Thứ Sáu, 25/11/2016 14:11

Thanh toán điện tử: Lượng không đi kèm chất

Thanh toán điện tử bằng thẻ và ví điện tử ở Việt Nam được dự báo là có tiềm năng rất lớn và sẽ phát triển nhanh thời gian tới vì Việt Nam có tỉ lệ dân số trẻ cao, tỉ lệ sử dụng điện thoại di động và truy cập internet tăng nhanh cùng với hạ tầng công nghệ khá tốt và không ngừng được cải thiện. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, việc phát triển phương thức thanh toán này còn nhiều hạn chế so với tiềm năng.

Lượng thẻ ATM phát hành trong nước đã vượt quá dân số

Theo thống kê của Hiệp hội Ngân hàng, tổng lượng thẻ ngân hàng đang lưu hành trên thị trường Việt Nam là hơn 102 triệu thẻ (cao hơn cả dân số Việt Nam hiện nay - hơn 90 triệu người), trong đó thẻ quốc tế là trên 6 triệu thẻ. Theo Banking Việt Nam, tính đến cuối 2015, lượng thẻ phát hành trên toàn quốc là 99,5 triệu thẻ, tăng hơn 3 lần so với năm 2010. Tương ứng với số lượng thẻ trên, Việt Nam cũng có gần 17.000 máy ATM và 230.000 thiết bị chấp nhận thẻ… Trong đó, 67 tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán qua Internet và 34 tổ chức ứng dụng dịch vụ thanh toán qua mobile. Năm 2015 số lượng thanh toán thẻ qua Internet đạt tới 2,2 triệu khách hàng. Các sản phẩm thẻ tín dụng càng ngày càng được đa dạng hoá. Hầu hết các thương hiệu quốc tế như American Express, Visa, MasterCard, JCB, Diners, Club, Discover, UnionPay đều đã có mặt tại Việt Nam.

Về thanh toán qua ví điện tử, chỉ tính riêng với dịch vụ cung ứng thanh toán, cơ quan quản lý đã cấp phép cho 16 tổ chức phi ngân hàng cung cấp dịch vụ này. Năm 2015, các tổ chức này đã cung ứng 4 triệu ví điện tử, với tổng giá trị giao dịch trên 30.000 tỉ đồng.

Tuy nhiên, báo cáo tại hội thảo “Tương lai thanh toán bằng thẻ và tiền điện tử” do Bộ Công Thương tổ chức, TS. Lê Huy Khôi - Viện Nghiên cứu Thương mại đánh giá, việc phát triển thẻ tín dụng những năm vừa qua chủ yếu thiên về số lượng chưa đi kèm với sự thay đổi căn bản về chất lượng cũng như tăng cường giao dịch của chủ thẻ sau khi thẻ được phát hành. “Chi phí phát hành thẻ ở Việt Nam quá cao, các ngân hàng chỉ chạy theo số lượng thẻ nội địa. Doanh thu thanh toán thẻ chủ yếu vẫn là rút tiền từ các cây ATM, chiếm 85%, chỉ có 15% là doanh thu từ giao dịch thanh toán và các giao dịch phát sinh từ các điểm chấp nhận thanh toán thẻ. Đây là một nghịch lý, bởi phát hành thẻ phải song hành phát triển hạ tầng thanh toán rộng khắp, chứ không phải là cuộc đua gia tăng thị phần thẻ và thực hiện mục đích rút tiền mặt” - ông Khôi nhận định.

Thói quen sử dụng tiền mặt chiếm tới 65%

Lý giải về sự hạn chế này, Viện nghiên cứu thương mại (Bộ Công thương) cho rằng, thói quen sử dụng tiền mặt của người Việt chiếm tới 65% tổng phương tiện thanh toán khiến thanh toán điện tử khó phổ cập, đặc biệt là khu vực nông thôn. Hệ thống máy ATM tuy phát triển nhanh, nhưng phân bố lại chưa đều. Số lượng máy tập trung chủ yếu ở khu vực thành thị, trong khi nông thôn miền núi còn hạn chế. Bên cạnh đó, hệ thống máy chấp nhập thẻ tín dụng (POS) của Việt Nam, hiện đang ở mức thấp nhất thế giới. Mật độ 01 máy POS/1.000 dân (1.000 chủ thẻ ngân hàng) được đánh giá là mức rất thấp so với các nước trong khu vực như: Thái Lan là 5 máy POS/1.000 dân và Malaysia là 8 máy POS/1.000 dân.

Trong khi mặt bằng lãi suất huy động và lãi suất cho vay đang có xu hướng giảm dần thì lãi suất cho vay qua thẻ vẫn được áp dụng ở mức rất cao, cộng thêm các khoản phí phải trả như phí thương niên, phí in bản sao kê, phí chậm thanh toán, phí rút tiền mặt tại ATM, phí chuyển đổi ngoại tệ... Ngoài ra, các chính sách hỗ trợ phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tuy đã có khá nhiều nhưng còn thiếu các chính sách mang tính đột phá để tạo một lực bẩy cho công cụ thanh toán thẻ và thanh toán điện tử phát triển mạnh mẽ hơn.

Theo TS. Nguyễn Thị Nhiễu - Viện Nghiên cứu thương mại (Bộ Công Thương), Chính phủ cần rà soát các văn bản quy định pháp luật trên cơ sở đánh giá hiệu quả các văn bản pháp luật đã ban hành đối với lĩnh vực này. Các cơ quan quản lý, các doanh nghiệp cần cung cấp nhiều dịch vụ sử dụng thanh toán không dùng tiền mặt để khuyến khích người dân tiêu dùng bằng thẻ.

Còn ông Lê Huy Khôi khuyến nghị, NHNN xem xét đề xuất với các cơ quan liên quan có hình thức hỗ trợ đơn giản thủ tục thanh toán hóa đơn thuế đối với các trường hợp chấp nhận thanh toán qua thẻ. Bên cạnh đó, cần quy định về các loại hình kinh doanh bắt buộc phải chấp nhận thanh toán qua ngân hàng ngay từ khi khởi sự kinh doanh nhằm minh bạch hóa các nguồn thu từ hoạt động kinh doanh và cũng là tạo cơ sở cho việc theo dõi và quản lý thuế sau này.

http://laodong.com.vn/thi-truong/thanh-toan-dien-tu-luong-khong-di-kem-chat-614356.bld

Các tin tức khác

>   TPHCM: Kiểm soát chặt chẽ chất lượng hoạt động các TCTD (25/11/2016)

>   Dự thảo xử lý ngoại tệ giả, ngoại tệ nghi giả (25/11/2016)

>   Chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới hơn 3 triệu đồng/lượng (25/11/2016)

>   Tỷ giá tăng có tạo áp lực lên lãi suất? (25/11/2016)

>   Phó thống đốc NHNN: Cung cầu ngoại tệ ổn định cho đến hết năm (24/11/2016)

>   NHNN bơm ròng qua kênh tín phiếu, tỷ giá tăng mạnh (24/11/2016)

>   Vàng giảm 180,000 đồng/lượng, tỷ giá vọt lên gần 22,800 đồng (24/11/2016)

>   Tỷ giá USD/VND: Xuất hiện cầu lớn, vẫn chạy tốt (23/11/2016)

>   Hạn chế rủi ro trong cho vay tiêu dùng (23/11/2016)

>   Dư nợ cho vay tại Hà Nội tháng 11 ước đạt 1,430 ngàn tỷ đồng (23/11/2016)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật