Khan hiếm nhân lực trước thời điểm áp dụng Nghị định Kiểm toán nội bộ
Vấn đề nâng cao chất lượng nhân sự kiểm toán nội bộ đang là thách thức rất lớn đối với doanh nghiệp khi nguồn nhân lực được đào tạo bài bản về kiểm toán nội bộ theo các tiêu chuẩn quốc tế tại Việt Nam đang thiếu hụt lớn.
Đó là ý kiến của ông Phạm Ngọc Hoàng Thanh - Giám đốc Điều hành Smart Train, Đại diện ủy quyền đào tạo của Hiệp hội Kiểm toán Nội bộ Hoa Kỳ (IIA) tại Việt Nam tại hội thảo “Cập nhật các quy định mới & Xu hướng phát triển kiểm toán nội bộ tại Việt Nam” ngày 12/12/2016 do Smart Train phối hợp cùng Sở giao dịch chứng khoán Tp.HCM (HOSE) và KPMG Việt Nam tổ chức.
Theo ông Thanh, hiện nay tại Việt Nam mới chỉ có 44 người sở hữu chứng chỉ CIA trên tổng số 30,000 người có CIA ở Châu Á và 115,000 người trên toàn thế giới. Đây là chứng chỉ được cấp Hiệp hội IIA và là chứng chỉ nghề nghiệp duy nhất về kiểm toán nội bộ được công nhận trên toàn cầu. Từ kinh nghiệm của các nước trên thế giới cho thấy, việc sở hữu chứng chỉ CIA sẽ giúp đội ngũ nhân sự kiểm toán nội bộ khẳng định lợi thế cạnh tranh đồng thời giúp doanh nghiệp gia tăng sự tín nhiệm cũng như hội nhập tốt hơn vào nền kinh tế toàn cầu.
Hội thảo “Cập nhật các quy định mới & Xu hướng phát triển kiểm toán nội bộ tại Việt Nam” tổ chức ngày 12/12 tại Tp.HCM
|
Nghị định về kiểm toán nội bộ dự kiến có hiệu lực vào đầu 2017
Tại hội thảo, bà Lê Thị Tuyết Nhung - Phó Vụ trưởng Vụ chế độ Kế toán và Kiểm toán Bộ Tài chính cho biết Bộ Tài chính đang trình Chính phủ Nghị định về kiểm toán nội bộ dự kiến có hiệu lực vào đầu năm 2017, tạo tiền đề cho việc hoàn thiện khung pháp lý liên quan đến Kiểm toán nội bộ tại doanh nghiệp. Đồng thời nhấn mạnh kiểm toán nội bộ là bộ phận bắt buộc đối với các công ty niêm yết và một số loại hình doanh nghiệp theo quy định của Nghị định.
Thông qua các hoạt động kiểm tra, đánh giá và tư vấn, kiểm toán nội bộ đưa ra các đảm bảo mang tính độc lập và các khuyến nghị nhằm phòng ngừa, phát hiện và xử lý rủi ro của đơn vị; đảm bảo tính hiệu quả và có hiệu suất cao; đảm bảo đạt được các mục tiêu chiến lược.
|
“Sự ra đời của Hiệp hội Kiểm toán nội bộ Hoa Kỳ IIA vào năm 1941 đã chính thức đánh dấu sự hiện hữu của hoạt động kiểm toán nội bộ trên thế giới, trong khi tại Việt Nam kiểm toán nội bộ mới chỉ được các doanh nghiệp quan tâm trong những năm gần đây” - ông Đặng Văn Thanh, Chủ tịch Hội Kế toán - Kiểm toán Việt Nam (VAA) chia sẻ thêm về thực trạng và xu hướng phát triển của kiểm toán nội bộ tại Việt Nam.
Do vậy, để đáp ứng yêu cầu hiệu quả hoạt động của bộ phận kiểm toán nội bộ, vấn đề nâng cao chất lượng nhân sự kiểm toán nội bộ đang là thách thức rất lớn đối với doanh nghiệp khi nguồn nhân lực được đào tạo bài bản về kiểm toán nội bộ theo các tiêu chuẩn quốc tế tại Việt Nam hiện nay đang thiếu hụt lớn.
Làm sao thu hút nhân tài đi vào chức năng nội bộ?
Theo báo cáo đánh giá hiện trạng kiểm toán nội bộ tại Việt Nam, phần lớn đội ngũ kiểm toán viên nội bộ hiện hành được tuyển dụng từ các ngành nghề khác như kiểm toán độc lập, kế toán hay kiểm soát hoặc được bổ nhiệm và luân chuyển từ các bộ phận khác trong nội bộ của tổ chức. Do đó, đội ngũ nhân sự chưa thực sự hiểu được thế nào là kiểm toán nội bộ theo chuẩn, vị trí và vai trò của kiểm toán viên nội bộ, phương pháp kiểm toán nội bộ dựa trên rủi ro nhằm đáp ứng đúng chức năng “kiểm toán nội bộ là tuyến phòng thủ thứ ba” trong cơ chế quản trị của một tổ chức.
Để thu hút nhân tài đi vào chức năng nội bộ nhằm định hướng phát triển chức năng kiểm toán nội bộ, bà Nguyễn Anh Xuân Trang - Giám đốc bộ phận dịch vụ tư vấn KPMG Việt Nam cho rằng trước hết cần đặt đúng vị thế chức năng kiểm toán nội bộ trong sự phát triển của doanh nghiệp thông qua phân định rõ phạm vi công việc, mối quan hệ với ban điều hành và xác định ngân sách cho hoạt động của kiểm toán nội bộ.
Bên cạnh đó nâng cao kỹ năng và kinh nghiệm cho nhân sự kiểm toán nội bộ thông qua các chiến lược nhân sự, hướng phát triển nghề nghiệp và chính sách đánh giá đãi ngộ; đi cùng với quản lý và phát triển chức năng kiểm toán nội bộ.
Ngoài ra, bà Trang cũng đã có những lưu ý trong việc xây dựng bộ phận kiểm toán nội bộ đối với các doanh nghiệp từ kinh nghiệm trước đó của các nước trên thế giới. Theo đó, việc nghiên cứu kinh nghiệm tổ chức kiểm toán nội bộ của các nước trên thế giới sẽ là tiền đề để hoàn thiện cách thức tổ chức kiểm toán nội bộ tại các doanh nghiệp ở Việt Nam./.
|