Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11/2016
Xây dựng mô hình 3 đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt; khắc phục ngay tình trạng chậm trễ trong công tác phối hợp; khẩn trương có giải pháp xử lý 5 dự án đầu tư không hiệu quả; các cơ quan hành chính Nhà nước không tổ chức chúc Tết, tặng quà trong dịp Tết Nguyên đán Đinh Dậu... là những nội dung quan trọng tại Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11/2016.
Xây dựng mô hình 3 đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt
Về Đề án xây dựng đặc khu kinh tế, Chính phủ thống nhất nguyên tắc xây dựng mô hình 3 đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc thuộc tỉnh theo định hướng mỗi đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt lựa chọn phát triển thế mạnh riêng có, nhằm khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế so sánh của mỗi đơn vị, tạo động lực phát triển mới, bảo đảm phân bổ nguồn lực theo vùng, tạo hiệu ứng lan tỏa trên phạm vi cả nước.
Ủy ban nhân dân các tỉnh Quảng Ninh, Khánh Hòa, Kiên Giang chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các bộ, cơ quan liên quan hoàn thiện các Đề án đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt; đề xuất cấp có thẩm quyền các cơ chế, chính sách đặc thù để xây dựng các dự án Luật đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt cho từng đơn vị.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương liên quan khẩn trương tiếp thu ý kiến Chính phủ, hoàn thiện báo cáo về các đề án, trong đó cập nhật, phân tích, đánh giá tổng thể kinh nghiệm quốc tế về lĩnh vực này; đề xuất các nhóm cơ chế, chính sách kinh tế ưu đãi đặc thù áp dụng cho các đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt. Ban Cán sự Đảng Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo Ban Cán sự Đảng Chính phủ cho ý kiến trước khi báo cáo Bộ Chính trị theo quy định.
Trên cơ sở đề xuất cơ chế, chính sách đặc thù của các tỉnh, ý kiến kết luận của Bộ Chính trị, giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Nội vụ và ủy ban nhân dân các tỉnh và các bộ, cơ quan liên quan lập đề nghị xây dựng các dự án Luật Đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt: Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc, báo cáo Chính phủ cho ý kiến để trình Quốc hội.
Tạo thuận lợi cho sản xuất, gia công thực phẩm xuất khẩu
Để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất, gia công thực phẩm xuất khẩu, Chính phủ thống nhất cho phép doanh nghiệp được miễn kiểm tra Nhà nước về an toàn thực phẩm, công bố hợp quy và công bố sự phù hợp quy định an toàn thực phẩm, miễn ghi nhãn tiếng Việt Nam đối với thực phẩm, nguyên liệu thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng thực phẩm nhập khẩu vào Việt Nam chỉ dùng để sản xuất, gia công hàng xuất khẩu, không tiêu thụ tại thị trường trong nước. Trong thời gian chưa sửa đổi các quy định pháp luật liên quan, thực hiện theo quyết nghị của Chính phủ.
Chính phủ giao Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương và các bộ, ngành liên quan khẩn trương dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định số 38/2012/NĐ-CP ngày 25/4/2012 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm theo trình tự, thủ tục rút gọn, trình Chính phủ trong quý I năm 2017.
Khắc phục ngay tình trạng chậm trễ trong công tác phối hợp
Chính phủ biểu dương tinh thần làm việc quyết liệt, đổi mới, sáng tạo của các bộ, cơ quan thời gian qua. Qua công tác kiểm tra, đôn đốc, kết quả thực hiện nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao có nhiều chuyển biến rõ nét, số nhiệm vụ quá hạn giảm nhiều. Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng một số nhiệm vụ về xây dựng thể chế hoặc nội dung phức tạp còn để quá hạn.
Chính phủ yêu cầu bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, chủ tịch ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo tổ chức thực hiện nghiêm túc, kịp thời các nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao, trong đó tập trung rà soát, hoàn thiện thể chế, không để nợ đọng văn bản quy định chi tiết thi hành các luật đã có hiệu lực thi hành. Khắc phục ngay tình trạng chậm trễ trong công tác phối hợp giữa các bộ, cơ quan. Chủ động đổi mới cách thức làm việc theo hướng kiến tạo, thường xuyên theo dõi tình hình, kịp thời giải quyết những vấn đề nổi cộm, bức xúc thuộc ngành, lĩnh vực mình quản lý. Đề cao trách nhiệm, kỷ luật, kỷ cương trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao, không chuyển công việc thuộc trách nhiệm giải quyết của bộ, cơ quan, địa phương lên Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Yêu cầu các bộ, cơ quan khẩn trương chấn chỉnh, rút kinh nghiệm, khắc phục tồn tại, hạn chế được chỉ ra qua công tác kiểm tra; thực hiện các kiến nghị của Tổ công tác; tập trung hoàn thành các nhiệm vụ, công việc còn nợ đọng; thường xuyên rà soát, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao, bảo đảm chất lượng và đúng thời hạn.
Tổ công tác tiếp tục tổ chức kiểm tra một số bộ, cơ quan, địa phương, trước mắt tập trung vào một số bộ, cơ quan có cách làm hay để nhân rộng mô hình hoặc bộ, cơ quan có khối lượng công việc nhiều nhưng cách thức làm việc còn trì trệ, kém hiệu quả để kịp thời xác định nguyên nhân, chấn chỉnh, đôn đốc việc thực hiện nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao, bảo đảm chất lượng.
Tập trung chỉ đạo, đổi mới biện pháp, cách thức chỉ đạo, điều hành
Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung chỉ đạo, đổi mới biện pháp, cách thức chỉ đạo, điều hành, quyết tâm thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp còn lại trong tháng cuối năm, nỗ lực phấn đấu thực hiện cao nhất mục tiêu tăng trưởng năm 2016; quyết liệt triển khai các nghị quyết của Trung ương Đảng, Quốc hội và các văn bản chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, đề ra nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để thực hiện hiệu quả kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2017 ngay từ ngày đầu, tháng đầu.
Cụ thể, Chính phủ giao Thủ tướng Chính phủ quyết định việc giao dự toán ngân sách Nhà nước năm 2017. Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn các bộ, ngành Trung ương và địa phương giao và triển khai thực hiện dự toán ngân sách Nhà nước năm 2017. Các bộ, ngành, địa phương khẩn trương chuẩn bị ngay các điều kiện cần thiết để triển khai thực hiện hiệu quả kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước ngay từ đầu năm 2017.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan xây dựng dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2017, báo cáo tại Hội nghị Chính phủ với các địa phương tháng 12 năm 2016.
Các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công Thương và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam theo dõi sát diễn biến tình hình kinh tế, thương mại, tài chính quốc tế để chủ động có phương án, giải pháp ứng phó; phối hợp chặt chẽ trong điều hành chính sách kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng. Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu, xây dựng báo cáo đánh giá toàn diện xu thế và diễn biến mới của kinh tế thế giới và trong nước, đề xuất các chủ trương điều hành ứng phó với diễn biến mới của tình hình thế giới, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 12 năm 2016.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ động điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt để ổn định thị trường vàng, ngoại tệ, phối hợp hiệu quả chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ để thúc đẩy tăng trưởng. Khẩn trương hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về xử lý nợ xấu; nâng cao năng lực của Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC). Có phương án giám sát, xử lý hiệu quả các ngân hàng thương mại đã bị mua lại bắt buộc, bảo đảm an toàn hệ thống.
Khẩn trương có giải pháp xử lý 5 dự án đầu tư không hiệu quả
Chính phủ yêu cầu Bộ Công Thương đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu, nhất là thị trường ASEAN; chủ trì xây dựng phương án, giải pháp ứng phó trước các diễn biến liên quan đến TPP và các hiệp định thương mại tự do khác mà ta đã ký kết đối với từng lĩnh vực, ngành hàng, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 12/2016.
Bên cạnh đó, chủ trì, phối hợp với các địa phương tổ chức tốt hệ thống phân phối bán buôn, bán lẻ, trước mắt là hai thành phố lớn Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các bộ, cơ quan, địa phương bảo đảm nguồn hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng Tết Nguyên đán, nhất là các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu đối với vùng sâu, vùng xa, miền núi và hải đảo. Khẩn trương có giải pháp xử lý đối với 5 dự án đầu tư không hiệu quả đã báo cáo Quốc hội, bảo đảm thu hồi tối đa vốn và tài sản của Nhà nước, xác định rõ trách nhiệm để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương tập trung chỉ đạo hoàn thành kế hoạch thu ngân sách Nhà nước theo dự toán được giao; tăng cường thanh tra, kiểm tra, quyết liệt xử lý nợ đọng thuế, chống thất thu ngân sách; triệt để tiết kiệm chi thường xuyên; tổng kết mô hình khoán xe công để nhân rộng mô hình này, bảo đảm hợp lý, hiệu quả, tiết kiệm.
Trong năm 2017, từng bộ, ngành Trung ương và địa phương triệt để tiết kiệm các khoản chi thường xuyên, nhất là kinh phí tổ chức hội nghị, hội thảo, khánh tiết, kinh phí đi nghiên cứu, khảo sát nước ngoài, kinh phí mua sắm ô tô và trang thiết bị đắt tiền để dành nguồn thực hiện điều chỉnh tiền lương cơ sở theo Nghị quyết của Quốc hội và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về dự toán ngân sách Nhà nước năm 2017. Nghiên cứu, đề xuất bổ sung các quy định liên quan đến phòng, chống tiêu cực trong cổ phần hóa, nhất là giá trị lợi thế quyền được thuê đất, giao đất vào giá trị doanh nghiệp khi cổ phần hóa.
Tận dụng tối đa cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4
Chính phủ giao Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất phương án huy động nguồn lực và tận dụng tối đa cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 2/2017; rà soát, đề xuất, báo cáo Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành, địa phương để cải thiện từng chỉ tiêu trong bộ chỉ số về đổi mới sáng tạo theo công bố của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) trong tháng 2/2017.
Các Bộ: Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Giao thông vận tải phối hợp với các địa phương rà soát các quy hoạch liên quan đến công tác quản lý đô thị, nhất là tại các thành phố lớn, đề xuất giải pháp chấn chỉnh. Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội tổ chức thanh tra, kiểm tra công tác quản lý quy hoạch đô thị, nhất là việc quy hoạch, cấp phép xây dựng các khu đô thị mới, khu chung cư cao tầng, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong quý II/2017.
Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội phối hợp với các địa phương tiếp tục thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, phúc lợi xã hội; phối hợp với Bộ Tài chính hỗ trợ, cứu đói cho người dân trong thời kỳ giáp hạt và trong dịp Tết Nguyên đán kịp thời, đúng đối tượng; tiếp tục tổ chức thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 06/2006/CT-TTg ngày 6/3/2006 về tăng cường chỉ đạo và chấp hành pháp luật lao động trong các doanh nghiệp.
Chưa thực hiện sửa đổi, bổ sung Nghị định số 126/2007/NĐ-CP của Chính phủ; tổ chức đánh giá, tổng kết tình hình thực hiện Luật Người lao động Việt Nam ở nước ngoài theo hợp đồng; báo cáo, đề xuất Chính phủ xem xét việc sửa đổi, bổ sung Luật này. Báo cáo công tác quản lý người nghiện ma túy tại Hội nghị Chính phủ với các địa phương tháng 12/2016. Chủ trì, phối hợp với Bộ Công an, các cơ quan liên quan và các địa phương xây dựng phương án tăng cường quản lý người nghiện ma túy, hoàn thành trong quý I/2017.
Khẩn trương nghiên cứu, đề xuất xây dựng quy định về từ chức
Chính phủ yêu cầu Bộ Nội vụ phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương xây dựng kế hoạch, tăng cường công tác thanh tra công vụ trong công tác bổ nhiệm cán bộ. Khẩn trương nghiên cứu, đề xuất xây dựng quy định về từ chức của cán bộ, công chức, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 1/2017. Bộ Nội vụ và các bộ, cơ quan ngang bộ chưa hoàn thành việc trình ban hành Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của bộ, cơ quan mình, khẩn trương trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành trong tháng 12/2016.
Bộ Tài Nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các địa phương tiếp tục rà soát, chấn chỉnh công tác bảo vệ môi trường trên phạm vi cả nước, xử lý nghiêm hành vi vi phạm, không để tái diễn sự cố môi trường; tiếp tục tổ chức thực hiện tốt Chỉ thị số 25/CT-TTg ngày 31/8/2016 về một số nhiệm vụ cấp bách về bảo vệ môi trường.
Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các bộ, ban, ngành, địa phương tăng cường công tác bảo đảm an ninh, trật tự; thanh tra, kiểm tra công tác an toàn phòng, chống cháy nổ, nhất là tại các thành phố lớn dịp cuối năm và Tết Nguyên đán 2017; kiên quyết xử lý tình trạng khai thác trái phép đá, cát, sỏi.
Các cơ quan hành chính Nhà nước không tổ chức chúc Tết, tặng quà dịp Tết Nguyên đán Đinh Dậu
Tại Nghị quyết này, Chính phủ yêu cầu bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan chỉ đạo sát sao tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, kiên quyết xử lý nghiêm cán bộ, công chức tiêu cực, nhũng nhiễu, không chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính; tập trung hoàn thiện thể chế về phòng, chống tham nhũng, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với kiểm tra, kiểm soát, xóa bỏ cơ chế xin-cho; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để kiểm soát tiêu cực. Các cơ quan trong hệ thống hành chính Nhà nước không tổ chức chúc Tết, tặng quà trong dịp Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017.
Các Bộ: Y tế, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp chặt chẽ với ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường chỉ đạo cơ quan chức năng tập trung xử lý ngay những vấn đề bức xúc về an toàn thực phẩm, nhất là vật tư nông nghiệp giả, sử dụng trái phép hóa chất trong sản xuất, bảo quản, chế biến và tiêu thụ thực phẩm; tăng cường phối hợp thông tin, tuyên truyền. Phối hợp với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thực hiện có hiệu quả Chương trình phối hợp vận động và giám sát an toàn thực phẩm giữa Chính phủ và Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Bộ Thông tin và Truyền thông tập trung kiểm tra, giám sát thực hiện quy định pháp luật về thông tin, báo chí; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Các bộ, cơ quan, địa phương thực hiện tốt công tác cung cấp thông tin cho báo chí, bảo đảm công khai, minh bạch.
|