Vì sao vàng lậu có đất sống?
Nhu cầu, lợi nhuận cao khiến việc nhập lậu vàng qua biên giới vẫn “nóng”.
Thiếu tá Campuchia vận chuyển vàng lậu bị bắt và lập biên bản - Ảnh: B.ĐẤU
|
Chiều 26-11, ông Huỳnh Ngọc Hồ, chi cục trưởng Chi cục hải quan cửa khẩu Tịnh Biên (An Giang), cho biết chi cục đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự vận chuyển trái phép 18kg vàng vào VN đối với vụ việc thiếu tá Rim Ri Linh - 50 tuổi, phó Đồn công an cửa khẩu Phnom Denk (Campuchia).
Thiếu tá Campuchia mang lậu 18kg vàng
Trước đó chiều 25-11, ông Linh mặc sắc phục công an Campuchia điều khiển ôtô mang biển kiểm soát Campuchia từ Campuchia về VN. Tại khu vực làm thủ tục hải quan, ông Linh không dừng lại làm hồ sơ xuất nhập cảnh mà chạy thẳng về hướng thị trấn Tịnh Biên, huyện Tịnh Biên.
Nghi ngờ ông này chở hàng cấm nên Chi cục hải quan cửa khẩu đã phối hợp với Công an tỉnh An Giang vây bắt đối tượng và phương tiện tại khu vực siêu thị miễn thuế khu thương mại Tịnh Biên.
Ông Rim Ri Linh khai mình là thiếu tá, phó Đồn công an cửa khẩu Phnom Denk. Ông thừa nhận đã nhận lời của một người tên Ti ở Phnom Penh mang hai cục vàng bọc trong túi nhựa đen về VN cho một phụ nữ ở thị trấn Nhà Bàng (An Giang).
Ông Linh còn thừa nhận trong tháng 11-2016 đã mang vàng về VN được 3 lần nhưng không rõ số lượng bao nhiêu.
Nhu cầu mua vàng “nguyên liệu” tăng cao
Trao đổi với Tuổi Trẻ, một chuyên gia trong lĩnh vực vàng cho biết hiện nay vàng lậu vẫn về và được tiêu thụ qua hai kênh: sản xuất nữ trang, vàng nhẫn, hiện đang vào mùa tiêu thụ cao điểm và người dân mua cất giữ - cũng chính là nguồn tiêu thụ lớn của vàng lậu.
Chuyên gia này giải thích từ hai năm qua do vàng miếng SJC luôn cao hơn giá thế giới, có khi lên đến 3 - 4 triệu đồng/lượng nên người dân đã chuyển sang mua vàng nhập lậu để cất giữ thay vì mua vàng miếng SJC.
Loại vàng này được gọi là vàng nguyên liệu vì trước đây thường được dùng làm nguyên liệu sản xuất ra vàng miếng có thương hiệu.
“Hiện nhiều tiệm vàng chuyển sang bán vàng nguyên liệu, được cân trọng lượng bằng máy, in thông tin khối lượng, giá tiền rồi đóng bao giao cho khách hàng” - vị chuyên gia này cho biết.
Giám đốc một công ty kinh doanh vàng lớn tại quận 1, TP.HCM cũng xác nhận thông tin này. Theo vị giám đốc này, giá bán vàng SJC lên đến 35,71 triệu đồng/lượng, trong khi vàng nguyên liệu nhập lậu chỉ có 33,06 triệu đồng/lượng, còn tại thị trường Campuchia là 32,56 triệu đồng/lượng.
Theo tiết lộ của giới kinh doanh, sau khi vận chuyển vàng trót lọt qua biên giới bán cho các đầu mối thì ngay sau đó các đầu mối này sẽ dùng đèn khò xóa dấu vết, biến vàng nhập lậu thành vàng nguyên liệu trôi nổi trên thị trường, sau đó bán cho các tiệm vàng để bán lại cho người có nhu cầu...
http://tuoitre.vn/tin/kinh-te/20161127/vi-sao-vang-lau-co-dat-song/1226206.html
|