Thứ Sáu, 16/12/2016 13:00

Đầu tư chứng khoán: Được - mất con sóng 5 năm

Thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam thời điểm này 5 năm trước: Sự hiu quạnh trên các sàn chứng khoán cùng tiếng kêu ai oán khắp các diễn đàn... Một lớp nhà đầu tư (NĐT), môi giới, quản lý các công ty chứng khoán và quỹ đầu tư buộc phải giã từ cuộc chơi trong sự ê chề, thậm chí có người bị vướng vòng lao lý, nhiều công ty chứng khoán rơi vào cảnh thua lỗ nặng nề, giá của hầu hết các mã cổ phiếu bất kể tốt xấu đều trải qua những đợt sụt giảm thê thảm...

Trong hoàn cảnh “tưởng như không còn gì có thể tồi tệ hơn” đó, rốt cuộc cũng bắt đầu le lói “ánh sáng cuối đường hầm”, thắp nên hy vọng một sự hồi sinh!

Sóng tăng đã bắt đầu như thế, “thai nghén trong đau thương, mất mát”, kéo dài từ đó đến nay, đưa chỉ số VN-Index đạt mức cao nhất trong 8 năm và đóng cửa tại 688.89 điểm ngày 19/10/2016 (tăng gấp hơn hai lần so với đáy 336.73 đóng cửa ngày 6/1/2012). Chỉ số HNX-Index dù không giữ được vùng giá trên 90 điểm hồi tháng 3/2014 nhưng hiện vẫn dao động quanh vùng 80 điểm (tăng khoảng 50% so với đáy 55.27 ngày 9/1/2012).

Suốt 5 năm qua, thị trường vẫn không vơi đi phần khốc liệt! Nếu chỉ nhìn vào thành tích tăng của VN-Index và HNX-Index, người “ngoại đạo” có thể lầm tưởng NĐT hẳn đã có một khoảng thời gian an nhàn, gặt hái nhiều thành quả và không khỏi ngạc nhiên khi được biết một thực tế: thị trường đã trải qua không ít thăng trầm, NĐT nhiều phen “bầm dập đến trầy vây, tróc vẩy”. Đó là những phiên tháo chạy kinh hoàng, “rơi guốc dép” hồi tháng 8 năm 2012 khi bầu Kiên bị bắt, rồi vụ giàn khoan HD981 hồi tháng 5 năm 2014, hay như cuối tháng 8 năm 2015 khi mà thị trường tài chính thế giới chao đảo do những phiên sụt giảm sốc trên TTCK Trung Quốc... Trong mỗi đợt biến động như thế, bảng điện tử hầu như trắng bên mua, vốn hóa thị trường “bay hơi” hàng tỷ USD chỉ trong một phiên. Ngoài ra, NĐT cũng phải kinh qua nhiều tình huống thị trường hoảng loạn bởi những tin đồn thất thiệt...

Một thực tế khác, không phải NĐT nào cũng “ăn nên, làm ra”, thậm chí có thể vẫn có người trắng tay. Hãy xem sự phân hóa sâu sắc trong diễn biến giá của các cổ phiếu.

Trước hết đó là nhóm cổ phiếu được mệnh danh “vàng ròng”, mang lại kết quả xuất sắc cho những NĐT trung thành, với xu hướng chủ đạo là giá tăng mạnh dù đôi lúc xuất hiện nhịp điều chỉnh nhẹ. Với những ai đã mua từ 5 năm trước và nắm giữ đến thời điểm này đều có được mức siêu lợi nhuận khi giá (đã hiệu chỉnh cổ tức, phát hành tăng vốn...) tăng khoảng 5-7 lần như VNM, NSC, NTP... hay khoảng 10 lần như HPG, CTD, HSG... thậm chí tăng tới khoảng 20-30 lần như các mã TLG, CVT, PTB, DNP... Những NĐT có kỹ năng phân tích kỹ thuật và kinh nghiệm giao dịch, tận dụng cơ hội “lướt” những nhịp điều chỉnh thì hiệu quả đầu tư còn cao hơn nữa.

Tuy nhiên, số lượng những mã cổ phiếu như thế không nhiều và thanh khoản thường ở mức thấp. Ngay như VNM, mã cổ phiếu mà bất kỳ NĐT nào cũng biết, với khối lượng niêm yết hàng tỷ đơn vị, từ tháng 5/2015 trở về trước, khối lượng khớp lệnh cả một tháng cũng chỉ đạt trung bình khoảng 1-1.2 triệu đơn vị. Điều đó nói lên rằng, không nhiều NĐT có được “cơ duyên”với những “mỏ vàng” này?

Ở một thái cực khác là nhóm “tương đối đông” các mã cổ phiếu mà một số NĐT gọi vui “cổ phiếu lởm”, xu hướng chủ đạo là giảm giá xen kẽ một vài đợt phục hồi ngắn và yếu. Đặc biệt, nhiều mã trong nhóm này đều “kiên trì” giảm giá suốt từ cuối năm 2014 khi NHNN ban hành Thông tư 36 theo đó tổng dư nợ cấp tín dụng đầu tư, kinh doanh cổ phiếu không được vượt quá 5% vốn điều lệ, vốn được cấp của các NHTM (có tỷ lệ nợ xấu dưới 3%), một sự sụt giảm đáng kể từ mức 20% theo quy định cũ và có hiệu lực ngay từ ngày 1/2/2015. Nếu so với mức giá 2 năm trước, đa số giảm từ 50-70% khiến cho nhiều mã đang trở lại vùng giá của 5 năm trước, thậm chí có những mã đang ở vùng giá thấp nhất từ khi niêm yết như TSC, KLF, LCM, HAR, KHB, MCG, HAI, ITQ....

Hầu hết các mã trong nhóm cổ phiếu “lởm” được vay ký quỹ và có thanh khoản cao,  thường xuyên khớp lệnh 5-7 triệu đơn vị và thậm chí có thời điểm đạt 20-30 triệu đơn vị/phiên. Đối với một số mã cổ phiếu trong nhóm này, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp vẫn chìm sâu trong khó khăn, có doanh nghiệp vẫn đang luẩn quẩn tái cấu trúc toàn diện. Việc phát hành tăng vốn, tăng cường năng lực tài chính gặp không ít khó khăn do giá cổ phiếu giảm sâu dưới mệnh giá khiến doanh nghiệp phải phân phối lượng lớn cổ phiếu “ế” cho NĐT “đặc biệt”. Việc phát hành như thế thường khiến cho diễn biến giao dịch và giá cổ phiếu càng trở nên trầm trọng hơn. Đây có lẽ là đối tượng giao dịch của nhiều NĐT bám sàn? Những ai thường lạm dụng đòn bẩy tài chính có thể gặp rủi ro đầu tư kém hiệu quả, thậm chí thua lỗ nặng. Những ca thán thường gặp trên các diễn đàn ít nhiều liên quan đến các mã cổ phiếu này.

Giữa hai thái cực trên là một dải rộng nhiều tình huống trải nghiệm khác nhau với những mã cổ phiếu không thực sự “nổi bật”, ít nhất là trong mắt phần đông NĐT bám sàn hay trên các diễn đàn về chứng khoán. Điểm chung của những mã cổ phiếu này là diễn biến giá tương đối ôn hòa với những nhịp tăng, giảm không quá kịch tính; giao dịch thường chậm, khối lượng khớp lệnh mỗi phiên thường không quá 0.3% khối lượng niêm yết; hiếm khi có sự tăng/giảm nóng với bước nhảy lớn về giá trong ngắn hạn nhưng sau 5 năm “tích tiểu thành đại” cũng có được mức sinh lời khá, nhiều mã đạt mức tăng tương đương với các chỉ số chính; hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp khá bình yên, không có những sự kiện “đốt nóng dư luận”; ban lãnh đạo tập trung vào công việc điều hành hoạt động sản xuất kinh doanh thay vì lướt sóng cổ phiếu của chính doanh nghiệp mình hay đánh bóng tên tuổi cá nhân... Những mã cổ phiếu này có lẽ là đối tượng của những NĐT không quá mạo hiểm.

Bức tranh thị trường hẳn sẽ bị khuyết nếu không đề cập đến nhóm cổ phiếu được NĐT gán mác “tàng hình”, “ve sầu thoát xác” do không biết ai là chủ thực sự của doanh nghiệp, không có cổ đông lớn hoặc cổ đông lớn thoái hết vốn ngay sau khi cổ phiếu được niêm yết và giao dịch, ban lãnh đạo không sở hữu cổ phần nào hoặc nếu có cũng chỉ là con số tượng trưng, trước và sau khi niêm yết doanh nghiệp đều trải qua những đợt phát hành tăng vốn ảo thần tốc... Đây thực sự là một nỗi kinh hoàng cho những NĐT không may “có cơ duyên” để rồi bị sa lầy ở những mã cổ phiếu đó nếu không quyết liệt cắt lỗ. Thậm chí NĐT muốn cắt lỗ cũng không thể bán được do khối lượng lớn đặt bán giá sàn liên tiếp nhiều phiên trong khi không có ai mua. Kể từ khi niêm yết, giá của những “thây ma” này cứ miệt mài giảm cho dù hoạt động sản xuất kinh doanh có vẻ vẫn bình thường, doanh nghiệp vẫn đáp ứng những yêu cầu công bố thông tin, các báo cáo tài chính được kiểm toán và không có ý kiến ngoại trừ... Một ngày “đẹp trời”, ai đó phát giác ra sự thật đằng sau những tấm bình phong hoàn hảo đó khiến mọi hoạt động bị đảo lộn, hoạt động sản xuất kinh doanh ngưng trệ không có doanh thu và lợi nhuận, không đáp ứng được yêu cầu công bố thông tin, báo cáo tài chính bỗng dưng lộ những “hố đen”... Cổ phiếu bị hủy niêm yết và NĐT thì trắng tay. Một số doanh nghiệp bị hủy niêm yết có vốn điều lệ lên tới 500 tỷ đồng khiến cho một lượng lớn NĐT bỗng dưng bị mất trắng tài sản.

Không dễ nhận biết những cổ phiếu “tàng hình”? Ngay như các cơ quan quản lý thị trường, những tổ chức tư vấn niêm yết cũng không đủ tinh tường gạn lọc, vì thế những “hạt sạn” đó vẫn được niêm yết và giao dịch. Không những thế, trong một số bản cáo bạch, tổ chức tư vấn còn đưa ra nhận định triển vọng lạc quan kèm theo mức giá chào sàn khá cao. Với những tổ chức chuyên nghiệp còn như thế, NĐT cá nhân đặc biệt những người mới chập chững tham gia thị trường sao tránh khỏi bị sập bẫy?

Phân tích, đánh giá, lựa chọn cổ phiếu là công việc nhọc nhằn, thách thức rất lớn, cơ bản quyết định thành bại trong đầu tư. Điều đó cũng không là ngoại lệ ngay cả với những NĐT “cơ động”, thường xuyên “di chuyển” giữa các dòng cổ phiếu khác nhau. Một số mã cổ phiếu trong nhóm “vàng ròng”, hoạt động chốt lời gần đây diễn ra khá mạnh, khiến nhiều NĐT mua từ thời điểm cuối quý 3 phải chịu không ít áp lực. Hay những cổ phiếu cùng xu hướng các chỉ số chính, sẽ là thuận lợi nếu các chỉ số chính triển khai xu hướng tăng, nhưng khi VN-Index và HNX-Index bước vào sóng điều chỉnh, NĐT hẳn cũng phải trải qua quãng thời gian không mấy vui nếu không sáng suốt tạm đứng ngoài chờ qua nhịp điều chỉnh đó.

Sự khắc nghiệt, nét đặc trưng của TTCK bất kể là thị trường đã phát triển lâu đời hay non trẻ, tôi luyện bản lĩnh các thành viên và cũng đòi hỏi họ phải có bản lĩnh để có thể trụ được trên thị trường dù đó là NĐT, tổ chức phát hành hay bất cứ ai mà công việc có liên quan đến thị trường. Thiết lập và vận hành thị trường sao cho càng ít NĐT “bỗng dưng trắng tay”, NĐT đối mặt càng ít “rủi ro chiến bại” thì thị trường mới có thể phát triển bền vững, đóng góp thiết thực cho công cuộc phát triển kinh tế của đất nước./.

Các tin tức khác

>   6 thói quen của nhà đầu tư thành công (15/12/2016)

>   Nên bỏ bao nhiêu trứng vào một giỏ? (14/12/2016)

>   Danh mục đầu tư của Donald Trump gồm những cổ phiếu nào? (08/12/2016)

>   Đánh cược vào cổ phiếu dầu, một nhà giao dịch quyền chọn đã mất hơn 2 triệu USD trong 1 tuần (02/12/2016)

>   Market Maker, họ là ai? (29/11/2016)

>   Quản trị rủi ro trong đầu tư chứng khoán (28/11/2016)

>   Bài học đầu tư từ cha đẻ sàn chứng khoán đầu tiên tại Nhật Bản (23/11/2016)

>   Chiến lược phản ứng với các thông tin gây sốc (18/11/2016)

>   Ứng dụng Tài chính hành vi trong đầu tư - kỳ 2 (17/11/2016)

>   Tỷ phú Soros: Bán tháo vàng, chuyển qua năng lượng và thị trường mới nổi (15/11/2016)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật