Mở rộng quy mô và quản trị rủi ro là cặp đôi không thể tách rời
Ông Lê Khánh Lâm, Phó Tổng giám đốc RSM Việt Nam chia sẻ tại Hội thảo chiến lược tài chính thúc đẩy tăng trưởng CFO Forum 2016, khi doanh nghiệp mở rộng quy mô thì không thể không quan tâm đến quản trị rủi ro, đây cũng là xu hướng tất yếu trên toàn cầu.
Hội thảo chiến lược tài chính thúc đẩy tăng trưởng - CFO Forum 2016
|
Theo đó, doanh nghiệp mở rộng quy mô với muôn vàn lý do thì lý do quan trọng nhất có lẽ là mở rộng thị trường cho sản phẩm dịch vụ của mình, gia tăng thị phần. Ngoài ra, các lý do khác không kém phần quan trọng như tìm kiếm thị trường nước ngoài trước sự gia tăng của thị trường nội địa, nâng cao hiệu quả chi phí sản xuất, tìm kiếm nguồn nhân lực mới, cải thiện tài nguyên nghiên cứu và phát triển, tìm kiếm nguồn vốn, tạo dựng thương hiệu tại nước ngoài, chuyển sang hoạt động hiện tại sang quốc gia khác có môi trường thân thiện hơn.
Và một khi doanh nghiệp tiến hành mở rộng sẽ đối mặt với những rủi ro nhất định. Ví như nếu đầu tư mở rộng trong nước sẽ gặp phải rủi ro chi phí tăng cao, khó khăn quản lý, giảm hiệu quả công việc hay rủi ro về thị trường, gia tăng đối thủ cạnh tranh, nhu cầu điều kiện khách hàng khác biệt và thiếu linh hoạt. Bên cạnh đó khi đầu tư ngoài nước thì còn đối mặt với khó khăn trong bảo hộ của Nhà nước cho doanh nghiệp địa phương, trao đổi, giao dịch ngoại tệ, hệ thống pháp luật, thuế ở từng quốc gia, tình hình an ninh, chính trị ở từng quốc gia và khác biệt về văn hoá.
Theo khảo sát của Global Risk Management thực hiện năm 2015 trên toàn cầu cho thấy các doanh nghiệp càng lớn thì càng quan tâm đến chính sách rủi ro. Đối với doanh nghiệp có doanh thu dưới 1 tỷ USD thì mức độ quan tâm đến quản trị rủi ro là 57%, trong khi doanh thu trên 1 tỷ USD thì tỷ lệ này lên đến trên 90% doanh nghiệp.
Xét riêng với doanh nghiệp Việt thì mức độ quan tâm đến quản trị rủi ro là không lớn. Như, các doanh nghiệp vừa và nhỏ (hơn 90% doanh nghiệp Việt Nam) chưa chú trọng đến quản trị rủi ro và nhận thức cùng tâm lý của lãnh đạo là ngại nói chuyện rủi ro. Tổ chức tài chính, ngân hàng đã có quan tâm đến rủi ro và vẫn đang cải thiện. Trong khi doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài FDI có hệ thống quản trị rủi ro tốt hơn, hệ thống quản trị rủi ro được xây dựng theo công ty mẹ.
Theo ông Lâm, những sai lầm một doanh nghiệp thường gặp phải là phủ nhận rủi ro do quá tự tin hay không thừa nhận, đôi khi cũng có thể là mơ hồ về rủi ro, theo dõi rủi ro kém. Hoặc khi phát hiện ra rủi ro thì thờ ơ, phản ứng chậm và thậm chí né tránh rủi ro. Những sai lầm này sẽ khiến doanh nghiệp không thể đưa ra hành động thiết thực khi khó khăn xảy ra và hậu quả có thể rất khó lường.
Và để quản trị rủi ro tốt khi mở rộng quy mô lời khuyên đưa ra cho doanh nghiệp là phải xây dựng văn hóa nhận thức về rủi ro và khẳng định chức năng quản trị rủi ro sẽ thất bại nếu không được mở rộng ra toàn doanh nghiệp. Đồng thời, văn hoá nhận diện rủi ro phải được nhận diện từ cấp cao nhất lan tỏa đến mọi phòng ban và phải cụ thế hoá bằng những quy định. Giám đốc điều hành và Giám đốc tài chính phải là những người chịu trách nhiệm xây dựng các bộ phận giám sát, kiểm soát rủi ro./.
|