Nhịp đập Thị trường 15/12: Xanh được là mừng!
VN-Index đóng cửa ở mức 665,92 điểm, tuy tăng 0.12% so với hôm qua, nhưng thấp hơn mức mở cửa và mức “đóng cửa” của phiên sáng, chủ yếu do 1 số mã vốn hóa lớn giảm giá trong phiên xác định giá đóng cửa như VNM, PVD… Tuy SAB vẫn tăng trần (phiên thứ 8 liên tiếp) và trở thành cổ phiếu có mức vốn hóa lớn thứ 2 trên sàn HOSE (sau VNM), nhưng cũng không đỡ được nhiều cho chỉ số.
1 số cổ phiếu nhóm ngân hàng tăng giá trong phiên sáng đã bớt nhiệt vào cuối ngày như STB (chỉ còn tăng 1.3% chứ không còn hơn 4% như phiên sáng), hay CTG (+1.4%). Ngược lại, EIB đã giảm đến 5.6% về 9,300 đ/cp.
Khối ngoại đã gia tăng GD trong phiên chiều, nhất là ở bên bán. Các mã vốn hóa lớn bị đặt bán nhiều là VNM, CTG, HAG và VIC. HPG, VCB và MSN tuy cũng bị khối ngoại đặt bán nhiều hơn so với phiên sáng, nhưng khối ngoại cũng tăng mua, nhất là VCB (giúp cổ phiếu này giữ được sắc xanh).
VNM 3 phiên giao dịch trước đây khối ngoại đều đặt mua trên 500,000 cp, và đặt bán ít đi khiến nhiều NĐT tin rằng khối ngoại sẽ không còn bán ròng sau khi đã kết thúc đợt đấu giá, tuy nhiên hôm nay khối ngoại dù vẫn mua trên 700,000 cp, nhưng lại bán hơn 1 tr.cp khiến giá giảm 2.45% về mức 127,600 đ/cp. Dường như đang có tình trạng bên mua (ngoại) gom hàng ở giá thấp chứ không có ý định đỡ giá, còn bên bán (ngoại) thì sẵn sàng “đạp giá xuống” để bán được nhiều.
Trong số các nhóm ngành tăng giá, nổi bật nhất là ngành than, với 5 cổ phiếu tăng hơn 7% (HLC, TC6, THT, TVD và MVB). Ngược lại ngành bia rượu chỉ có cuộc đua song mã SAB và BHN, các cổ phiếu bia nhỏ hơn đều đứng hay giảm giá. Có lẽ trong ngành bia, NĐT cũng chỉ quan tâm đến 2 đại gia nói trên.
Ngành dầu khí họ PVN đa số giảm giá, trừ DPM và PVC. Giá dầu Brent hiện đang dao động nhẹ quanh mức 54 USD/thùng và đã giảm hơn 10% kể từ đỉnh 1 năm mới được thiết lập cách đây khoảng 2 ngày, sau những lo ngại về nguồn cung từ Mỹ.
BBC bỗng dưng tăng trần vào đợt 3 sau khi giảm giá suốt từ lúc mở cửa cho đến 14g, lên 90.400 đ/cp. Tuy nhiên, cổ phiếu này vẫn thuộc nhóm rất kém thanh khoản khi tổng KL khớp lệnh hôm nay chỉ vỏn vẹn 1.830 cp.
DAH tăng trần phiên thứ 2 liên tiếp với khối lượng khớp lệnh rất lớn, trên 7 tr.cp. Tính cả phiên tăng trần hôm qua, tổng KL cổ phiếu chuyển nhượng đã là 10.3 tr.cp, tương đương khoảng 30% lượng cổ phiếu đang lưu hành.
ITA đã giảm sàn phiên thứ 2 liên tiếp dù trước đó có thông tin tích cực. Có lẽ mối nghi ngờ rằng việc ĐT cổ phiếu từ 1 quỹ khá bí ẩn chỉ là 1 hình thức cho vay, đã khiến NĐT không hào hứng bắt đáy cổ phiếu này. Khối ngoại cũng đã bán ròng hơn 200 ngàn cổ phiếu ITA hôm nay.
Phiên sáng: Nhóm ngân hàng, cao su và than tăng giá
VN-Index chốt phiên sáng ở mức 667.41 điểm (+0.34%), HNX-Index 78.97 điểm (+0.51%). Ngạc nhiên là tuy BHN và ACV tăng giá mạnh, nhưng UpcomIndex gần như đứng yên (+0.02%).
Trong nhóm VN30, số lượng cổ phiếu tăng và giảm giá cân bằng 13:13, tuy nhiên chỉ số này tăng nhờ các cổ phiếu ngân hàng STB (+4.05%), CTG (+3.75%) và VCB (+0.86%).
VNM đã giảm về 127,600 đồng/cp nhưng lượng giao dịch đã vượt cả ngày hôm qua (1.56 triệu cp so với 1.19 triệu cp).
Bên cạnh nhóm ngân hàng, nhóm ngành có nhiều mã tăng giá nhất trong phiên sáng là than. Các cổ phiếu TC6, TVD, MVB đang tăng trần, những mã khác NBC, TCS, THT và TDN cũng đều tăng hơn 5%.
Bộ NN&PTNT cho biết sẽ bỏ quy định về mạ băng, hàm ẩn trong cá tra trong nội dung Nghị định mới sắp được ban hành. Giá cổ phiếu HVG tăng nhẹ 2.3% lên 8,900 đ/cp. Một số cổ phiếu ngành thủy sản cũng tăng nhẹ như AAM, ABT, ICF, tuy nhiên đa số đứng giá.
DPM tiếp tục tăng giá phiên thứ 2 sau đợt giảm giá mạnh nhất năm nay. Cổ phiếu này đã giảm giá liên tục kể từ khi chốt ngày GD không hưởng quyền nhận cổ tức đợt 1/2016 tỷ lệ 20% (ngày 29/11) đến nay, chủ yếu do khối ngoại bán ròng. Sáng nay khối ngoại cũng bán ròng gần 180,000 cp.
HQC quay lại giảm giá 3.23% sau phiên tăng trần hôm qua. Đây là thời điểm “cân não” giữa những NĐT thích bắt đáy với những người còn lo sợ rủi ro xả hàng margin call.
Trừ BHN và SAB, tất cả cổ phiếu khác trong nhóm bia rượu đều đứng giá hay giảm khá mạnh. Có vẻ như giữa BHN và SAB chỉ là 1 cuộc đua tăng giá nóng nội bộ với nhau.
Nhóm đường và bánh kẹo trừ SBT, tất cả đều đứng hay giảm giá sau khi có thông tin giá đường thấp nhất trong vòng nửa năm nay, thậm chí KTS giảm sàn 9.7%.
10h30: Sắc xanh được duy trì
VN-Index sau khi rung lắc mạnh ngay sau thời điểm 9h15 thì đã duy trì được sắc xanh, với sự hỗ trợ lớn từ SAB, BVH và nhóm cổ phiếu ngân hàng VCB, CTG và STB.
NHNN đã công bố tỷ giá trung tâm là 22,135 đồng/USD, cao nhất từ trước tới nay. Đây có lẽ là phản ứng của cơ quan nhà nước có liên quan đến động thái của FED. Như vậy biên độ tỷ giá từ 21,471 đồng/USD – 22,799 đồng/USD. Nhiều ngân hàng đang áp tỷ giá bán sát ngưỡng trần.
Trong nhóm cổ phiếu ngân hàng đang tăng giá, đáng chú ý nhất là CTG khi đang tăng hơn 5%. Nếu cổ đông đồng ý với việc ngân hàng này trả cổ tức bằng tiền mặt, thì đây cũng là khoản thu nhập khá đáng kể cho cổ đông cho năm nay (tính đến lúc này, CTG vẫn giảm giá hơn 10% so với đầu năm).
SAB dư mua trần nhờ lệnh mua của khối ngoại. Có phải vì lượng floating shares quá thấp nên khối ngoại phải chấp nhận mua ngay cả khi P/E trailing đã vượt 30?
BHN tăng mạnh hơn 11% và qua trở lại bám đuổi SAB. Tuy nhiên, về mặt cảm quan, khi so sánh 2 đại gia ngành bia này về thị phần thị trường, về DT và LN… thì có vẻ như giá cổ phiếu BHN đang ở mức hơi bất hợp lý so với SAB.
SAB tuy tăng trần 8 phiên, nhưng trên HNX lại có 1 cổ phiếu tăng trần liên tiếp đến 9 phiên là TET. Cổ phiếu này tăng có liên quan đến việc công ty Delta V đăng ký mua cổ phiếu, cũng như TET được cho là có “của để dành” là vài mảnh đất có giá trị rất lớn ở Hà Nội mà các đại gia BĐS rất thèm muốn.
STB tiếp tục tăng dù khối ngoại bán ròng. Trong ngày hôm qua, STB là cổ phiếu mà khối ngoại đã bán ròng nhiều nhất (khoảng 4.5 tr.cp). Hôm nay tuy lượng bán ròng chưa lớn, nhưng cần chú ý thêm, nhất là phiên chiều.
VNM giảm mạnh hơn so với lúc mở cửa, đang khớp lệnh ở mức giá 128.500 đ/cp (-1.8%)., tuy nhiên tổng khối lượng GD đến lúc này đã gần bằng cả ngày hôm qua. Nếu khối lượng GD cả ngay hôm nay tăng mạnh so với 5 phiên gần nhất, đó sẽ là dấu hiệu quan trọng cho việc bắt đáy. Khối ngoại tiếp tục bán ròng trên mã này.
CDO đã giảm sàn 8 phiên liên tiếp về mức 19,750 đ/cp, mức giá này đang gần với mặt bằng giá trước khi công ty này phát hành cổ phiếu để tăng vốn.
Mở cửa: Vẫn tích cực sau khi Fed nâng lãi suất
VN-Index mở cửa ở mức 668.07 điểm, tăng nhẹ 0.4%. HNX-Index cũng tăng nhẹ lên 79 điểm. Thông tin từ Fed đã không khiến NĐT lo ngại như ở những thời điểm dự báo trước đó, ngược lại chỉ số tiếp tục thể hiện sự hưng phấn của NĐT sau phiên hồi phục hôm qua.
Fed đã quyết định nâng lãi suất từ phạm vi 0.25-0.5% lên 0.5-0.75% (lãi suất đang dao động ở mức 0.41%). Thậm chí cơ quan này còn dự định nâng lãi suất 3 lần trong năm 2017 tới. Đa số các chỉ số chứng khoán ở các TTCK châu Á giảm nhẹ với tin này, 1 phần có lẽ vì dự báo giảm lãi suất đã được nhắc đến rất nhiều lần trong thời gian qua. Tuy nhiên, quyết định này cùng với các chính sách của Tổng thống Mỹ sẽ còn ảnh hưởng nhiều đến dòng chảy của đồng vốn FII toàn cầu trong thời gian tới.
Giá dầu thế giới đã giảm 4% ngay trước khi Fed tăng lãi suất và giảm hơn 10% so với mức đỉnh cả năm 2016 vừa thiết lập cách đây 2 ngày. Ngoài ra, có dự báo rằng sản lượng dầu đá phiếu Mỹ cũng sẽ tăng trong tháng 1 tới, nhân “cơ hội” các nước XK dầu lớn khác cam kết giảm sản lượng. Đa số cổ phiếu nhóm dầu khí họ PVN đã giảm nhẹ trong phiên mở cửa sáng nay.
SAB tiếp tục tăng trần phiên thứ 8 liên tiếp tuy nhiên lượng cung đã tăng lên nhiều ngay sau khi có giá mở cửa. BHN có vẻ chững lại sau cuộc đua bám đuổi vất vả với SAB.
VNM tiếp tục giảm giá nhẹ dù luôn được đưa ra so sánh về tiềm năng tăng trưởng trong SXKD với SAB trong 2 tuần nay.
HQC tăng nhẹ sau khi đã tăng trần với khối lượng giao dịch khủng ngày hôm qua, tuy nhiên lệnh bán vẫn chất nhiều hơn bên mua. KLGD hôm qua đã giúp khá nhiều công ty CK xử lý nợ margin, nhưng không rõ đã xử lý hết được lượng cổ phiếu “kẹt” hay chưa. HQC mới công bố thống tin thoái vốn khỏi công ty con, tuy chưa có thông tin chi tiết, nhưng có lẽ việc này sẽ mang lại 1 ít lợi nhuận bất thường cho công ty.
KBC chỉ tăng rất nhẹ 50 đồng/cp cho dù đã có thông tin HĐQT sẽ mua cổ phiếu quỹ để ngăn chặn việc giảm giá diễn ra kể từ tháng 10 đến nay. Dường như NĐT nội địa vẫn muốn bán cổ phiếu này hơn là mua vào dù mức giá này đã ngang bằng so với thời điểm đầu năm nay. Hôm qua khối ngoại đã mua ròng hơn 500,000 cp và góp phần đỡ giá KBC. Để xem hôm nay khối ngoại có tiếp tục đỡ giá KBC hay không.
Nhóm cao su tiếp tục tăng giá sau khi có thông tin giá cao su kỳ hạn trên thị trường Tokyo đạt mức đỉnh 3 năm, tuy nhiên mức tăng không mạnh.
|