Bộ Công Thương phải giải trình 8 vấn đề “nóng”
Ngày 14/11, Tổ công tác của Thủ tướng làm việc với Bộ Công Thương về tình hình triển khai thực hiện các nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng giao.
Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng.
|
Bộ Công Thương phải giải trình 8 vấn đề
Tại hội nghị, ông Mai Tiến Dũng, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Tổ trưởng tổ công tác của Thủ tướng đã truyền đạt lại 8 vấn đề mà Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương giải trình và báo cáo lại Thủ tướng.
Thứ nhất, về vấn đề cơ cấu tổ chức bộ máy và công tác cán bộ, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, tại hội nghị tổng kết năm 2015, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao Bộ Công Thương chủ động tái cơ cấu bộ máy tổ chức.
Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, với trình trạng một Bộ có tới 30 vụ, cục, 11 tổng công ty lớn thì cần xem xét kỹ hiệu quả quản lý cũng như vấn đề tinh giản biên chế.
“Việc cử lái xe sang làm tham tán thương mại cần xem xét lại. Vấn đề sử dụng tham tán thương mại ở nước ngoài cần phải chọn cán bộ đủ tiêu chuẩn mới thực hiện tốt nhiệm vụ. Không thể nào một vị trí quan trọng lại sử dụng cán bộ như vậy, sang đó làm việc riêng hơn việc chung là không ổn. Thời gian qua công tác cán bộ chỗ này chỗ kia mọi người quá hiểu rồi”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói và yêu cầu Bộ Công Thương rút kinh nghiệm sâu sắc.
Trong khi đó, Thứ trưởng Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa lại cho biết, việc Bộ Công Thương chia lẻ quá nhiều vụ, cục thì sẽ khó trong việc tinh giản biên chế, tái cơ cấu cán bộ cũng như sự liên kết giữa các phòng ban.
“Một bộ có tới 32 trường trực thuộc thì có cần thiết không, rất lãng phí”, ông Thừa nói.
Thứ hai, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng yêu cầu Bộ Công Thương làm rõ việc các tập đoàn lớn thua lỗ, làm ăn không có hiệu quả. Đồng thời làm rõ vai trò quản lý nhà nước, kiểm soát, thực hiện các quy trình quản lý vốn chủ sở hữu, các thủ tục thẩm tra thẩm định bởi đây là những vấn đề mà dư luận rất quan tâm.
Thứ ba, về thị trường bán lẻ trong nước, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho rằng các doanh nghiệp nước ngoài đang chiếm thị trường bán lẻ của Việt Nam vì vậy cần phải xây dựng thương hiệu thị trường bán lẻ trong nước gắn với biểu tượng hàng Việt Nam chất lượng cao.
Thứ tư, đẩy nhanh cổ phần hoá, thoái vốn nhà nước tại các lĩnh vực nhà nước không nắm giữ. “Thủ tướng từng nói Chính phủ không đi bán bia, bán sữa. Cần làm càng sớm càng tốt thoái vốn, bán vốn ở những lĩnh vực nhà nước không cần làm để thu hút nguồn lực trong và ngoài nước”, Bộ trưởng Dũng nói.
Thứ năm, thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ, khởi nghiệp cho công nghiệp phát triển. Ông Dũng cho hay, 10 tháng năm nay có 91.000 doanh nghiệp mới thành lập, tức là cứ 5 phút có 1 doanh nghiệp mới ra đời. Như vậy, sau 1 thời gian “ốm” thì doanh nghiệp đã “khoẻ” dần.
“Với tốc độ đó thì 1 năm có 100.000 doanh nghiệp được thành lập, phấn đấu 2020 có 1 triệu doanh nghệp. Vấn đề công nghiệp phụ trợ, vấn đề doanh nghiệp vừa và nhỏ đang gặp khó khăn, vấn đề thị trường, tiếp cận vốn các bộ ngành phải chung tay tháo gỡ khó khăn đó. Nhiều doanh nghiệp đã đáp ứng được nhu cầu tạo ra sản phẩm liên kết với nước ngoài”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho hay.
Thứ sáu, Bộ Công Thương cần quan tâm công tác quản lý thị trường, chống hàng giả, nhái, gian lận thương mại, hàng tiểu ngạch, Trung Quốc. Xử lý ngay vấn đề kinh doanh đa cấp trái pháp luật.
Thứ bảy, vấn đề môi trường, các hồ thuỷ điện, chiến lược phát triển năng lượng, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng yêu cầu Bộ Công Thương cần phải nghiêm túc trong thẩm định và cấp phép, xả thải.
“Rút kinh nghiệm trong việc thẩm định cấp phép, xả thải Formosa. Quan tâm tránh thiệt hại, xử lý sớm những băn khoăn của cộng đồng dân cư ở địa phương, ngay vấn đề ô nhiễm nhiệt điện Duyên Hải, Vĩnh Tân. Chẳng hạn, vấn đề của Tập đoàn Hoa Sen ở Cà Ná (Ninh Thuận), ông Dũng khẳng định, Bộ Công Thương cần phải xem xét công nghệ, thiết bị, đánh giá nếu công nghệ đáp ứng được thì mới chấp nhận”, Bộ trưởng Dũng nhấn mạnh.
Cuối cùng, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh cần phải xây dựng và phát triển chiến lược phát triển năng lượng. Cần xây dựng chiến lược phát triển điện năng, không để miền Nam thiếu điện vì nhu cầu sử dụng điện năng ngày càng lớn.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói gì?
Phát biểu tại buổi làm việc với Tổ công tác của Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh thừa nhận những khuyết điểm tồn tại trong việc bổ nhiệm cán bộ thời gian qua và cho đây là bài học kinh nghiệm sâu sắc.
Tuy nhiên, Bộ trưởng khẳng định cần hiểu rõ hơn bởi nếu không dư luận lại cho rằng Bộ Công Thương là điển hình của khuôn mẫu quan liêu, cồng kềnh, phức tạp và không hiệu quả.
“Chuyện bổ nhiệm lái xe chưa có trong thực tế. Chừng nào chúng tôi còn làm ở đây thì không có chuyện đó. Đúng là có thông tin lên Chính phủ là Bộ Công Thương buông lỏng tổ chức cán bộ nhưng đó chỉ là một số trường hợp, không phải là cả một hệ thống. Cả hệ thống đang làm rất tốt, những thành tựu của Bộ không phải nhỏ. Chúng tôi khẳng định quy hoạch cán bộ sẽ đổi mới theo đúng tiêu chí Nhà nước”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói.
“Chúng tôi có 8 bộ gộp lại chứ không phải 5 bộ. Do đó, cần quản lý hệ thống các trường của 8 bộ ngành, chưa kể các trường của các tập đoàn mà Chính phủ giao về Bộ Công Thương quản lý... Đó là câu chuyện của lịch sử. Chúng tôi đã có đề án tái cơ cấu rồi nhưng không dễ gì để giải tán các trường này. Vì đây là nơi đào tạo nhân lực cho công nghiệp hoá, hiện đại hoá”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói và khẳng định sẵn sàng xã hội hoá thu hút các thành phần kinh tế khác tham gia chứ không muốn ôm đồm, xây dựng bộ máy cồng kềnh.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định quyết tâm giải thể những trường không có nhu cầu nhưng nếu giải tán cần phải tính đến việc các giáo viên sẽ được đưa đi đâu chứ không phải cứ “quăng ra ngoài” là được. Trước đây, Bộ Công Thương có 7 thứ trưởng nay chỉ còn 5 và phụ trách một lĩnh vực khác nhau.
Về vấn đề tập đoàn thua lỗ, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết Bộ đang rà soát, đánh giá toàn bộ và báo cáo Quốc hội về các dự án có hiệu quả đầu tư kém, thua lỗ lớn. Tuy nhiên, tình trạng này có lịch sử lâu dài 10-15 năm và thậm chí còn lâu hơn nên việc rà soát không thể nóng vội. Sau rà soát, Bộ Công Thương sẽ có báo chính thức với Thủ tướng.
Về vấn đề cổ phần hoá, thoái vốn, với tinh thần Chính phủ không bán bia, bán sữa, Bộ Công Thương đang thực hiện đúng lộ trình, bán vốn đạt lợi ích cao nhất cho Nhà nước.
http://vneconomy.vn/thoi-su/bo-cong-thuong-phai-giai-trinh-8-van-de-nong-20161114013547233.htm
|