Khi Fed tăng lãi suất
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể tăng lãi suất thêm 0.5% lên mức 1%, đây sẽ là tình huống bất ngờ hoàn toàn với thị trường tài chính và khác xa so với dự báo.
Trong trường hợp này thị trường chứng khoán có thể sẽ chứng kiến những đợt bán tháo liên tiếp và mạnh mẽ vì sự điều chỉnh tăng mạnh bất ngờ là tín hiệu cho thấy Fed có thể phải thắt chặt chính sách nhanh hơn dự kiến. Và lịch sử cũng cho thấy khi thị trường chứng khoán có nguy cơ sụp đổ, dòng tiền sẽ chạy vào thị trường trái phiếu, đẩy giá trái phiếu lên cao và lợi suất trái phiếu đi xuống.
Kéo dài lãi suất thấp kỷ lục
Lần tăng lãi suất vào tháng 12 năm ngoái từ mức 0.25% lên 0.5% của Fed là lần điều chỉnh đầu tiên trong suốt 7 năm kể từ tháng 12/2008. Để đối phó với cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất kể từ cuộc Đại suy thoái năm 1930, Fed đã phải hạ lãi suất từ mức cao 5.25% vào tháng 8/2007 xuống tận mức thấp 0.25% và duy trì mức lãi suất thấp kỷ lục này suốt 8 năm trời.
Như vậy, chỉ trong vòng hơn 1 năm thì Fed đã có 10 lần liên tiếp hạ lãi suất với mức giảm mạnh đáng kể 5%. Đây là tốc độ điều chỉnh kỷ lục nếu nhìn vào giai đoạn trước đó Fed đã phải mất hơn 4 năm để có 18 lần tăng lãi suất từ mức thấp 1% vào tháng 6/2003 lên mức 5.25% vào tháng 8/2007, nhằm đối phó với thị trường nhà đất tăng nóng. Đáng chú ý là mức điều chỉnh tăng trong 18 lần kể trên duy trì xuyên suốt ở mức 0.25%.
Kể từ lần tăng vào cuối năm ngoái cho đến nay thì Fed chưa điều chỉnh lãi suất thêm lần nào nữa, mặc dù vào đầu năm nay nhiều chuyên gia cũng như chính các quan chức của Fed đều cho rằng sẽ có 4 đợt tăng lãi suất trong năm 2016 này. Tuy nhiên, với những bất ổn từ châu Âu khi Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) trong tháng 6 và nguy cơ nền kinh tế Trung Quốc hạ cánh cứng đã khiến Fed phải hoãn lại các đợt tăng lãi suất. Cuộc họp của Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) vào ngày 14/12 đang được giới đầu tư lẫn các chuyên gia tin rằng Fed sẽ có quyết định tăng lãi suất trong cuộc họp cuối cùng của năm nay, đánh dấu lần tăng duy nhất trong năm và là lần tăng thứ hai trong suốt 9 năm qua.
Những yếu tố hỗ trợ quyết định tăng lãi suất trong cuộc họp sắp tới
Những dữ liệu kinh tế thời gian gần đây của Mỹ ngày càng lạc quan và tươi sáng hơn, đặc biệt ở thị trường lao động và khu vực sản xuất công nghiệp. Tỷ lệ thất nghiệp của nước này giảm từ mức 4.9% xuống còn 4.6% theo công bố hôm 2/12. Đây là kết quả gây bất ngờ rất lớn cho thị trường khi dự báo trước đó là vẫn ở mức 4.9%. Bảng lương phi nông nghiệp công bố cùng ngày cũng cho thấy có 178 ngàn việc làm được tạo ra trong tháng 11, cao hơn rất nhiều so với mức 142 ngàn của tháng 10. Trong khi đó, số lượng đơn xin trợ cấp thất nghiệp công bố hôm 8/12 đã giảm từ 268 ngàn xuống còn 258 ngàn.
Ở khu vực sản xuất, chỉ số PMI phi sản xuất do Viện Quản lý Nguồn cung (ISM) của Mỹ công bố hôm 05/12 cho thấy ở mức cao 57.2, vượt dự báo 55.3 vào cao hơn rất nhiều so với tháng trước là 54.8. Chỉ số này trên 50 cho thấy hoạt động công nghiệp đang được mở rộng. Ngoài ra, đơn hàng công nghiệp công bố hôm 6/12 cũng ghi nhận mức tăng trưởng 2.7%, cao hơn dự báo 2.5% và mức 0.6% của tháng trước đó. Trước đó, GDP sơ bộ quý 3 của Mỹ công bố hôm 29/11 cũng ghi nhận ở mức 3.2%, cao hơn so với dự báo là 3% và kỳ trước đó là 2.9%.
Việc tăng lãi suất của Fed nếu có sẽ diễn ra trong bối cảnh các ngân hàng trung ương lớn khác đều thắt chặt chính sách tiền tệ hơn, sau khi Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) quyết định tiếp tục kéo dài chương trình mua tài sản đến cuối năm 2017, dù quy mô mua sẽ giảm từ mức 80 tỷ EUR/tháng như hiện nay xuống còn 60 tỷ EUR/tháng. Trong khi đó, Ngân hàng Trung ương Anh (BOE) được kỳ vọng sẽ tiếp tục giữ nguyên lãi suất cơ bản ở 0.25% trong cuộc họp vào 15/12 tới.
|
Những dữ liệu tươi sáng trên rõ ràng đang ủng hộ rất nhiều cho quyết định tăng lãi suất trong cuộc họp sắp tới. Yếu tố hiện tại có thể níu kéo chính sách tăng lãi suất của Fed là cuộc trưng cầu dân ý thất bại tại Ý dẫn đến thủ tướng nước này là ông Matteo Renz phải từ chức hôm 07/12, sự kiện có tác động quan trọng đến khả năng bất ổn của nền kinh tế EU không kém Brexit. Nhiều chuyên gia cho rằng khả năng Ý có thể rời EU sau Anh là có thể xảy ra.
Các kịch bản có thể xảy ra
Trong trường hợp Fed tăng lãi suất lên 0.75% vào cuộc họp tới như dự đoán thì theo nguyên lý “mua theo tin đồn, bán khi tin ra” có thể đẩy lợi suất thị trường trái phiếu Mỹ lên trên 3% đối với kỳ hạn 30 năm. Khi đó, giới đầu tư kỳ vọng ở kịch bản này có thể mua vào các trái phiếu kho bạc Mỹ. Tuy nhiên, nếu như trong năm 2017 Fed tiếp tục tăng mạnh lãi suất cơ bản thì các nhà đầu tư này có thể bị lỗ khi giá trái phiếu tiếp tục giảm.
Trường hợp thứ hai là Fed có thể tăng lãi suất thêm 0.5% lên mức 1%, đây sẽ là tình huống bất ngờ hoàn toàn với thị trường tài chính và khác xa so với dự báo. Trong trường hợp này thì thị trường chứng khoán có thể sẽ chứng kiến những đợt bán tháo liên tiếp và mạnh mẽ, vì sự điều chỉnh tăng mạnh bất ngờ cho thấy tín hiệu Fed có thể phải thắt chặt chính sách nhanh hơn dự kiến. Và lịch sử cũng cho thấy khi thị trường chứng khoán có nguy cơ sụp đổ, dòng tiền sẽ chạy vào thị trường trái phiếu, đẩy giá trái phiếu lên cao và lợi suất trái phiếu đi xuống.
Trường hợp thứ ba là Fed sẽ tiếp tục giữ nguyên mức lãi suất như hiện tại. Khả năng này không phải là không thể xảy ra, khi chính trường Mỹ vừa trải qua một cuộc bầu cử Tổng thống gây chia rẽ và dự báo mang lại nhiều bất ổn trong tương lai. Trong tình huống này thì những nhà đầu tư đã đánh cược vào khả năng tăng lãi suất của Fed sẽ vội vã chen chân thoát khỏi thị trường. Lợi suất trái phiếu Mỹ sẽ thoái lui trở lại và có thể tiếp tục đi xuống trong thời gian tới./.
|