Chứng khoán Việt Nam vẫn hấp dẫn nhà đầu tư dù định giá đắt nhất Đông Nam Á
Lần đầu tiên trong 2 năm, cổ phiếu của Việt Nam được định giá cao hơn cổ phiếu của các thị trường khác tại Đông Nam Á. Hơn nữa, giá cổ phiếu Việt Nam còn có xu hướng trở nên đắt đỏ hơn trong tương lai, hãng tin Bloomberg cho hay.
Dominic Scriven, Chủ tịch của quỹ Dragon Capital có trụ sở tại Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết: “Vẫn còn dư địa để tăng trưởng. Chúng tôi dự kiến lợi nhuận sẽ tăng 19% trong năm 2017, khi kinh tế Việt Nam tăng trưởng mạnh mẽ và lạm phát vẫn ổn định”.
Hiện VN-Index đang giao dịch với P/E 15.9 lần, cao hơn cả mức 14.7 của chỉ số MSCI South East Asia Index. Đà bứt phá 15% của VN-Index đã giúp chỉ số này có thành quả tốt hơn so với MSCI Frontier Markets Index và chỉ số chứng khoán chính của khu vực Đông Nam Á.
Bà Lê Nguyệt Ánh, Trưởng Bộ phận Nghiên cứu tại Công ty TNHH Chứng khoán ACB (ACBS), cho biết: “Định giá thị trường được dự báo tiếp tục tăng cao trong năm 2017 nhờ hàng loạt các công ty niêm yết hấp dẫn sắp tới.”
“Đà tăng trưởng mạnh trong năm 2016 là do thành quả vĩ mô lạc quan cũng như sự ổn định về mặt chính trị, trong khi các thị trường còn lại của khu vực lại trải qua các cuộc cải cách chính trị và khoảng thời gian kinh tế khó khăn”, Attila Vajda, Giám đốc quản lý tại Công ty Project Asia Research and Consulting Pte tại Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết.
Các nhà kinh tế dự báo Việt Nam sẽ trở thành một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất trong năm 2016 khi quốc gia này được hưởng lợi từ ngành công nghiệp sản xuất, vốn là động lực tăng trưởng của Việt Nam trong nhiều năm qua. Ngoài ra, lượng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) ngày càng tăng cũng góp phần nâng VN-Index lên mức cao nhất trong 8 năm tại 688.89 điểm vào ngày 19/10/2016. Chính phủ Việt Nam hướng tới mục tiêu tăng trưởng GDP 6.7% trong năm tiếp theo. Nếu điều này trở thành sự thật thì đây sẽ là tốc độ tăng trưởng nhanh nhất kể từ năm 2007. Lợi nhuận của các công ty thuộc chỉ số này được dự báo nhảy vọt 23% trong 12 tháng tiếp theo, dữ liệu của Bloomberg cho thấy.
Rào cản thanh khoản
Andy Ho, Trưởng Bộ phận Đầu tư của VinaCapital, nhận định thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ tiếp tục đối mặt với rào cản về tính thanh khoản. Ông cho rằng việc Chính phủ Việt Nam dỡ bỏ các giới hạn về tỷ lệ sở hữu nước ngoài trong lĩnh vực ngân hàng được xem như là một cách để thúc đẩy khả năng thanh khoản của thị trường. Trong năm 2015, Việt Nam đã cho phép một số ngành nới room ngoại lên 100%. Tuy nhiên, tỷ lệ sở hữu nước ngoài đối với lĩnh vực ngân hàng vẫn là 30%.
Vốn được xem là quốc gia được hưởng lợi nhiều nhất từ Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Việt Nam có thể bị tác động nặng nề nhất khi Tổng thống Mỹ vừa đắc cử Donald Trump chuẩn bị rút Mỹ ra khỏi thỏa thuận này. Ông Vajda cho hay: “Vì kinh tế Việt Nam phụ thuộc khá nhiều vào hoạt động xuất khẩu trong khi Mỹ được xem là một thị trường xuất khẩu lớn mạnh và tiềm năng, nên chúng ta cần phải chờ xem cách thức giải quyết các rào cảo thương mại của chính quyền Donald Trump”.
Theo dữ liệu của Bloomberg, doanh thu bình quân hàng ngày của Sở Giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HOSE) chỉ đạt 109 triệu USD trong năm nay, thấp hơn rất nhiều so với mức 768 triệu USD của Singapore.
Kế hoạch của Chính phủ
Ông Andy Ho cho hay đây là thời điểm tuyệt vời để đầu tư vào Việt Nam khi Chính phủ đẩy nhanh quá trình thoái vốn ở các công ty lớn.
Ông Andy Ho cho biết kế hoạch thoái vốn khỏi các công ty lớn như Tổng CTCP Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) và Tổng CTCP Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (Habeco) trong năm 2007 được xem là một yếu tố “khích lệ” nhà đầu tư.
Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh Vốn nhà nước (SCIC) đã huy động được khoảng 500 triệu USD thông qua việc bán 5.4% cổ phần CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk).
Bên cạnh việc thoái vốn, Chính phủ Việt Nam còn thúc đẩy các công ty niêm yết cổ phiếu trên sàn giao dịch chứng khoán. Trong tương lai, thị trường sẽ chào đón sự kiện niêm yết của các công ty lớn như Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) và Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex)./.
|