Chìa khóa nào cho xuất khẩu cá tra đang bị “kẹt”?
Theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT), năm 2016 tình hình nuôi, chế biến và xuất khẩu cá tra ở vùng ĐBSCL gặp nhiều khó khăn do tác động của biến đổi khí hậu, hạn mặn, rào cản kỹ thuật của nhiều nước trên thế giới, giá cả thất thường không ổn định… Mặc dù có nhiều nỗ lực để tăng trưởng, nhưng nếu không có những giải pháp căn cơ, ngành xuất khẩu cá tra sẽ gặp nhiều khó khăn trong năm 2017.
Cá tra Việt Nam có mặt tại thị trường 140 nước
Theo Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep), xuất khẩu (XK) cá tra sang Mỹ và Trung Quốc tăng trưởng đều đặn trong 10 của năm 2016. Vasep đánh giá rằng, có nhiều khả năng năm 2017, Trung Quốc - Hồng Kông vươn lên trở thành thị trường NK dẫn đầu cá tra của Việt Nam.
Tính đến hết tháng 10.2016, giá trị XK cá tra sang Trung Quốc - Hồng Kông đạt 235,5 triệu USD, tăng 76% so với cùng kỳ năm 2015. Hai năm liên tiếp, giá trị XK cá tra sang thị trường này tăng trưởng và đến thời điểm này NK cá tra từ Việt Nam của khách hàng Trung Quốc vẫn tăng mạnh. Đánh giá của Văn phòng Xúc tiến Thương mại Việt Nam tại Trùng Khánh (Trung Quốc) cho thấy: Nhu cầu NK cá tra của Trung Quốc đang rất mạnh do giá cả phù hợp. Phần lớn, khách hàng Trung Quốc NK cá tra để chế biến các món fastfood trong nhà hàng, khách sạn, bếp ăn tập thể, kể cả suất ăn phục vụ các chuyến bay. Với giá trị tăng trưởng này, khoảng cách giữa thị trường XK lớn nhất là Mỹ và Trung Quốc trong cơ cấu XK cá tra Việt Nam ngày càng gần.
Tại thị trường Mỹ, đến hết tháng 10.2016, giá trị XK cá tra sang thị trường Mỹ đạt 319,8 triệu USD, chiếm 23% tổng XK, tăng 22,7% so với cùng kỳ năm trước. Riêng trong tháng 10.2016, XK sang thị trường tăng 19% so với cùng kỳ năm 2015.
Cá tra Việt Nam được công nhận có những thế mạnh về giá cả phải chăng, hương vị thơm, đã được rút xương và dễ chế biến, cạnh tranh mạnh mẽ với các sản phẩm cá thịt trắng bản địa. Tuy nhiên, XK cá tra sang các thị trường có giá trị cao, trong đó có thị trường Châu Âu (EU), đang gặp nhiều trở ngại.
Xuất sang thị trường cao cấp giảm sút
Theo Vasep, cá tra XK sang thị trường EU bắt đầu giảm dần từ năm 2009. Năm 2015, giá trị XK cá tra sang EU chỉ đạt 285,1 triệu USD, giảm 1,8 lần so với năm 7 năm trước đó. Tính đến hết tháng 10.2016, xuất khẩu cá tra sang thị trường EU đạt 217,7 triệu USD, giảm 11,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, 4 thị trường XK lớn nhất trong khối là: Hà Lan, Anh, Tây Ban Nha và Đức đều giảm sút so với cùng kỳ năm 2015, lượt giảm: 11,2%; 1,9%; 15,2% và 5%. Dự báo năm 2016, giá trị XK sang thị trường EU giảm 12% so với năm 2015.
Đối với thị trường Hoa Kỳ, Vasep cũng đưa ra dự báo trong năm 2017, XK sang thị trường này sẽ khó khăn hơn, giá trị XK sẽ không tăng trưởng mạnh như năm 2016 bởi 2 rào cản kỹ thuật và thương mại về chương trình thanh tra cá da trơn của Bộ Nông nghiệp Mỹ và thuế chống bán phá giá cao sẽ khiến cá tra gặp khó khi vào thị trường này.
ASEAN là thị trường XK tiềm năng của cá tra Việt Nam nhưng tốc độ tăng trưởng bắt đầu chậm lại. Mặc dù sắp kết thúc năm 2016 nhưng giá trị XK sang các thị trường tiềm năng như: Mexico, Brazil, Colombia, Ảrập Xêút đều giảm từ 8,5 - 15,6% so với cùng kỳ năm trước.
Phân tích nguyên do giảm sút số lượng cá tra XK sang EU, ông Jean Charles Diener, Giám đốc - Người sáng lập OFCO Sourcing Việt Nam cho rằng: Sự tăng trưởng quá vội của cá tra Việt Nam sang EU đã khiến các DN Việt Nam chọn cách tiếp cận và thị trường bằng sản phẩm giá rẻ. Chính vì tiêu chí giá rẻ đã khiến cá tra Việt Nam bị một số nhóm cạnh tranh lợi ích với cá tra tại một số nước truyền thông tiêu cực, đánh vào tâm lý coi ngành cá tra Việt Nam là ngành sản xuất thiếu kiểm soát và có vấn đề về chất lượng, an toàn thực phẩm...
Lối mở nào cho xuất khẩu cá tra?
Tại hội nghị tổng kết “Sản xuất, tiêu thụ cá tra năm 2016 và bàn giải pháp phát triển bền vững”, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường thẳng thắn cho biết: Cùng với giá cả không ổn định, thị trường nhập khẩu cũng biến động liên tục, nhất là gần đây nhiều nước trên thế giới tiếp tục dựng những rào cản kỹ thuật gây khó cho chúng ta. Từ những yếu tố trên cho thấy, ngành cá tra cần phải chủ động ứng phó, không ngừng nâng chất lượng, mở rộng thị trường để thích ứng và tăng giá trị xuất khẩu.
Để tạo cơ hội mới cho ngành chăn nuôi, chế biến, xuất khẩu cá tra, Bộ NNPTNT cho rằng: Trong năm 2017, diện tích thả nuôi cá tra toàn vùng ĐBSCL khoảng 5.000-5.500 ha, sản lượng đạt hơn 1,1 triệu tấn cá nguyên liệu. Về cơ bản không khuyến khích tăng mạnh về diện tích và sản lượng, mà chủ yếu tập trung đầu tư nâng cao chất lượng cá tra, nhất là đầu tư cho nguồn giống. Đẩy mạnh việc phát triển mô hình nuôi GAP, nhằm tạo ra sản phẩm sạch đáp ứng những thị trường khó tính. Điều quan trọng là tổ chức lại sản xuất và tiêu thụ cá tra theo hướng liên kết chuỗi sản xuất-cung ứng-xuất khẩu để cân đối cung - cầu, tránh được tình trạng lúc thừa, lúc thiếu nguyên liệu khiến thương lái có cơ hội ép giá gây thiệt cho người nuôi; đẩy mạnh quy hoạch, quản lý chặt chẽ vùng nuôi và xuất khẩu cá tra, tránh tình trạng các DN cạnh tranh không lành mạnh gây bất lợi cho thị trường XK.
http://laodong.com.vn/kinh-te/chia-khoa-nao-cho-xuat-khau-ca-tra-dang-bi-ket-621414.bld
|