Rót tiền vào cổ phiếu nào trong thời gian này?
Với nhiều cơ hội tăng trưởng trong tương lai, VSC, NKG, NTP và PVS là các cổ phiếu được các công ty chứng khoán (CTCK) khuyến nghị mua hoặc nắm giữ trong thời gian này.
VSC: Mua với giá mục tiêu 71,200 đồng/cp
CTCK Rồng Việt (VDS) khuyến nghị mua cổ phiếu VSC của CTCP Container Việt Nam với giá mục tiêu 71,200 đồng/cp.
Theo số liệu thống kê, tổng vốn FDI đầu tư vào Hải Phòng 05 năm gần đây luôn đạt trung bình trên 1 tỷ USD/năm. Trong đó, phần lớn tập trung vào lĩnh vực sản xuất hàng phụ trợ, linh kiện điện tử vốn sẽ tạo ra nguồn hàng xuất nhập khẩu rất lớn khi đi vào sản xuất điển hình như tại KCN Đình Vũ, Tràng Duệ và VSIP Hải Phòng. Ngoài ra, hệ thống đường sá hạ tầng phát triển đồng bộ hơn (cao tốc Hà Nội –Hải Phòng- Quảng Ninh, Đường Tân Vũ –Lạch Huyện, duy tu QL10 …) gia tăng tính kết nối với các vùng sản xuất công nghiệp lân cận như Hải Dương, Hưng Yên, Hà Nội, Bắc Ninh góp phần đẩy nhu cầu thông quan hàng hóa qua Hải Phòng tăng lên.
Nguồn hàng hóa thông quan qua Hải Phòng do vậy sẽ tiếp tục tăng trưởng khả quan. Theo số liệu của UBND TP Hải Phòng, tổng lượng hàng hóa qua cảng 9 tháng đầu năm 2016 đạt 57.5 triệu tấn (tăng trưởng 14% so với cùng kỳ) và ước đạt 80 triệu tấn vào cuối năm (tăng 16% so với năm 2015). Bức tranh hàng hóa trung – dài hạn ở Hải Phòng được đánh giá khá lạc quan và lành mạnh hơn nhờ vào sự tăng trưởng hữu cơ của nguồn hàng từ các dự án FDI mới tại các khu công nghiệp miền Bắc và vị trí địa lý thuận lợi của Hải Phòng (nằm trên tuyến vận tải Đông Bắc Á (Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản).
Sang năm 2017, dự báo hàng container qua Hải Phòng tăng trưởng 10% - 12%, VDS kỳ vọng hiệu suất hoạt động của VIPGreen sẽ tăng mạnh lên 90% (trên công suất thiết kế 500,000 Teus/năm), qua đó, nâng tổng sản lượng thông quan của VSC lên 750,000 Teus (tăng 25% so với năm trước). Từ đó, tổng doanh thu năm 2017 dự báo sẽ tăng trưởng 17% lên 1,280 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế (trừ cổ đông thiểu số) đạt 305 tỷ đồng (tăng 21% so với năm trước).
Xem thêm tại đây
NKG: Mua với giá mục tiêu 45,700 đồng/cp
VDS cũng khuyến nghị mua đối với cổ phiếu NKG của CTCP Thép Nam Kim với giá mục tiêu 45,700 đồng/cp.
Theo VDS, thuế chống bán phá giá (CBPG) đối với tôn mạ nhập khẩu, bên cạnh nhu cầu tôn mạ tăng trưởng mạnh được kỳ vọng là nhân tố chính giúp NKG ổn định mặt bằng giá bán cũng như duy trì thị phần quanh mức 14%, tiếp tục nằm trong top 2 đầu ngành về sản lượng tiêu thụ.
Hiện xuất khẩu đang diễn ra thuận lợi ở một số quốc giá áp thuế chống bán phá giá lên tôn mạ Trung Quốc. Theo đó, Mỹ đã trở thành thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của NKG và đang tiếp tục đưa về lượng đơn hàng lớn, giá bán tốt ở các mặt hàng có biên lãi gộp cao, có lợi cho các doanh nghiệp sở hữu chuỗi sản xuất hiện đại và tập trung sản xuất các mặt hàng có độ mạ lớn.
Về vấn đề sản xuất, VDS cho rằng, việc đưa vào liên tiếp hai dây chuyền cán nguội trong giai đoạn cuối năm 2016, đầu 2017 trước khi hoàn thiện dây chuyền mạ kẽm tiếp theo cho thấy NKG đang có chiến lược tập trung vào hoàn thiện chuỗi sản xuất thay vì tăng sản lượng hàng loạt, giảm sự phụ thuộc vào nguyên liệu mua ngoài về mức tối thiểu, góp phần giữ biên lãi gộp ở mức hai con số tới khi hoàn thiện đầu tư nhà máy Nam Kim 3.
Với chiến lược tập trung vào ngành sản xuất kinh doanh cốt lõi, NKG là doanh nghiệp có tiềm năng tăng trưởng lợi nhuận trong quý 4/2016 cũng như năm 2017. Theo đó, VDS xác định giá mục tiêu cho NKG ở mức 45,700 đồng/cp dựa trên những cải thiện của Công ty trong năm 2016 và tiềm năng tăng trưởng tích cực từ năm 2017 trở đi.
Xem thêm tại đây
NTP: Tăng trưởng ổn định
CTCK VietcomBank (VCBS) khuyến nghị nắm giữ đối với cổ phiếu NTP của CTCP Nhựa Thiếu niên Tiền Phong nhờ hoạt động kinh doanh vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng ổn định cùng xu hướng tăng trưởng của ngành nhựa vẫn sẽ tiếp diễn cho năm tới.
Trong năm 2017, VCBS đánh giá hoạt động kinh doanh của NTP vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng ổn định. Ống nhựa vẫn là ngành kinh doanh cốt lõi của NTP mang lại phần lớn doanh thu và lợi nhuận. Hiện tại ngoài nhựa Năm Sao sẽ được đi vào sản xuất vào cuối năm 2017, 3 nhà máy còn lại có tổng công suất thiết kế hơn 100,000 tấn/năm, hiện đang chạy 70% công suất thiết kế. Với triển vọng ngành ống nhựa dân dụng tăng trưởng khoảng 15% và khó có khả năng đột phá, NTP đã xem xét mở rộng vào thị trường mới là ống cấp nước dùng trong các dự án - đây sẽ là hướng đi chính của NTP trong tương lai.
Bên cạnh đó, xu hướng tăng trưởng của ngành nhựa vẫn sẽ tiếp diễn trong năm tới. Với tốc độ phát triển nhanh, ngành Nhựa đang được coi là một ngành năng động trong nền kinh tế Việt Nam. Sự tăng trưởng đó xuất phát từ thị trường rộng, tiềm năng lớn và đặc biệt là vì ngành nhựa Việt Nam mới chỉ ở bước đầu của sự phát triển so với thế giới. Ngoài ra, sự ấm lên của thị trường bất động sản và ngành xây dựng được hưởng lợi là cơ hội tốt cho các doanh nghiệp ngành nhựa xây dựng tăng trưởng.
Theo thống kê từ Cục Đầu tư nước ngoài – Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tổng vốn FDI đăng ký mới và cấp thêm có xu hướng tăng trong vài năm trở lại đây, trong đó ngoài lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực xây dựng và bất động sản cũng thu hút một lượng đáng kể. Với những tiềm năng tăng trưởng trong lĩnh vực bất động sản và xây dựng, VCBS đánh giá tiềm năng cho thị trường ống nhựa xây dựng còn rất lớn. Và khi mà thị trường ống nhựa dân dụng với các sản phẩm ống uPVC đã dần bão hòa và khó có khả năng tăng trưởng mạnh, thì ống nhựa cho các dự án, công trình sẽ có bước đột phá. Đặc biệt, sản phẩm ống nhựa PPR chịu bền, chịu nhiệt sẽ có sự tăng trưởng mạnh, trung bình khoảng 30%/năm.
Xem thêm tại đây
PVS: Lợi nhuận sẽ tăng trở lại từ năm 2017
CTCK KIS Việt Nam (KIS) cho rằng lợi nhuận của Tổng CTCP Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (HNX: PVS) đã chạm đáy và sẽ tăng trở lại từ năm 2017 nhờ vào sự phục hồi của giá dầu. Theo đó, KIS khuyến nghị tăng tỷ trọng cổ phiếu PVS với giá hợp lý ở mức 28,300 đồng/cp vào cuối năm 2017.
Theo Cơ quan năng lượng quốc tế (EIA), việc dư thừa nguồn cung dầu mỏ vẫn sẽ tiếp diễn cho đến quý 3/2017, kéo theo giá dầu sẽ phục hồi mạnh từ quý 3/2017 trở đi. Ngoài ra, thỏa thuận cắt giảm sản lượng giữa các thành viên OPEC từ 33.39 triệu thùng dầu/ngày (khoảng 34.6% sản lượng thế giới) xuống còn 32.5 – 33 triệu thùng/ngày, được kỳ vọng sẽ đẩy mạnh hơn quá trình phục hồi của giá dầu.
Ngoài ra, trữ lượng dầu mỏ của Việt Nam là 4.4 tỷ thùng dầu, đứng thứ 25 trên thế giới và đứng thứ 2 ở Đông Á, sau Trung Quốc. Hiện tại, thị trường dầu mỏ Việt Nam rất tiềm năng với 6/8 bể trầm tích, đang được thăm dò và khai thác. Tổng cộng tập đoàn dầu khí Việt Nam đã khai thác 352.6 triệu tấn dầu và 114 tỷ m3 khí, tương đương 0.4 tỷ tấn quy dầu, chỉ bằng 6% tổng trữ lượng tiềm năng của Việt Nam. Một thị trường dầu khí còn nhiều tiềm năng như vậy là cơ hội tốt cho các công ty về kỹ thuật, trong đó có PVS.
KIS cho rằng lợi nhuận của PVS đã chạm đáy và sẽ tăng trở lại từ năm 2017 nhờ vào sự phục hồi của giá dầu. Trong năm 2016, KIS dự phóng doanh thu và lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ lần lượt đạt 18,000 tỷ đồng và 1,172 tỷ, đều giảm 23% so với năm trước. Theo đó, PVS có giá hợp lý ở mức 28,300 đồng/cp vào cuối năm 2017, tương đương với P/E khoảng 10x.
Xem thêm tại đây
.......................................
Khuyến nghị mua bán cổ phiếu của các công ty chứng khoán được trích dẫn lại có giá trị như một nguồn thông tin để nhà đầu tư tham khảo cho các quyết định đầu tư. Các khuyến nghị này có thể có những xung đột lợi ích với nhà đầu tư.
|