Nguồn nhân lực du lịch và áp lực ASEAN
Thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau về làm nghề du lịch trong ASEAN cho phép những người làm việc trong rất nhiều chức danh của ngành du lịch được phép luân chuyển. Trong khi người lao động Việt Nam còn chưa sẵn sàng thì người làm nghề từ các nước ASEAN đã rục rịch tham gia vào thị trường trong nước.
Nguồn nhân lực Việt phải thay đổi để tham gia vào cuộc cạnh tranh mới.Ảnh: Đào Loan
|
Người ASEAN vào thị trường Việt Nam
Theo số liệu từ Tổng cục Du lịch, tính đến năm 2015 có 2,25 triệu người làm việc trong ngành du lịch, trong đó có 750.000 người làm việc trực tiếp. Dự kiến, trong thời gian tới, lực lượng lao động trong ngành này còn phải gia tăng mạnh mẽ hơn nữa mới đáp ứng được nhu cầu phát triển. Chỉ tính riêng TPHCM, từ nay đến năm 2020, mỗi năm cần thêm 21.600 lao động mới, tức 8% trong tổng nhu cầu lao động; với cả nước, con số này lên tới hàng trăm ngàn người. “Trong vòng năm năm tới, lực lượng lao động phải tăng khoảng 20%/năm thì mới có thể đáp ứng được nhu cầu phát triển”, ông Vũ Thế Bình, Phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, nói.
Số lượng doanh nghiệp du lịch và khách sạn đang gia tăng mạnh mẽ. Chỉ riêng hệ thống khách sạn, cả nước có hơn 20.100 cơ sở với 400.000 phòng, tốc độ tăng trưởng bình quân khoảng 9%/năm. Trong đó, phân khúc khách sạn 3-5 sao có tốc độ tăng trưởng cao, 16% với 5 sao và 14% với 4 sao. Hiện có hàng trăm khách sạn đang chờ mở cửa và cần người làm việc nhưng lại rất thiếu người. Đây là cơ hội cho lao động nước ngoài, đặc biệt là những người giỏi nghề trong khối ASEAN, đã sẵn sàng đi đến các nước khác làm việc. “Một lực lượng lao động nước ngoài bắt đầu tham gia vào thị trường trong nước. Họ ứng cử vào các chức danh quản lý bậc trung và cả ở cấp thấp hơn. Đây cũng là những vị trí sẽ bị cạnh tranh khốc liệt khi lao động trong khối ASEAN luân chuyển”, ông Bình nhận định.
Trao đổi với TBKTSG, nhiều đại diện doanh nghiệp tại một số địa phương như TPHCM, Đà Nẵng cũng cho biết tình hình tương tự. Tại Đà Nẵng, quá trình luân chuyển lao động chỉ mới bắt đầu với các vị trí quản lý cấp trung và cấp cao. Những vị trí như trưởng bộ phận lễ tân, buồng bàn đang dần có sự dịch chuyển lao động từ Thái Lan, Philippines và Singapore. Những người này tự nộp đơn ứng cử vào các vị trí công việc, tuy mức lương có cao hơn so với lao động Việt Nam nhưng lại rẻ hơn nhiều so với những người từ châu Âu, Mỹ - thường do các tập đoàn quản lý khách sạn đưa đến. Nguồn lao động mới có chất lượng cao nhưng mức chi trả không quá cao sẽ cạnh tranh trực tiếp với lao động chất lượng cao trong nước. “Tuy quá trình luân chuyển lao động chỉ mới bắt đầu nhưng nếu chúng ta vẫn chậm như thế này thì sẽ có sự thay đổi sâu sắc trên thị trường lao động, đặc biệt là ở phân khúc lao động chất lượng cao, và lợi thế có phần nghiêng về người lao động nước ngoài”, theo ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Chi hội Lữ hành thành phố Đà Nẵng.
Ở TPHCM, trong một lần trao đổi gần đây với TBKTSG, ông Tào Văn Nghệ, Chủ tịch Công ty cổ phần Quản lý khách sạn Odyssea, cho biết đã nhận được vài hồ sơ tự ứng cử của vị trí CEO từ người của các nước lân cận. Mức lương được đưa ra cao hơn so với CEO trong nước nhưng còn có thể thương lượng. Vài năm tới, nếu nguồn cung trong nước vẫn thiếu thì chủ đầu tư có thể thuê những người như thế này.
Những ai phải thay đổi?
Lao động Việt Nam thiếu chuẩn bị cho sự cạnh tranh về nghề khi ASEAN thành một cộng đồng chung, họ còn thiếu nhiều kỹ năng làm việc để hội nhập, trong đó, ngoại ngữ (đặc biệt là tiếng Anh) là một vấn đề lớn.
|
Nhiều người, nhiều cơ quan, từ cơ quan quản lý đến doanh nghiệp, trường học và người lao động đều sẽ phải thay đổi để tham gia vào cuộc cạnh tranh mới.
Theo một số doanh nghiệp, chất lượng của nguồn nhân lực trong nước “có vấn đề” ngay từ khâu đầu vào. Về đào tạo, cả nước có đến 346 cơ sở đào tạo du lịch nhưng phần lớn có chất lượng đào tạo thấp nên tỷ lệ sinh viên được tuyển dụng sau khi ra trường cũng thấp và doanh nghiệp phải tốn thêm chi phí đào tạo lại.
Hiện cũng chưa có quy chuẩn thống nhất về đào tạo du lịch trong cả nước. Mỗi trường có một quy chuẩn, một giáo trình khác nhau. Đội ngũ giảng viên, chuyên gia tuy đông, có chất lượng nhưng chưa liên kết lại để tạo nên những chương trình đào tạo tốt. Nhà trường và doanh nghiệp chưa có sự hợp tác chặt chẽ để nắm bắt nhu cầu thị trường nhằm giảm khoảng cách giữa giảng dạy và sử dụng lao động trong thực tế, cũng như tạo cơ hội cho sinh viên cọ xát với thực tiễn làm việc.
Theo bà Nguyễn Thị Minh Tâm, Giám đốc nhân sự và đào tạo của Cụm khu nghỉ mát Furama Resort và Furama Villas Đà Nẵng, lao động Việt Nam thiếu chuẩn bị cho sự cạnh tranh về nghề khi ASEAN thành một cộng đồng chung, họ còn thiếu nhiều kỹ năng làm việc để hội nhập, trong đó, ngoại ngữ (đặc biệt là tiếng Anh) là một vấn đề lớn. Theo bà, chỉ những ứng viên khâu lễ tân là có khả năng tiếng Anh ổn, còn lại thì không cạnh tranh nổi.
Theo dõi sinh viên thực tập, các doanh nghiệp cũng nhận xét là những người có khả năng giao tiếp trực tiếp với đồng nghiệp và khách hàng nước ngoài chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay. Một điều tra nhỏ của trường Đại học Công nghệ TPHCM cho thấy trong tổng số phiếu khảo sát được đưa ra cho doanh nghiệp, có đến 99,1% cho rằng kỹ năng ngoại ngữ là cần thiết nhưng đây lại là kỹ năng yếu nhất của sinh viên mới ra trường; và có đến 82,6% cho rằng kỹ năng này không đạt chất lượng.
Tuy nhiên, trường học không phải là nơi chịu hết trách nhiệm về chất lượng nguồn nhân lực mà doanh nghiệp và bản thân người lao động cũng có phần. Doanh nghiệp cần lao động giỏi nhưng chưa có sự hợp tác chặt chẽ với nhà trường. Nhiều nơi vẫn coi sinh viên thực tập là lao động không có tay nghề, cho họ thực tập trong một thời gian ngắn và chỉ giao việc lặt vặt mà không quan tâm đào tạo thêm. Nhiều sinh viên đi thực tập cũng chỉ cốt để được tốt nghiệp mà không tự trau dồi để có cơ hội nghề nghiệp tốt hơn.
Ông Nguyễn Đức Quỳnh, Phó tổng giám đốc Furama Resort Đà Nẵng, cho rằng tuy có một số rào cản khiến quá trình vươn lên vị trí cấp cao của người lao động Việt Nam khó khăn hơn so với người nước ngoài có cùng xuất phát điểm, nhưng nếu họ biết “tự đào tạo” thì không việc gì là không có thể. Dĩ nhiên, doanh nghiệp phải tạo điều kiện mở các khóa đào tạo cho các cá nhân quản lý, đồng thời xây dựng cơ cấu phát triển đội ngũ quản lý doanh nghiệp cho sự phát triển trong tương lai.
Vào cuối tuần trước, Hiệp hội Du lịch Việt Nam và Sở Du lịch TPHCM đã tổ chức một hội thảo có liên quan một số vấn đề mà bài viết vừa đề cập. Trả lời TBKTSG về kết quả thu được sau hàng chục phát biểu, tranh luận cùng những đề tài báo cáo được đóng lại thành cuốn sách dày hơn 350 trang, ông Bình của hiệp hội cho rằng: “Với tình hình này, chúng ta vẫn cần thêm thời gian. Hy vọng với sự tích cực của nhiều bên thì năm năm nữa, chúng ta sẽ có đủ nguồn lao động chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu trong bối cảnh hội nhập ASEAN”.
Trong khi phía chủ nhà vẫn cần thêm năm năm nữa thì người lao động các nước đã rục rịch tiến vào. Họ đã sẵn sàng cho cuộc chơi mới.
http://www.thesaigontimes.vn/154892/Nguon-nhan-luc-du-lich-va-ap-luc-ASEAN.html
|