TP. Hồ Chí Minh: Thị trường lao động ngày càng mất cân đối
TP. Hồ Chí Minh dù đang dư thừa lao động nhưng lại thiếu nhân lực có trình độ cao cho những ngành nghề có trình độ khoa học công nghệ tiên tiến, hàm lượng chất xám cao và giá trị gia tăng lớn.
Cần nguồn nhân lực chất lượng cao để bắt kịp đà phát triển công nghệ
|
Một khảo sát về tình trạng thất nghiệp của TP gần đây cho thấy, nhóm cử nhân thất nghiệp có nhu cầu tìm việc hiện chiếm khoảng 65% số người đang tìm việc. Trong khi đó, doanh nghiệp (DN) lại đang phải "đốt đuốc" đi tìm người làm được việc, người có kỹ năng, ngoại ngữ và tác phong công nghiệp.
Theo thống kê, hiện nay trên địa bàn TP có 56 trường đại học, 26 trường cao đẳng chuyên nghiệp, 13 trường cao đẳng nghề, 41 trường trung cấp chuyên nghiệp, 27 trường trung cấp nghề và trên 390 trung tâm - cơ sở dạy nghề. Như vậy, mỗi năm các cơ sở đại học, dạy nghề này cung ứng cho TP khoảng 300.000 lao động.
Mặc dù có số lượng đào tạo lớn nhưng chất lượng, trình độ lao động chưa cao, có thể đáp ứng được những công việc đòi hỏi chuyên môn vẫn chưa nhiều. Vì thế thị trường lao động TP thời gian gần đây luôn diễn ra tình trạng mất cân đối về số lượng cũng như chất lượng trong cơ cấu ngành nghề và trình độ nghề chuyên môn. Tình trạng vừa thừa, vừa thiếu lao động chất lượng cao trong các ngành kỹ thuật thuộc nhóm ngành nghề công nghiệp trọng yếu và kinh tế dịch vụ như cơ khí, luyện kim, hóa chất, điện tử, công nghệ thông tin - ông Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP.HCM (Falmi) cho biết.
Bên cạnh đó, hiện nay các DN luôn cho rằng các chương trình đào tạo tại các trường đại học, cao đẳng không đáp ứng được yêu cầu, quá nặng hàn lâm và thiếu ứng dụng thực tế. Hệ quả này dẫn đến nghịch lý là số lượng sinh viên ra trường không có việc làm ở tỷ lệ cao, thế nhưng các DN lại kêu thiếu nhân lực.
Do vậy, việc đào tạo nguồn nhân lực theo nhu cầu DN, tiêu chuẩn quốc tế là hết sức cần thiết. Nhiều ban quản lý các khu công nghiệp phải đến các trường đại học, cao đẳng ký kết hợp tác các chương trình hợp tác đào tạo theo nhu cầu của DN, nâng chất lượng nguồn nhân lực để đáp ứng yêu cầu thực tế của DN tuyển dụng.
Thêm vào đó, việc xem nguồn nhân lực giá rẻ như là một lợi thế trong thu hút đầu tư đã trở nên lỗi thời. Đối với DN, lao động giá rẻ không phải là lợi thế, mà hiệu suất lao động mới là vấn đề họ cần. Và đứng dưới góc độ quản lý nhà nước nếu không có chính sách đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thì khác nào bán sản phẩm “thô” với giá trị thấp. Đó cũng là lý do các KCN phải liên kết với các trường đại học, cao đẳng đào tạo lại, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng theo yêu cầu mới, tham gia vào chuỗi sản xuất toàn cầu, nếu không có trình độ chất lượng lao động cao thì không thể bắt kịp với trình độ công nghệ cao hiện nay.
http://baocongthuong.com.vn/tp-ho-chi-minh-thi-truong-lao-dong-ngay-cang-mat-can-doi.html
|