Lộ diện quỹ Hàn mua 40 triệu USD trái phiếu chuyển đổi CII
CTCP ĐT Hạ tầng Kỹ thuật Tp.Hồ Chí Minh (HOSE: CII) công bố đã ký kết hợp đồng đặt mua trái phiếu chuyển đổi với một quỹ đầu tư đến từ Hàn Quốc.
* ĐHĐCĐ bất thường CII: Khó hoàn thành kế hoạch 2016, mở room trong tháng 10
* CII: Năm 2017 sẽ đẩy công ty con CII E&C lên sàn
Cụ thể, nhằm mục đích huy động vốn đầu tư cho các dự án, CII dự kiến phát hành trái phiếu chuyển đổi không có tài sản đảm bảo cho các nhà đầu tư đến từ Hàn Quốc với tổng giá trị phát hành tối đa 60 triệu USD, tương đương 1,350 tỷ đồng.
CII cho biết vào ngày hôm nay (24/11) đã ký kết hợp đồng đặt mua trái phiếu chuyển đổi trị giá 40 triệu USD với nhà đầu tư thứ nhất là KEB Hana Banktrustee and Custodian Business (Ngân hàng đại diện cho Quỹ đầu tư Rhinos Asset Management (RAM)).
RAM đã đầu tư vào hơn 60 công ty với tổng giá trị danh mục đạt khoảng 1.2 tỷ USD, các thị trường đầu tư gồm Mỹ, Nhật, Hong Kong, châu Âu...
|
Đây là loại trái phiếu chuyển đổi có lãi suất 1%/năm (lãi suất theo USD), thời hạn 5 năm, giá chuyển đổi 38,500 đồng/cp (bằng 130% giá đóng cửa của cổ phiếu CII trong phiên giao dịch ngày 23/11/2016).
Theo hợp đồng, CII được quyền mua lại trái phiếu bắt đầu từ năm thứ 3 trở đi, lượng mua lại không quá 50% số lượng trái phiếu đã phát hành. Lúc này, trái chủ phải hoặc là chuyển đổi hoặc là bán lại cho CII theo giá gốc và hưởng lãi suất 4.5%/năm. Cũng từ năm thứ 3 cho đến 9 tháng trước ngày đáo hạn, trái chủ được quyền yêu cầu CII mua lại, lúc này lãi suất được hưởng là 3%; nếu trái phiếu được để đến ngày đáo hạn thì trái chủ chỉ được hưởng lãi suất 1%/năm. Trái chủ được quyền gia hạn thời hạn trái phiếu thêm 5 năm, giá chuyển đổi từ năm thứ 6 trở đi sẽ tăng 10% so với năm trước đó.
CII đánh giá việc phát hành trái phiếu có thể đem lại thặng dư cho cổ đông khi trái chủ tiến hành hoán đổi. Cụ thể, giá vốn cổ phiếu quỹ của CII là 23,800 đồng/cp, giá chuyển đổi áp dụng 38,500 đồng/cp, với 33.56 triệu cp quỹ đang sở hữu CII có thể mang lại thặng dư 493 tỷ.
Tại ĐHĐCĐ bất thường diễn ra tháng 10/2016, HĐQT CII cho biết bên cạnh các dự án BOT, BT đang thực hiện thì Công ty còn hướng đến các dự án có quy mô lớn hơn với tổng mức đầu tư trên 100 triệu USD như BOT Xa lộ Hà Nội khoảng 260 triệu USD, cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận khoảng 650 triệu USD và sắp tới là dự án đầu tư Đường trên cao số 1 với tổng vốn đầu tư 900 triệu USD . Do vậy, Công ty vẫn đang tích cực tìm kiếm nguồn vốn.
Đối với nguồn tiền huy động được từ đợt phát hành trái phiếu cho quỹ đầu từ đến từ Hàn Quốc, Công ty sẽ dùng để đầu tư dự án BT Thủ Thiêm có tổng mức đầu tư 2,641.3 tỷ đồng.
Sắp tới đây, CII sẽ triệu tập ĐHĐCĐ bất thường lần 1 để lấy ý kiến cổ đông việc bổ nhiệm một Thành viên HĐQT do quỹ đầu tư Hàn Quốc đề cử, cũng như giảm sở hữu CTCP Xây dựng Hạ tầng CII (CII E&C) và giảm sở hữu CTCP Đầu tư Nước Tân Hiệp.
Cụ thể, CII sẽ trình việc giảm sở hữu tại CII E&C từ 99.54% xuống 51% bằng cách bán 19.3 triệu cp, giá bán dự kiến là 22,000 đồng/cp (giá vốn hiện nay là 10,437 đồng/cp) để thực hiện mục tiêu chuyển đổi CII E&C thành công ty đại chúng và đăng ký niêm yết tại Sở giao dịch chứng khoán TPHCM (HOSE) trong năm 2017. Đồng thời, Công ty cũng sẽ thực hiện chuyển nhượng toàn bộ 10.3 triệu cp CTCP Đầu tư Tân Hiệp (THW), tương đương 43% vốn. Sau giao dịch, THW không còn là công ty liên kết của CII.
Mục tiêu kinh doanh trong năm 2017, mảng xây dựng sẽ đem lại doanh thu lớn nhất cho Công ty với tổng doanh thu (bao gồm doanh thu thuần và hoạt động tài chính) là 5,252 tỷ đồng, trong đó có 2,503 tỷ là đến từ mảng xây dựng. Lãi sau thuế hợp nhất và lãi sau thuế hợp nhất của cổ đông công ty mẹ là 1,061 tỷ đồng. Kế hoạch cổ tức 20% bằng tiền mặt, chia làm 3 đợt chi trả./.
Tài liệu đính kèm:
CV 805 - CBTT vv phat hanh trai phieu - 24.11.2016.PDF
|