Nếu đánh thuế nhà thứ 2, thứ 3: Không nên đánh đồng các nhà đầu tư thứ cấp
Trước thông tin Bộ có dự định đánh thuế tài sản mang tính trực thu, đánh vào những người có tài sản lớn, người có 2-3 nhà bị đánh thuế. Các chuyên gia BĐS đã bày tỏ ý kiến trái chiều về vấn đề này.
* “Năm 2017 chưa đánh thuế nhà thứ hai trở đi”
* Mua nhà thứ 2, thứ 3 bị đánh thuế tài sản: Khó quản lý, thiếu khả thi
Tăng thu ngân sách, điều tiết lại thị trường
Trao đổi với PV Báo Lao Động, ông Nguyễn Trần Nam - nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam - cho rằng: “Việc đánh thuế nhà thứ 2, thứ 3 là cần thiết để điều tiết thị trường BĐS và tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước. Khi đánh thuế, số lượng người giàu mua nhà sẽ giảm bớt đi, cầu giảm sẽ kéo theo giá cả BĐS trở nên ổn định và hạ nhiệt hơn, tăng cơ hội cho người nghèo và người có thu nhập trung bình tiếp cận thị trường BĐS, tránh hiện tượng đầu cơ, mua nhiều BĐS đẩy giá cao lên để bán”.
Ông Nam dẫn chứng, sở hữu ô tô phải chịu thuế tiêu thụ đặc biệt trong khi giá trị của ô tô rẻ hơn bất động sản, thì không lẽ nào nhà ở không bị đánh thuế. “Đối với người dân bình thường, ô tô có thể không có nhưng nhà thì ai cũng cần phải có, BĐS chính là một loại hàng hóa thiết yếu” - ông Nam khẳng định.
Cũng theo ông Nam, sở dĩ không đánh thuế ngôi nhà đầu tiên vì là nhu cầu thiết yếu ở thực, nhưng sở hữu ngôi nhà thứ 2 trở lên, thường sẽ để cho thuê nên được xem như người giàu nên phải tiến hành thu thuế. “Ở nước ngoài, cụ thể ở Đức, nhà để không hoặc cho thuê bị đánh thuế theo hình thức lũy tiến rất nặng. Không thể có nhiều căn nhà bỏ hoang, cho thuê mà không có trách nhiệm với Nhà nước được. Vì vậy, việc áp dụng sắc thuế này là hoàn toàn cần thiết” - ông Nam phân tích.
Ngoài ra, ông Nam cho biết thêm: “Đánh thuế BĐS không có nghĩa là dòng tiền sẽ không vào BĐS nữa vì nhu cầu nhà ở của người dân hiện nay vẫn rất lớn. Với tỉ lệ đô thị hóa hàng năm cộng với các tác động của các FTAs, nhu cầu mỗi người dân sẽ tăng thêm 1 mét vuông nhà ở/năm. Với hơn 90 triệu dân tức mỗi năm cần 100 triệu mét vuông nhà ở. Chưa kể, mỗi năm có 1 triệu người ở nông thôn chuyển ra làm việc ở các khu công nghiệp và đô thị, mỗi người cần thêm ít nhất 20m2, tổng cộng cần 20 triệu mét vuông nữa”.
“Trong tương lai, số hộ gia đình càng ngày càng tăng. Chưa kể hiện nay có xu hướng người độc thân ra ở riêng thay vì 2-3 thế hệ cùng chung sống trong một ngôi nhà như trước đây. Chính vì vậy, khi đánh thuế, nguồn cung thị trường sẽ chuyển dịch từ nhà to, đắt tiền sang nhà quy mô trung bình với giá phù hợp” - ông Nam khẳng định.
Ông Nam cũng cho biết thêm: “Hiện nay số lượng người sở hữu từ 2-3 nhà trở lên không phải ít. Đây sẽ là nguồn thu bổ sung lớn cho ngân sách vì thị trường BĐS đang ngày càng khởi sắc và phát triển”.
Không nên đánh đồng các nhà đầu tư thứ cấp
Tuy nhiên, trao đổi với PV Báo Lao Động, TS.Phạm Sỹ Liêm - Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng lại cho rằng, cần có sự hiểu đúng về người đầu tư BĐS thứ cấp.
“Nếu như nhà đầu tư sơ cấp là người mua BĐS để xây nhà và bán thì nhà đầu tư thứ cấp mua lại của nhà đầu tư sơ cấp đem bán lại hoặc cho thuê chứ không phải là những người đầu cơ. Đơn cử như việc hiện nay có không ít gia đình mua thêm căn thứ 2, thứ 3 để cho thuê để thu hồi vốn đề phòng khi ốm đau hay mua nhà chuẩn bị cho con cái khi lập gia đình. Trong trường hợp này gọi là đầu cơ cũng không đúng vì xuất phát từ nhu cầu ở thực” - ông Liêm dẫn chứng.
Ngoài ra, TS Liêm khẳng định: “Chỉ khi nào họ mua xong rồi để trống rồi chờ có người mua lại, gây ra sự khan hiếm giả tạo để bắt bí giá mới gọi là đầu tư tích trữ có hại. Còn việc mua rồi bán lại hay cho thuê để đầu tư thứ cấp là điều đáng khuyến khích vì mang ý nghĩa đẩy mạnh tiêu thụ cho các nhà đầu tư sơ cấp thu hồi vốn, tái đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế”.
Chính vì vậy, TS Liêm cho rằng, xuất phát từ nhu cầu thị trường BĐS và tâm lý người mua nhà, không nên đánh thuế khi mua nhà thứ 2, thứ 3. Việc mua nhà nhưng chưa dùng đến mà để cho thuê nhìn chung cũng đều xuất phát từ lợi ích xã hội, cả từ phía nhà đầu tư sơ cấp đến người đi thuê nhà, chính vì vậy không nên đánh thuế để ngăn cản sự phát triển của thị trường BĐS.
http://laodong.com.vn/kinh-te/neu-danh-thue-nha-thu-2-thu-3-khong-nen-danh-dong-cac-nha-dau-tu-thu-cap-613842.bld
|