Bến xe dời đi cao ốc mọc lên
Trước tình hình ùn tắc giao thông đang ngày càng trầm trọng tại các cửa ngõ, TPHCM đã có chủ trương di dời hai bến xe lớn nhất thành phố là bến xe miền Đông và bến xe miền Tây. Sau khi dời đi, đất tại bến xe cũ sẽ được chuyển đổi công năng thành các khu phức hợp, trung tâm thương mại, khách sạn.
Đã có chủ trương dời bến xe miền Đông ra ngoại thành. Ảnh: LÊ ANH
|
Xây bến xe tại các đầu mối giao thông
Trong khoảng năm năm trở lại đây, tình hình ùn tắc giao thông tại khu vực bến xe miền Đông, quận Bình Thạnh ngày một trầm trọng hơn. Nhận thấy sự bất hợp lý khi để bến xe nằm ở khu vực nội thành, thành phố đã có chủ trương di dời bến xe này ra ngoại thành. Từ năm 2011, một dự án xây dựng bến xe miền Đông mới đã được khởi động, thế nhưng cho đến nay dự án vẫn chưa được khởi công.
Theo quy hoạch, TPHCM sẽ xây dựng bến xe miền Đông mới diện tích 14 héc ta (rộng hơn gấp đôi bến xe miền Đông hiện hữu) tại phường Long Bình, quận 9 (TPHCM) và một phần phường Bình Thắng (thị xã Dĩ An, Bình Dương).
Bến xe này sẽ được xây dựng thành bốn khu. Trong đó, khu A là bến bãi, công trình công cộng và phụ trợ, với công trình cao 26 tầng; khu B là trạm xe buýt (cao hai tầng); khu C là kho trung chuyển và giao dịch hàng hóa (cao năm tầng); khu D là khu thương mại dịch vụ (cao 15 tầng). Tổng vốn đầu tư dự kiến cho bến xe này khoảng 4.000 tỉ đồng. Chủ đầu tư là Tổng công ty Cơ khí giao thông vận tải Sài Gòn (Samco).
Vị trí được chọn để xây bến xe miền Đông mới là một đầu mối giao thông kết nối đi tất cả các hướng bằng cả đường bộ và tàu điện. Trong đó, tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) sẽ kết nối với bến xe để đi vào trung tâm. Mới đây, tỉnh Bình Dương và Đồng Nai đã nghiên cứu để kết nối các tuyến tàu điện từ Suối Tiên kéo dài đến địa bàn hai tỉnh này. Trong tương lai, hành khách xuống bến xe có thể đi về cả Đồng Nai và Bình Dương bằng tàu điện.
Còn đối với đường bộ, từ bến xe này có thể đi vào trung tâm qua trục đường xa lộ Hà Nội. Nếu đi về các tỉnh miền Tây sẽ theo quốc lộ 1A; còn đi Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ theo đường vành đai 2 để đến cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây. Hiện nay, nút giao ngã ba Vũng Tàu đã xây dựng xong cầu vượt và hầm chui nên sau này xe khách đi từ các tỉnh miền Trung, miền Bắc về TPHCM sẽ rất thuận lợi và hành khách không còn phải lo cảnh kẹt xe vào mỗi dịp lễ, Tết.
Theo kế hoạch cập nhật của Samco, hiện nay dự án bến xe miền Đông mới đang trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt và được chia làm hai giai đoạn xây dựng. Trong đó, giai đoạn 1 sẽ xây dựng hạ tầng kỹ thuật và nhà ga để sớm di dời bến xe miền Đông hiện tại. Giai đoạn 2 sẽ tiếp tục thực hiện các hạng mục còn lại.
Hồi tháng 6 năm nay, ông Lê Văn Pha, Phó tổng giám đốc Samco, cho biết dự kiến đầu năm 2017 sẽ khởi công và hoàn thành giai đoạn 1 trong năm 2018. Theo ông Pha, hiện tại khâu giải phóng mặt bằng đã hoàn tất, việc thi công nhà ga của bến xe chủ yếu xây dựng bằng khung thép nên tiến độ thi công sẽ nhanh và kịp hoàn thành giai đoạn 1 trong năm 2018.
Nếu như bến xe miền Đông mới đang bước vào giai đoạn chuẩn bị khởi công thì vào cuối tháng 10-2016, chính quyền TPHCM cũng giao cho Samco làm chủ đầu tư để sớm xây dựng bến xe miền Tây mới với diện tích 20 héc ta tại khu Nam Sài Gòn. Dù nằm trong khu Nam Sài Gòn nhưng thực ra khu đất để xây bến xe miền Tây mới nằm sát quốc lộ 1A thuộc địa bàn huyện Bình Chánh.
Địa điểm xây bến xe mới nằm ngay cạnh quốc lộ 1A và đường Nguyễn Văn Linh và là một đầu mối giao thông quan trọng. Từ bến xe miền Tây mới, hành khách có thể đi về trung tâm qua đường Nguyễn Văn Linh. Còn đi về các tỉnh miền Tây có thể đi theo quốc lộ 1A hoặc đường cao tốc TPHCM - Trung Lương. Cũng từ đây có thể đi An Sương, Suối Tiên, bến xe miền Đông mới theo quốc lộ 1A. Ngoài hệ thống đường bộ, bến xe miền Tây mới còn kết nối với tuyến metro số 3a, monorail số 2, tuyến xe buýt nhanh...
Trao đổi với TBKTSG, ông Lê Văn Pha, Phó tổng giám đốc Samco, cho hay hiện nay Samco và các đơn vị liên quan đang xúc tiến đẩy nhanh việc bồi thường giải tỏa mặt bằng, dự kiến trong năm 2017 sẽ hoàn thành lập quy hoạch, năm 2018 xong phần đền bù giải tỏa mặt bằng. Giai đoạn 2018-2020, tiến hành xây dựng giai đoạn 1 và bắt đầu đưa vào khai thác từ năm 2021.
Ước tính tổng số vốn đầu tư bến xe miền Tây mới (bao gồm cả giải phóng mặt bằng) khoảng hơn 1.000 tỉ đồng. Hiện Samco đang tính toán các phương án huy động vốn như sử dụng nguồn vốn tự có, vốn đầu tư phát triển của Samco.
Cũng theo ông Pha, bến xe miền Tây mới sẽ được khai thác theo mô hình đa chức năng gồm khách sạn, khu thương mại, dịch vụ, văn phòng, trung tâm mua sắm.
Bến xe nhường chỗ cho cao ốc
Sau khi bến xe miền Đông hiện hữu ở phường 26, quận Bình Thạnh chuyển ra quận 9, bến xe hiện tại sẽ được chuyển đổi công năng. Theo quyết định quy hoạch tỷ lệ 1/500 được chính quyền TPHCM phê duyệt năm 2014, khu đất tại bến xe miền Đông hiện hữu sẽ được chia làm hai phần. Một phần được sử dụng làm bãi đậu xe buýt, xe du lịch lữ hành (khu A), phần còn lại sẽ xây dựng khu phức hợp (khu B) bao gồm trung tâm thương mại, dịch vụ, văn phòng cho thuê và khách sạn.
Khu phức hợp thương mại cao từ 20-25 tầng, thành phố sẽ tổ chức bán đấu giá tạo nguồn vốn để đầu tư dự án bến xe miền Đông mới.
Ông Pha cho biết, sau khi di dời tới vị trí mới, với 46.000 mét vuông đất của bến xe miền Tây hiện nay, Samco sẽ chuyển đổi công năng một phần diện tích để sử dụng hợp lý hơn theo quy hoạch, phần còn lại làm bến, bãi đỗ xe, ga tàu điện ngầm phục vụ giao thông công cộng bởi hiện nay diện tích cho giao thông tĩnh tại thành phố rất thiếu.
http://www.thesaigontimes.vn/153946/Ben-xe-doi-di-cao-oc-moc-len.html
|