Thứ Năm, 15/12/2016 13:16

Đằng sau câu chuyện tăng giá của DST

Với kết quả kinh doanh không quá nổi bật nhưng giá cổ phiếu CTCP Sách và Thiết bị giáo dục Nam Định (HNX: DST) bất ngờ nhảy vọt hơn 200% trong 1 năm qua và khối lượng giao dịch cũng tăng mạnh. Vậy điều gì đã khiến DST “thay da đổi thịt” sau 7 năm im hơi lặng tiếng?

Được biết, DST có tiền thân là Phòng sách giáo khoa trực thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo Nam Định, niêm yết trên sàn chứng khoán Hà Nội vào ngày 16/10/2007, với mức giá khởi đầu là 78,000 đồng/cp.

Ngay sau khi lên sàn thì giá cổ phiếu DST bắt đầu lao dốc không ngừng, từ mốc 78,000 đồng/cp đã giảm gần 6 lần, về giao dịch tại mức 6,800 đồng/cp chỉ sau chưa đầy một năm. Giai đoạn sau đó, giá cổ phiếu DST cũng có những biến động tăng giảm đan xen nhưng xu hướng chung cho đến hết năm 2014 cơ bản là đi ngang với lượng giao dịch bình quân dưới 1,000 đơn vị/phiên.

Tuy nhiên, mọi chuyện đã bắt đầu thay đổi từ năm 2015, cổ phiếu DST đã viết lên một kỳ tích mới cho riêng mình. Cụ thể, cổ phiếu DST liên tục leo dốc và nhanh chóng đạt mức hơn 34,000 đồng/cp, tăng hơn 330% so với thời điểm đầu năm 2015. Khối lượng giao dịch trong giai đoạn này đạt bình quân 197,720 cp/ngày.

Thống kê giao dịch của DST từ khi niêm yết

Việc giá cp DST tăng vọt hơn 200% sau 7 năm im hơi lặng tiếng rõ ràng là điều rất bất ngờ. Câu hỏi là điều gì đã giúp cổ phiếu DST làm nên kỳ tích như vậy?

Ẩn số từ nhân sự mới

Câu chuyện giá cổ phiếu DST bắt đầu rục rịch từ đầu năm năm 2015 trùng với thời điểm mà Công ty thay đổi hàng loạt nhân sự cao cấp.

Theo Nghị quyết ĐHĐCĐ thường niên 2015, các cổ đông Công ty đã bầu ra 5 thành viên HĐQT và 3 thành viên BKS cho nhiệm kỳ 2015-2020. Trong các thành viên trúng cử, chỉ còn ông Đặng Quốc Toản là người trong nhiệm kỳ cũ, còn lại toàn bộ các thành viên HĐQT và BKS nhiệm kỳ cũ đều không trúng cử. Ngoài ra, đa số nhân sự cao cấp trong nhiệm kỳ mới của DST đều thuộc thế hệ 8x.

Sau đó, vị trí Chủ tịch HĐQT DST do ông Lê Trường Giang đảm nhiệm thay cho ông Đặng Quốc Toản. Được biết, ông Giang sinh năm 1984, là cử nhân ngành quản trị doanh nghiệp thương mại, từ năm 2009-2011, ông là nhân viên của trung tâm đào tạo lập trình viên quốc tế FPT, Công ty TNHH Xuân Cầu. Công việc gần nhất ông Giang thực hiện là nhân viên CTCP Kinh doanh BĐS Hunhud trước khi được bầu và bổ nhiệm Chủ tịch DST.

Công ty Cổ phần Kinh doanh Bất động sản Hanhud được thành lập ngày 28/04/2010  với cổ đông sáng lập chính là CTCP Kinh doanh Phát triển Nhà và Đô thị Hà Nội (HANHUD) trực thuộc Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển Nhà Hà Nội HANDICO.

Công ty Cổ phần Kinh doanh Bất động sản Hanhud là đơn vị hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh, tư vấn, quản lý và tiếp thị bất động sản.

Ngoài ra, Thành viên HĐQT trẻ nhất của DST nữa là bà Trần Thị Thúy Hằng (1987) cũng làm nghề kinh doanh tự do trước khi chính thức là Thành viên HĐQT DST từ 04/04/2015. 2 thành viên mới còn lại thì cũng không có kinh nghiệm gì từ lĩnh vực mà DST đang hoạt động hiện nay. Cũng tại thời điểm được bầu vào thành viên HĐQT nhiệm kỳ mới, chỉ có bà Hằng là sở hữu 4.85% vốn DST, còn lại đều không sở hữu cổ phiếu DST.

Hiệu suất kinh doanh mờ nhạt

Về hoạt động kinh doanh, tính từ thời điểm niêm yết đến năm 2015 nhìn chung không quá nổi bật với tốc độ tăng trưởng doanh thu trung bình chỉ xấp xỉ 7%. Trong khi đó, con số giá trị lợi nhuận sau thuế không mấy khả quan khi cho thấy một sự suy giảm đáng kể, tương đương tính theo bình quân giảm hơn 9%, trong đó giai đoạn 2012 - 2014 lãi ròng luôn duy trì ở mức thấp, chưa kể đến việc ghi nhận lỗ 76 triệu đồng năm 2012.

Trong năm 2015, kết quả kinh doanh DST có sự tăng trưởng mạnh về lợi nhuận so với năm 2014 nhưng nguyên nhân cho sự tăng trưởng trên không phải xuất phát từ kinh doanh chính mà chủ yếu đến từ khoản lãi khác thu về trong kỳ của công ty đạt hơn 750 triệu đồng.

Kết quả kinh doanh của DST giai đoạn 2007 – 2015
Đvt:Triệu đồng

Năm 2016, DST đưa ra kế hoạch kinh doanh đột biến với doanh thu kỳ vọng đạt con số 50 tỷ đồng, một con số khá cao so với kết quả đạt được trong những năm trước đó. Theo đó, DSTdự kiến lợi nhuận năm 2016 sẽ đạt con số 1.2 tỷ đồng, tăng hơn 50% so với kết quả năm trước đó.

Mặc dù xét về tính tương đối, mức tăng trưởng kỳ vọng cho năm 2016 mang tính thách thức so với những năm trước đó, nhưng xét về giá trị tuyệt đối thì hiệu suất kinh doanh vẫn chưa tương xứng với quy mô của DST. Bằng chứng là ROE dự kiến chỉ tương đương 0.3%, cho thấy năng lực kinh doanh của công ty vẫn không xứng đáng với quy mô trên 300 tỷ đồng.

Như vậy, rõ ràng rằng động lực tăng giá khó lòng mà xuất phát từ hoạt động kinh doanh, thậm chí kế hoạch đặt ra và thực tế đạt được hiện nay lại là hai câu chuyện hoàn toàn khác nhau, khi mà doanh thu lũy kế 9 tháng năm nay chỉ mới cán mốc hơn 70% kế hoạch.

Liên tục phát hành dưới thời nhân sự mới

Kể từ khi niêm yết, DST chưa một lần thực hiện hiện huy động vốn từ cổ đông hiện hữu để tăng vốn điều lệ. Do đó là cho đến khi các nhân sự trong nhiệm kỳ cũ rời đi thì DST chỉ có vốn điều lệ là 10 tỷ đồng.

Tuy nhiên, kể từ khi nhân sự cao cấp của DST được thay thế từ ĐHĐCĐ 2015 thì Công ty đã bắt đầu chiến lược phát hành tăng vốn. Cụ thể, vào ngày 22/04/2015, DST đã phát hành 15.5 triệu cp cho cổ đông hiện hữu nhằm tăng vốn từ 10 tỷ đồng lên 165 tỷ đồng.

Tổng giá trị thu về từ đợt phát hành là 155 tỷ đồng, trong đó DST sử dụng 4.7 tỷ đồng để bổ sung vốn lưu động cho hoạt động kinh doanh và mở chi nhánh của công ty, còn lại hơn 150 tỷ đồng công ty đã mua lại phần vốn góp của các thành viên góp vốn tại Công ty TNHH Tư vấn và Quản lý Smart Invest, tương đương 72.32% vốn điều lệ công ty.

Cùng thời điểm mà DST phát động đợt tăng vốn này thì giá cổ phiếu trên sàn cũng bắt đầu chuyển mình sau 7 năm im hơi lặng tiếng. Đó cũng là lúc mà nhà đầu tư trên thị trường chứng kiến DST tăng giá trên 10,000 đồng/cp.

Chưa dừng lại ở đó, với tiêu chí hoạt động tăng nguồn vốn mà không tăng áp lực từ phía nhà băng, trong thời gian tới DST cũng dự kiến sẽ phát hành 15.8 triệu cp, tăng vốn lên 323 tỷ đồng. Công ty dự định  sẽ dùng 487 triệu để bổ sung vốn lưu động, tiếp tục đẩy mạnh chủ trương đa dạng hóa sản phẩm và mở rộng hệ thống phân phối. Đồng thời số tiền thu về còn lại dự kiến sẽ tiếp tục đầu tư vào các công ty con, cụ thể 57.5 tỷ mua lại phần vốn góp của các thành viên góp vốn tại Công ty TNHH Tư vấn và Quản lý Smart Invest và 100 tỷ đồng mua lại vốn góp tại Công ty TNHH Đầu tư và Thương mại Hưng Thịnh An, tương đương 100% vốn điều lệ tại công ty này.

Giá phát hành trong đợt này cũng là 10,000 đồng/cp, thấp hơn rất nhiều so với thị giá của DST tại thời điểm công bố. Cũng sau khi thông tin này được công bố thì giá cổ phiếu DST trên sàn liên tục tăng trần nhiều phiên, đạt mức tăng hơn 170% chỉ trong 1 tháng qua với khối lượng giao dịch bình quân gần 200,000 đơn vị/phiên.

Cũng nói thêm, gắn liền với giá cổ phiếu DST tăng vọt là động thái thoái vốn hàng loạt của các cổ đông nội bộ. Giai đoạn 2014 – 2015, ông Đặng Quốc Toản - cựu Chủ tịch HĐQT thoái toàn bộ hơn 5% vốn điều lệ, ông Nguyễn Ngọc Doanh cùng số cổ đông liên quan cũng đồng thuận thoái vốn lần lượt. Đây cũng là thời điểm giá cổ phiếu trên thị trường tăng vọt gấp đôi và tạo đỉnh vào thời gian quý 1/2015.

Mới đây, từ 28-30/09/2016, bà Trần Thị Thúy Hằng - Ủy viên HĐQT DST đã thoái hết 630,403 cp, tương đương tỷ lệ 3.84% vốn điều lệ của công ty này. Được biết trước đó, nửa đầu tháng 8, bà Hằng đăng ký thoái toàn bộ 800,403 cp (4.87%) nhưng chỉ bán thành công 170,000 cp do diễn biến giá thị trường chứng khoán không theo dự kiến.

Ở thời điểm hiện tại thì DST không có cổ đông lớn nào nắm trên 5% vốn. Thành viên HĐQT nắm giữ cổ phần lớn nhất DST là bà Hằng cũng đã thoái vốn trong khi các thành viên khác gần như không nắm giữ cổ phiếu DST./.

Các tin tức khác

>   Ngày 15/12/2016: 10 cổ phiếu “nóng” dưới góc nhìn PTKT của Vietstock (15/12/2016)

>   FUCTVGF1: Bài giới thiệu một số nét chính của Quỹ TVGF (15/12/2016)

>   Nhịp đập Thị trường 15/12: Xanh được là mừng! (15/12/2016)

>   15/12: Bản tin 20 giờ qua (15/12/2016)

>   Top cổ phiếu đáng chú ý đầu phiên 15/12 (15/12/2016)

>   Nhà đầu tư nước ngoài cần gì từ “room ngoại”? (14/12/2016)

>   KBC mạnh tay chi tối đa 475 tỷ đồng mua cổ phiếu quỹ (14/12/2016)

>   HQC sắp được giải cứu? (14/12/2016)

>   Nhịp đập Thị trường 14/12: “Khởi nghĩa” thành công (14/12/2016)

>   14/12: Bản tin 20 giờ qua (14/12/2016)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật