Xuất khẩu rau quả: Tiềm năng còn rộng mở, nếu…
Xuất khẩu rau quả còn nhiều tiềm năng mở rộng, trong khi gạo sẽ ngày càng đối mặt với những khó khăn. Vì vậy, nếu nỗ lực giải quyết thấu đáo các bất cập, kim ngạch xuất khẩu rau quả trong tương lai hoàn toàn có thể nâng lên mức 5 tỷ USD/năm chứ không chỉ là 2,5 tỷ USD trong năm 2016.
Hiệu quả từ việc nghiên cứu thị trường
Đến thời điểm này kim ngạch xuất khẩu (XK) rau quả được ghi nhận đã vượt qua kim ngạch XK của mặt hàng gạo với giá trị dự kiến cả năm đạt khoảng 2,5 tỷ USD. Đây là một con số bất ngờ nhưng thực tế việc đồng bộ kỹ thuật và nghiên cứu thị trường đã đem lại hiệu quả này.
Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, đến hết tháng 10/2016, XK trái cây đạt xấp xỉ 2 tỷ USD, tăng hơn 30% so với cùng kỳ năm 2015. Thị trường nhập khẩu (NK) mặt hàng này chủ yếu vẫn là Trung Quốc, chiếm trên 70% thị phần.
Điều đáng chú ý là, trong khi kim ngạch XK trái cây liên tục gia tăng khả quan trong thời gian qua thì một trong những mặt hàng nông sản XK quan trọng bậc nhất của Việt Nam là gạo lại ghi nhận sự sụt giảm đáng kể. 10 tháng đầu năm, XK gạo chỉ đạt 4,2 triệu tấn và kim gạch chỉ gần 1,9 tỷ USD, giảm trên 21% về khối lượng và giảm 16,9% về giá trị so với cùng kỳ năm 2015. Trên thực tế, không phải tới tháng 10 mà ngay từ tháng 9 năm nay, kim ngạch XK trái cây đã vượt mặt hàng gạo.
Ông Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT nhận định tiềm năng thúc đẩy XK mặt hàng này còn khá lớn. Dự kiến, cả năm, XK trái cây có thể cán mốc 2,5-2,6 tỷ USD.
Ông Đào Thế Anh, Phó Viện trưởng Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm (Bộ NN&PTNT) cho rằng việc XK trái cây vượt gạo là điều đáng mừng. Nguyên nhân quan trọng là bởi trong khi thị trường XK gạo ngày càng khó khăn thì ở một phương diện khác cùng với sự hội nhập sâu của nền kinh tế Việt Nam, năm nay nhiều thị trường XK trái cây lại được “khơi thông” với các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm có phần “dễ thở” hơn. Điển hình phải kể tới việc sau gần 10 năm đàm phán, giữa tháng 9 vừa qua, Australia đã chính thức cấp phép NK xoài của Việt Nam.
Ông Đào Thế Anh phân tích trong tương quan so sánh, XK rau quả còn nhiều tiềm năng mở rộng, trong khi gạo sẽ ngày càng đối mặt với những khó khăn. Cụ thể, gạo tiếp tục chịu sự cạnh tranh từ các thị trường cung ứng như Thái Lan, Campuchia, Malaysia…, trong khi nhờ có khí hậu đặc biệt, các loại trái cây của ta mang bản sắc riêng nên không rơi vào tình cảnh tương tự. “Với thị trường rộng mở, nếu nỗ lực giải quyết thấu đáo các bất cập, XK trái cây trong tương lai hoàn toàn có thể nâng lên mức 5 tỷ USD/năm chứ không chỉ là con số 2,5 tỷ USD”, ông Thế Anh nói.
Theo ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) thì đây là kết quả của cả một quá trình nghiên cứu, chuẩn bị và áp dụng đồng bộ về yêu cầu kỹ thuật trong sản xuất cũng như cập nhật về các yêu cầu kiểm dịch ở các nước NK trái cây.
Yêu cầu kiểm dịch ở nhiều quốc gia trên thế giới liên tục được cập nhật về Cục Bảo vệ thực vật và được tiến hành phân tích xem những yêu cầu này mang tính chất bảo đảm chất lượng thực sự hay là những hàng rào kỹ thuật được dựng lên để gây khó khăn cho NK hàng hóa. Công việc này được làm ngày càng chuyên nghiệp khi Việt Nam đang tiệm cận với nhiều hiệp định thương mại tự do với nhiều nước trên thế giới.
Cần hệ thống logictic cho XK trái cây
Theo Ban Chỉ đạo thị trường nông nghiệp (Bộ NN&PTNT), việc khơi thông những thị trường “khó tính” như Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Canada… đã mang lại lợi ích kép vừa giúp nông dân thay đổi tập quán, phương thức sản xuất, vừa tránh cho trái cây Việt Nam phụ thuộc quá nhiều vào một số thị trường như trước.
Tuy nhiên, cũng theo ông Thế Anh, muốn giữ được điều này một cách bền vững, việc cần làm còn khá nhiều, đặc biệt là cần có chiến lược đầu tư bài bản khâu hậu cần. Hiện nay, Việt Nam rất thiếu hệ thống bảo quản rau quả phục vụ XK như kho lạnh, xe tải lạnh, các đơn vị logictic... Doanh nghiệp nào tìm kiếm được đơn hàng XK đều phải chủ động tìm cách đầu tư, khá tốn kém.
Theo GS. Nguyễn Quốc Vọng (chuyên gia quốc tế về nông nghiệp, hiện giảng dạy và nghiên cứu tại Đại học RMIT, Australia), cho rằng chi phí vận chuyển nói chung và chi phí vận chuyển bằng đường hàng không nói riêng cũng chiếm tỉ lệ rất cao trong giá thành của trái cây.
Ví dụ trái vải xuất đi Australia hồi tháng 6 vừa qua, ông Vọng chỉ ra rằng giá mua trái vải tại Việt Nam chỉ 20.000 đồng/kg (chiếm 12,7% giá thành), nhưng riêng cước máy bay từ Việt Nam đến Australia đã là 2,95 USD/kg (chiếm 42,2% giá thành). Nếu tính các chi phí vận chuyển trong nội địa nữa thì cước phí chiếm tới 60% giá thành trái vải đến Australia. Chính vì cước phí quá cao khiến sức cạnh tranh của trái cây Việt Nam thấp hơn hẳn so với các nước khác trong khu vực.
Nhận thấy tiềm năng từ thị trường Việt Nam, thời gian qua, nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực logistics từ Nhật Bản sang đầu tư các hệ thống liên quan tại khu vực Bình Dương. Các đơn vị này có đầu mối khách hàng tại Nhật Bản từ trước nên chủ yếu xử lý, XK trái cây phục vụ thị trường Nhật Bản. Trước đây, tại thị trường Thái Lan, các doanh nghiệp Nhật cũng từng liên doanh với Thái Lan để đầu tư hệ thống dịch vụ hậu cần phục vụ cho XK rau quả nên đã giúp Thái Lan XK được rau quả sang nhiều thị trường khác. Đây là điều mà Việt Nam nên học hỏi áp dụng để có thể phát triển ngành rau quả bền vững hơn.
Nhiều chuyên gia đánh giá, ngoài một chiến lược bài bản đầu tư cho khâu dịch vụ hậu cần, những vấn đề cơ bản nhiều năm chưa giải quyết thấu đáo như quy mô canh tác còn nhỏ lẻ, manh mún, chất lượng an toàn thực phẩm chưa cao… cũng phải được quan tâm thường xuyên. Muốn vậy, ngành hàng trái cây cần được sản xuất theo những mô hình hợp tác xã kiểu mới, tăng cường mối quan hệ chặt chẽ giữa nông dân và doanh nghiệp. Bên cạnh đó, việc đa dạng hóa sản phẩm cũng như nghiên cứu phát triển trái cây hữu cơ hướng tới XK cũng là điều mà các doanh nghiệp phải nghiêm túc tính đến.
http://baochinhphu.vn/Thi-truong/Xuat-khau-rau-qua-Tiem-nang-con-rong-mo-neu/290991.vgp
|