin nội tại. Tuy nhiên, các cổ phiếu nhóm sắt thép xây dựng khác ít biến động giá nên có thể chưa phản ứng nhiều với thông tin về việc các doanh nghiệp ngành thép đề xuất áp thuế tự vệ trước tình trạng thép cuộn cán nóng TQ nhập khẩu vào VN đang tăng cao.

CDO đang giảm sàn phiên thứ 13 liên tiếp dù công ty cũng đã có giải trình với HOSE. Tương tự, ATG (cũng sàn HOSE) đã giảm sàn phiên thứ 6 liên tiếp. Liệu đây có phải là các trường hợp tương tự như TTF hay HQC trước đây?

Mở cửa: Nhích nhẹ đầu phiên

VN-Index mở cửa ở mức 669.01 điểm, tăng 0.31%. Hôm nay là ngày cả 3 sàn HOSE, HNX và UPCoM đều có công ty mới lên sàn.

BHN mở cửa tăng trần (với 1 deal duy nhất trong vòng 15p) sau 3 phiên giảm tổng cộng hơn 30%. Tuy nhiên, điều đáng quan tâm lúc này là sóng BHN có còn hay không.

QNS giảm thêm 14% so với giá bình quân hôm qua, đây là điều rất bất ngờ đối với nhiều NĐT, nhất là khi QNS đi ngược “thông lệ” của các công ty mới lên sàn UPCoM. Có lẽ lượng mua của khối ngoại sẽ là điều mà các cổ đông  QNS hy vọng đỡ giá trong những phút tới.

VNM đã công bố sớm kết quả SXKD hợp nhất cả năm 2016 với doanh thu và lợi nhuận trước thuế vượt tương ứng 4% và 12% so với kế hoạch đề ra. Động thái CBTT này được cho là phản ứng của lãnh đạo công ty sau đợt giảm giá kéo dài từ cuối tháng 10. Tuy nhiên giá cổ phiếu VNM tăng nhẹ chưa đến 1% lên 127 trong đợt mở cửa sáng nay. Có lẽ NĐT vẫn còn lo ngại về triển vọng năm 2017 khi mà giá bột sữa đầu vào của công ty đã tăng hơn 50%.

Giá thép cuộn Trung Quốc nhập khẩu vào Việt Nam đã tăng cao nhất trong vòng 2 năm gần đây. Một loạt các doanh nghiệp thép đã đệ đơn lên Bộ Công thương đề xuất áp thuế chống bán phá giá, việc này có thể sẽ khiến giá thép cuộn trong nước tăng lên. Giá cổ phiếu nhóm thép xây dựng chưa có mấy phản ứng với thông tin này.

Các tin tức khác

>   Vietstock Daily: Nhận định thị trường chứng khoán 22/12 (21/12/2016)

>   Vietstock Daily: Nhận định thị trường chứng khoán 22/12 (21/12/2016)

>   Phân tích kỹ thuật phiên chiều 21/12: Hồi phục nhẹ (21/12/2016)

>   Nhịp đập Thị trường 21/12: Giữ vững sắc xanh (21/12/2016)

>   Vietstock Daily 21/12: Bên bán đã bình tĩnh hơn (20/12/2016)

>   Vietstock Daily 21/12: Bên bán đã bình tĩnh hơn (20/12/2016)

>   Phân tích kỹ thuật phiên chiều 20/12: Thoái lui khi test đỉnh cũ 680-690 (20/12/2016)

>   Nhịp đập Thị trường 20/12: Giảm đồng loạt khi test kháng cự thất bại (20/12/2016)

>   Vietstock Daily 20/12: Chỉ số giằng co nhưng sắc xanh vẫn chiếm ưu thế? (19/12/2016)

>   Vietstock Daily 20/12: Chỉ số giằng co nhưng sắc xanh vẫn chiếm ưu thế? (19/12/2016)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật