Ngành dược Việt Nam tăng trưởng mạnh nhất châu Á, cơ hội nào cho các doanh nghiệp trong nước?
Ngành dược vốn được xem là ngành nhiều cơ hội nhưng cũng đầy những thách thức và rủi ro. Ngày 14/11, Hội thảo “Ngành dược Việt Nam và cơ hội từ thay đổi chính sách” đã được tổ chức tại HOSE, cho thấy ngành dược đang có tiềm năng tăng trưởng hấp dẫn trong tương lai.
Hội thảo Ngành dược Việt nam – cơ hội từ thay đổi chính sách diễn ra vào chiều ngày 14/11
|
Phát biểu tại hội thảo, PGS.TS Lê Văn Truyền, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế cho rằng hiện tại nền công nghiệp dược phẩm toàn cầu đang gặp phải 4 thách thức lớn. Đó chính là sự phân phối hợp lý giá trị giữa cổ đông và người tiêu dùng, môi trường kinh doanh tăng trưởng chậm do suy thoái toàn cầu. Song song đó, hoạt động R&D có hiệu quả thấp, tỷ lệ thành công trong nghiên cứu thuốc mới là không cao. Bên cạnh đó, rủi ro trong ngành là khá lớn trong khi niềm tin lại sụt giảm.
Nếu xét riêng thị trường dược phẩm Việt Nam, công nghiệp dược gặp phải một số điểm yếu như thiếu chiến lược tập trung và dài hạn trong khi kỹ thuật tiếp thị kém, hệ thống phân phối lại không hiện đại. Trình độ sáng tạo thấp được thể hiện bằng số bằng sáng chế trong nước đăng ký dưới 1%. Các sản phẩm được sản xuất chủ yếu ở dạng bào chế quy ước mà ít dạng bào chế công nghệ cao.
Thế nhưng, ông Truyền cũng cho biết, công nghiệp dược Việt Nam đang có cơ hội rất lớn bởi thị trường dược phẩm trong nước là thị trường tăng trưởng mạnh nhất khu vực châu Á. Được biết, thị trường dược phẩm Việt Nam có giá trị 4.2 tỷ USD tính đến năm 2015, tốc độ tăng trưởng trong giai đoạn 2010-2015 là 17-20% và đến năm 2017, tốc độ tăng trưởng của thị trường sẽ cao hơn 17%. Tiêu thụ dược phẩm bình quân đầu người là 40 USD.
Hiện tại ở Việt Nam có khoảng 150 nhà máy đạt chuần WHO-GMP vào năm 2015. Với nền tảng đó, mục tiêu ngành dược đặt ra là đến năm 2020, đảm bảo 100% nhu cầu thuốc cho chăm sóc sức khỏe nhân dân. Công nghiệp dược trong nước đáp ứng 80% nhu cầu thuốc thành phẩm và 20% nguyên liệu làm thuốc. Chất lượng thuốc sẽ được nâng cao với 40% thuốc generic đăng ký được thử sinh khả dụng (BA) và tương đương sinh học (BE).
Bên cạnh đó, chính sách về đầu tư trực tiếp nước ngoài vào công nghiệp dược Việt Nam cũng đang đi theo hướng khuyến khích đầu tư, chuyển giao công nghệ trong sản xuất dược phẩm, vacxin, hóa dược và kháng sinh... Luật dược sửa đổi 2016 cũng có nhiều chính sách mới của nhà nước với nhiều ưu đãi đầu tư sản xuất thuốc, nguyên liệu làm thuốc, thuốc thiết yếu, thuốc phòng, chống bệnh xã hội, vắc xin. Chính phủ cũng đang có nhiều ưu đãi trong nghiên cứu khoa học về công nghệ bào chế, công nghệ sinh học để sản xuất các loại thuốc mới.
Phân tích về các cổ phiếu ngành dược trên thị trường chứng khoán, ông Đặng Trần Hải Đăng – Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu CTCK Công thương Việt Nam (CTS) nhận định ngành dược đang có động lực tăng trưởng mạnh mẽ do những kỳ vọng luật dược được sửa đổi và những kỳ vọng nới room cho các doanh nghiệp ngành dược đã kín room như DHG, TRA, DMC và IMP. Việc nới room sẽ thu hút dòng tiền đặc biệt là khối ngoại. Có thể thấy trong thời gian qua, một số công ty được phẩm trong nước đã thu hút được các cổ đông chiến lược là các tập đoàn nổi tiếng nước ngoài như Abbott (DMC) và Taisho Pharmaceutical (DHG). Đây chính là chất xúc tác mạnh mẽ lên thị trường Việt Nam và cũng là lý do cổ phiếu ngành dược tăng trưởng hàng đầu trong năm 2016.
Cũng tại buổi hội thảo, bà Vũ Thị Thuận – Chủ tịch HĐQT CTCP Traphaco (HOSE: TRA) chia sẻ, TRA sẽ tận dụng những cơ hội để trở thành doanh nghiệp dược số 1 Việt Nam trên phương diện vốn hóa, doanh thu và lợi nhuận đến năm 2020.
Bà Thuận cho biết TRA hiện đang chiếm 1.3% thị phần của toàn bộ thị trường dược Việt Nam, riêng thị trường dược OTC Việt Nam, TRA đang sở hữu 3.43% thị phần và đứng thứ hai về mặt doanh thu, riêng doanh thu OTC chiếm 84.6% tổng doanh thu quý 2/2016.
Bên cạnh đó, TRA đang xâm nhập vào mảng tân dược vì cho rằng mảng này sẽ giúp TRA nâng cao doanh thu bên cạnh việc duy trì vị thế dẫn đầu mảng đông dược nhờ uy tín của công ty. Hiện tại tổng công suất của công ty là 1 tỷ đơn vị sản phẩm/năm. Thế nhưng công ty đang xây dựng nhà máy mới tại Hưng Yên với công suất thiết kế 900 triệu đơn vị sản phẩm/năm, với tổng giá trị đầu tư là 21.1 triệu USD, dự kiến sẽ đưa vào sản xuất trong năm 2017.
Ngày 02/11, HĐQT TRA đã đưa ra kế hoạch trong năm 2017 với mức tăng trưởng lợi nhuận không thấp hơn 15%. Theo đó, TRA cũng dự kiến trả cổ tức cho cổ đông 30% và cũng sẽ có kế hoạch tăng vốn từ nay tới 2020.
|
|