TPP đã và đang thay đổi nền kinh tế Việt Nam như thế nào?
Hãng tin Bloomberg cho biết mặc dù Donald Trump chuẩn bị khai tử Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) trong ngày đầu nhậm chức, thì hiệp định thương mại giữa 12 quốc gia vẫn là yếu tố thúc đẩy quá trình cải cách lớn nhất của nền kinh tế Việt Nam trong thập kỷ qua.
Chính phủ Việt Nam đang dự định đẩy mạnh hơn 30 dự luật, trong đó bao gồm các quy định về lao động, kinh doanh, ngoại thương và các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Kể từ khi Hiến pháp mới được thông qua vào năm 2013, các nhà lập pháp của Việt Nam đã phê chuẩn hơn 100 điều luật - một sự thay đổi quy mô lớn chưa từng thấy kể từ khi Việt Nam tiến hành công cuộc đổi mới theo định hướng thị trường trong những năm thập kỷ 1980.
"Chúng tôi sẽ tiếp tục thực hiện những dự định của mình", ông Nguyễn Đức Kiên, Phó chủ nhiệm Ủy ban kinh tế Quốc hội, cho biết trong một cuộc phỏng vấn tại Hà Nội vào tuần trước. "Chúng tôi cần phải cải tiến công nghệ và hệ thống quản trị doanh nghiệp. Điều này rất quan trọng".
* Hiệp định TPP vẫn rất đáng để 11 quốc gia theo đuổi!
* TPP sẽ ra sao nếu không có Mỹ?
* Donald Trump: Mỹ sẽ rút khỏi TPP vào ngày đầu tiên ông nhậm chức Tổng thống
Từ lâu, Việt Nam được xem là một trong những nước được hưởng lợi lớn nhất từ TPP, với nhiều cơ hội tiếp cận thị trường từ quần áo đến đồ điện tử, giày dép.
Tất cả những điều trên sẽ không mất đi đâu cả: chính TPP là động lực để Việt Nam tiến hành những cải cách cơ cấu trong dài hạn vốn rất cần thiết ở một đất nước với 90 triệu dân, được dự báo tăng trưởng GDP hơn 6% trong năm nay - một trong những mức tăng cao nhất ở châu Á. Mặc dù Việt Nam đã công bố kế hoạch cải cách doanh nghiệp nhà nước lần đầu tiên trong năm 2011, thế nhưng tiến độ thực hiện khá chậm. Trong đó, số cổ phần được bán ra thường rất thấp, nhiều công ty trì hoãn kế hoạch niêm yết trên các sàn giao dịch chứng khoán.
Cần phải chuẩn bị thật tốt
Bà Vũ Thị Thuận, Chủ tịch Hội đồng Quản trị của Công ty cổ phần Traphaco - công ty dược có vốn hóa lớn thứ hai tại Việt Nam, cho biết: "Chúng tôi muốn có chuẩn bị tốt cho tương lai dù có hay không có TPP". "Chúng tôi vẫn phải đảm bảo rằng mình vẫn có khả năng cạnh tranh với các đối thủ nước ngoài vì Việt Nam đang ngày càng hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu".
Bà Thuận nói thêm Traphaco đã đầu tư mạnh tay để tăng cường khả năng cạnh tranh, như dự án xây dựng nhà máy 22 triệu USD nhằm chuẩn bị cho sự đổ bộ ồ ạt của các thương hiệu thuốc nước ngoài vào Việt Nam nếu TPP được thông qua. Các công ty khác trong ngành xuất khẩu như dệt may, giày dép, thủy sản, đồ gỗ và các sản phẩm nông nghiệp cũng đã thực hiện đầu tư, theo lời ông Phạm Trọng Nghĩa, Phó vụ trưởng Vụ Pháp luật tại Văn phòng Quốc hội Việt Nam.
"Việc chuẩn bị này sẽ góp phần nâng cao khả năng cạnh tranh của họ ngay cả khi TPP không được thông qua", ông Nghĩa trả lời trong một e-mail. "Có thể kết luận rằng giai đoạn 2011-2016 là giai đoạn cải cách lớn nhất của Việt Nam kể từ khi tiến hành cộng cuộc đổi mới kinh tế. TPP là một trong những yếu tố quan trọng cho quá trình này".
Tiến độ cải cách
Ông Nghĩa cho biết TPP cũng đã giúp nâng cao nhận thức cho các cổ đông quan trọng bao gồm các quan chức nhà nước, người sử dụng lao động, công đoàn, công nhân và cả xã hội về các tác động của thương mại tự do. Các lãnh đạo doanh nghiệp Việt Nam dường như cũng muốn duy trì tiến độ cải cách được tạo ra bởi TPP.
Ông Alan Phạm, Chuyên gia Kinh tế hàng đầu của quỹ đầu tư lớn nhất tại Việt Nam VinaCapital, cho biết: "Cho dù có TPP hay không, Việt Nam vẫn sẽ phải cải cách". "Các hiệp định thương mại thực sự hữu ích cho Chính phủ và doanh nghiệp Việt Nam trong việc nắm bắt được các bước mà họ sẽ cần phải làm để trở thành một phần của nền kinh tế toàn cầu".
Tháng trước, Việt Nam đã thông qua một Nghị quyết về Hội nhập Kinh tế Quốc tế, qua đó khẳng định cam kết mở cửa kinh tế hơn nữa của Việt Nam. Bộ Tài chính đã đề xuất các biện pháp để hỗ trợ các công ty khởi nghiệp, như cắt giảm tỷ lệ thuế thu nhập doanh nghiệp cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ xuống còn 15% từ mức 20% ở hiện tại.
Hiệp ước với Trung Quốc
Trung Quốc hiện đang thúc đẩy một thỏa thuận của 16 quốc gia gọi là Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), bao gồm các nước thuộc khối ASEAN và Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, New Zealand, Ấn Độ.
Trong tháng trước, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, Việt Nam sẽ theo đuổi hội nhập quốc tế sâu hơn thông qua 12 thỏa thuận thương mại tự do khác đã được ký kết, ngay cả khi TPP không được thông qua. “Không có TPP, chúng ta vẫn có các kế hoạch hội nhập khác".
* Không có TPP thì còn RCEP
* RCEP khác gì với TPP?
Những thỏa thuận, bao gồm cả với Liên minh châu Âu (EU) và Trung Quốc, là quá đủ cho một nền kinh tế với giá trị GDP đạt khoảng 200 tỷ USD nắm bắt được cơ hội phát triển trong những năm tới, Công ty Cổ phần Chứng khoán Sài Gòn (SSI) lưu ý với các nhà đầu tư hôm 11/11.
Ông Vũ Tự Thành, Trưởng đại diện Việt Nam của Hiệp hội Doanh nghiệp Mỹ - Đông Nam Á, cho rằng: Sự sụp đổ của TPP không tốt cũng không xấu vì các quốc gia Đông Nam Á sẽ có thêm thời gian để chuẩn bị.
"TPP là một sân chơi cho các ông lớn, trong khi hầu hết các công ty ở Việt Nam có quy mô vừa và nhỏ", ông nhận định. "TPP chỉ là một phần của cải cách - không có TPP, Việt Nam vẫn tiến hành cải cách"./.
|