Hơn 66% giá trị NHP bay hơi chỉ sau 1 tháng
Vừa hoàn tất đợt phát hành hơn 10 triệu cp cho cổ đông
hiện hữu, cổ phiếu NHP của CTCP Sản xuất Xuất nhập khẩu NHP (HNX: NHP)
đã liên tục lau sàn và mất đi 66% giá trị so với thời điểm đầu tháng 10.
Diễn biến giao dịch cổ phiếu từ đầu tháng 10 tới nay
|
Từ ngày 08/08 đến 05/09/2016, NHP đã thực hiện phát hành 10 triệu cp cho cổ đông hiện hữu theo tỷ lệ 1,74554:1, với giá chào bán là 10,000 đồng/cp và 610,939 cp trả cổ tức. Theo đó, 95% lượng cổ phiếu phát hành mới đã được bán cho cổ đông, phần cổ phiếu dư còn lại đã bị hủy. Việc phát hành được thực hiện khi thị giá NHP dao động ở mức 16,500 đồng/cp.
|
Từ đầu tháng 10, cổ phiếu NHP bắt đầu xuất hiện tín hiệu giảm giá. Đến ngày 06/10, ngày giao dịch đầu tiên của hơn 10 triệu cp phát hành mới cho cổ đông hiện hữu, khối lượng giao dịch của NHP tăng đột biến lên hơn 850,170 cp với giá trị giao dịch đạt mức hơn 13 tỷ đồng và thị giá rơi còn 14,800 đồng/cp. Sau đó, giá cổ phiếu NHP tiếp tục giằng co trong xu hướng giảm cho đến ngày 17/10 thì liên tục giảm sàn trong suốt 7 phiên liên tiếp.
Tính tới phiên ngày 25/10, thị giá của NHP chỉ còn 6,600 đồng/cp, giảm 61% so với mức 17,000 đồng hồi đầu tháng 10. Cùng với đó, sau mỗi phiên lượng cổ phiếu luôn được chất đầy bên bán. Khối lượng khớp lệnh liên tục được đẩy lên trên dưới 1 triệu cp với giá trị giao dịch ở mức 13-14 tỷ đồng. Cá biệt có phiên ngày 11/10 hơn 1.1 triệu cp được khớp lệnh với tổng giá trị gần 14.9 tỷ đồng.
Ban lãnh đạo không mặn mà với đợt tăng vốn?
Điểm nhận thấy khá rõ ràng trong lần “đổ đèo” của NHP là bắt nguồn từ thời điểm hơn 10 triệu cp của NHP được giao dịch trên sàn vào ngày 06/10.
Mục đích đợt chào bán thêm 10 triệu cp của NHP là nhằm huy động vốn để NHP mua cổ phiếu của CTCP Thương mại và Du lịch Kim Bôi và mua nguyên liệu phục vụ sản xuất kinh doanh của Công ty. Tuy nhiên, khi nhìn lại quá trình phát hành thì một điểm kỳ lạ là ban lãnh đạo và cổ đông sáng lập của NHP lại bán đi khá nhiều quyền mua cổ phiếu NHP.
Trước đó từ ngày 02/08 đến 17/08, ông Nghĩa đã bán đi 1 triệu cp NHP và giảm tỷ lệ sở hữu xuống còn hơn 3.2 triệu cp (18.32% vốn).
|
Trong ngày 26/08, Chủ tịch HĐQT Lê Xuân Nghĩa bán đi hơn 3.3 triệu quyền mua cp, trong tổng số hơn 4.2 triệu quyền mua sở hữu. Cùng ngày, ủy viên HĐQT Nguyễn Thị Mai Hương cũng bán đi 146,469 quyền mua trong tổng số hơn 1 triệu quyền mua sở hữu.
Ngày 30/08, ủy viên HĐQT Tào Ngọc Tuấn cũng đã bán toàn bộ 250,000 quyền mua cổ phiếu. Cùng ngày, bà Nguyễn Hiền Nga – cổ đông sáng lập (CĐSL) của NHP đã bán toàn bộ 250,000 quyền mua.
Tỷ lệ sở hữu và thay đổi quyền mua của CĐSL và HĐQT tính đến ngày 30/08/2016
|
Theo báo cáo kết quả chào bán đề ngày 13/09/2016, sau khi kết thúc đợt chào bán, tổng tỷ lệ sở hữu của CĐSL tại NHP giảm xuống còn 21.64% vốn (trước khi chào bán là 27.31% vốn).
Mới đây nhất, từ ngày 22/09 đến 22/10/2016, cá nhân Nguyễn Thị Mai Hương đã mua 600,000 cp NHP nâng tỷ lệ sở hữu lên 7.93% vốn.
Điểm đôi nét về hoạt động kinh doanh của Công ty, theo BCTC quý 3/2016 vừa được công bố, NHP đạt doanh thu thuần tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận ròng tăng nhẹ đạt hơn 1.7 tỷ đồng. Theo đó, NHP ghi nhận lãi lũy kế 9 tháng ở mức 4.3 tỷ đồng, giảm 45% so với cùng kỳ 2015 và đạt 18% kế hoạch cả năm đề ra.
Trong những quý gần đây, kết quả của NHP không mấy nổi bật. Còn nhớ thời điểm quý 1/2015, cũng chính là quý đầu tiên sau khi lên sàn HNX, NHP đã đạt lãi ròng tới gần 4.6 tỷ đồng. Tuy nhiên, từ sau đó, mức lãi ròng của NHP chỉ luôn duy trì ở trên dưới 1.5 tỷ đồng và chưa từng vượt qua mốc 2 tỷ đồng.
KQKD những quý gần đây của NHP (Đvt: Triệu đồng)
|
Một điểm khác cũng cần nhắc đến trong lịch sử lên sàn của NHP là “scandal” làm giá cổ phiếu.
Cổ phiếu NHP được niêm yết trên sàn HNX từ tháng 2/2015 với 12.5 triệu cp. Ngay khi chào sàn, giá cp được đẩy lên mức giá hơn 29,800 đồng/cp sau hơn 2 tháng giao dịch. Tuy nhiên, sau đó NHP cũng rơi vào chuỗi ngày lao dốc khi trực tiếp rơi xuống mức giá 13,900 đồng/cp trong phiên ngày 29/06/2015. Điều này khiến những nhà đầu tư từng chạy theo cơn sóng tăng giá của NHP không khỏi bàng hoàng khi tiền đầu tư bị bốc hơi mạnh.
Và phải đến tháng 2/2016, bức màn bí ẩn cũng được hé lộ khi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) thông báo phạt hành chính đối với cá nhân Trịnh Công Sơn 550 triệu đồng vì lý do thao túng giá cổ phiếu NHP trong thời gian từ ngày 11/03 đến ngày 31/07/2015 (cá nhân đã dùng 13 tài khoản để giao dịch cổ phiếu NHP).
NHP được thành lập từ năm 2013 với 4 cổ đông sáng lập có vốn điều lệ 25 tỷ đồng. Công ty hoạt động trong lĩnh vực chính là sản xuất sản phầm từ plastic, kinh doanh các sản phẩm dệt may.
Năm 2015, chủ tịch Vũ Văn Tiền của Geleximco đã có mặt tại lần ĐHĐCĐ thường niên đầu tiên của NHP sau khi mới lên sàn HNX. Ông Tiền cho biết sẽ hợp tác với NHP để cải tiến hiệu quả hoạt động của công ty bao bì do chính ông làm chủ. Theo đó, NHP và Sapa Geleximco – Công ty thành viên của Geleximco đã thành lập một công ty chung lấy tên là CTCP Sapa NHP Việt Nam vào tháng 5/2015.
|
|