Chuyển động dòng tiền tuần 24-28/10:
Dòng tiền hoạt động mạnh ở nhóm xây dựng và bất động sản, bắt đáy hàng đầu cơ
Rất nhiều cổ phiếu thuộc nhóm bất động sản và xây dựng có dòng tiền tăng đáng kể trong tuần giao dịch qua (24-28/10). Bên cạnh đó, hoạt động bắt đáy hàng đầu cơ cũng diễn ra khá sôi động.
Trong tuần giao dịch qua, sự hứng khởi chỉ đến vào phiên cuối tuần và điều này không thể giúp thị trường thoát khỏi một tuần giao dịch khá ảm đạm cả về thanh khoản lẫn điểm số. Chỉ số VN-Index kết thúc tuần giảm 0.38% đứng tại 682.25 điểm; trong khi HNX-Index đóng cửa tuần giảm mạnh 1.38%, dừng ở 83.04 điểm. Khối lượng khớp lệnh trung bình phiên trên sàn HOSE đạt 96 triệu đơn vị/phiên giảm hơn 12% so với tuần giao dịch trước; sàn HNX đạt hơn 36 triệu cổ phiếu/phiên giảm mạnh gần 18%.
Điều đó giải thích tại sao chỉ có 41 mã trong nhóm cổ phiếu có khối lượng giao dịch bình quân trên 100,000 đơn vị/phiên tăng thanh khoản, còn lại đến 63 mã giảm. Thế nhưng không có nghĩa là không có sự đột biến trong giao dịch trong tuần qua.
Thống kê của Vietstock cho thấy, trong 41 mã tăng thanh khoản nói trên thì có đến 50% trong số này tập trung vào nhóm cổ phiếu ngành xây dựng và bất động sản. Và trong 6 mã có thanh khoản tăng trên 100% tại sàn HOSE có những cái tên nổi bật như ITA, DXG và TDH.
Đáng ngạc nhiên là kết quả kinh doanh ở các đơn vị này đều không đạt như mong đợi trong quý 3. Chẳng hạn với ITA, khối lượng giao dịch bình quân tuần qua tăng từ hơn 1.6 triệu cp/phiên để đạt gần 8.8 triệu cp/phiên, xấp xỉ mức tăng gần 446% và giá cổ phiếu cũng tăng gần 8%. ITA đã công bố BCTC hợp nhất quý 3/2016 với doanh thu thuần chỉ còn 4.6 tỷ đồng, giảm 97% so cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, giá vốn hàng bán ITA quý 3 đạt 21.6 tỷ đồng, kéo theo đó là khoản lỗ gộp gần 17 tỷ đồng. Cứu cánh ITA trong quý này chính là hoạt động tài chính khi mang về lợi nhuận hơn 34 tỷ đồng, tích cực hơn con số lỗ 18 tỷ đồng trong quý 3/2015. Kết quả là ITA ghi nhận lãi ròng hợp nhất gần 704 triệu đồng, giảm đáng kể so với mức gần 62 tỷ đồng cùng kỳ năm trước.
Với DXG, thanh khoản có tăng hơn 120% trong tuần qua, đạt trên 1 triệu đơn vị/phiên nhưng kết quả quý 3 công bố khá thất vọng với con số lỗ gần 5 tỷ đồng, lần đầu tiên báo lỗ trong gần 5 năm qua từ quý 1/2012. Tuy nhiên, trong một báo cáo của CTCK TPHCM (HCM) phát hành tuần qua thì đơn vị này đánh giá khả quan đối với cổ phiếu DXG nhờ triển vọng bán hàng tốt tại các dự án Opal Riverside (480 căn), Opal Garden (463 căn) tại quận Thủ Đức, dự án Luxcity tại quận 7 và dự án Opal Tower. Theo đó, HCM dự báo giá trị hợp đồng bán hàng trong năm 2016 từ các dự án bất động sản sẽ đạt khoảng 2,000 tỷ đồng, tăng trưởng 112%. Có thể đây là lý do mà DXG vẫn giữ được sức hấp dẫn dù quý 3 thua lỗ.
Không nằm trong nhóm tăng trưởng dòng tiền trên 100% nhưng các cổ phiếu thuộc cùng ngành với ITA, DXG như OGC, HID, NVT, ROS, IJC… cũng có thanh khoản tăng rất mạnh. Đáng chú ý là ngoài ROS với thanh khoản tăng 75%, đạt hơn 1.7 triệu đơn vị/phiên thì giá còn tăng trên 25%, đạt trên vùng 80,000 đồng/cp, ghi nhận mức cao kỷ lục kể từ khi niêm yết. Mức tăng của ROS cũng chỉ đứng sau một mã đầu cơ khác thuộc ngành bất động sản là VRC với mức tăng 30% (ứng với 5 phiên trần liên tiếp).
Trên HNX thì chỉ có 19 mã tăng dòng tiền trong tuần qua và đáng chú ý là hoạt động bắt đáy tại nhóm đầu cơ diễn ra khá mạnh mẽ. NHP và BII là minh chứng như thế khi dòng tiền ở hai mã này lần lượt tăng 420% và 127% so với tuần giao dịch trước đó trong khi giá cổ phiếu thì giảm 14% và 19%.
Với BII, phiên giao dịch tăng trần cuối tuần qua vào ngày 28/10 tạm thời là dấu chấm cho chuỗi ngày 21 phiên giảm sàn liền trước đó bất chấp ban lãnh đạo BII đã lên tiếng trần tình về việc giảm sàn này không phải vì hoạt động kinh doanh của Công ty mà do yếu tố biến động nhất thời của thị trường khi các công ty chứng khoán đồng loạt cắt giảm margin, bán mạnh đồng loạt, gây khủng hoảng tâm lý. Song, thực tế thì sau 9 tháng, BII chỉ đạt lãi ròng hơn 4 tỷ đồng sau 9 tháng, giảm 36% so với cùng kỳ năm trước và kém xa so với kế hoạch lãi 40 tỷ đồng năm 2016.
NHP cũng tương tự, hàng loạt phiên giảm sàn trước đó đưa cổ phiếu này về giao dịch dưới 6,000 đồng/cp, tương ứng giảm 65% chỉ trong 1 tháng vừa qua, mọt con số khó tưởng tượng cho một cổ phiếu từng có giá trên 21,000 đồng/cp. Tuần qua, NHP cũng đã công bố BCTC quý 3 với con số lãi hơn 1.7 tỷ đồng, xấp xỉ kết quả đã đạt được trong 6 quý gần đây nhất, vì thế khó mà nói rằng kết quả kinh doanh là nguyên nhân cổ phiếu này rơi sốc như vậy. Song, có vẻ việc giá giảm sâu đã kích hoạt dòng tiền bắt đáy ở mã này, giúp khối lượng giao dịch bình quân NHP tuần qua đạt hơn 734,000 đơn vị/phiên, tăng hơn 420% so với tuần trước đó.
Bên cạnh NHP và BII, nhiều mã đầu cơ khác như VIX, HKB, SVN, WSS… cũng có dòng tiền tăng trưởng.
Ngược lại thì tuần qua cũng có khá nhiều mã cơ bản bị rút mạnh dòng tiền như NT2, CII, VSH, DCL, TCM… trên HOSE và TEG, AAA, DBC, VGS, CVT, SCR, HUT, VCG… trên HNX.
Top 20 mã có thanh khoản tăng/giảm cao nhất sàn HOSE
Top 20 mã có thanh khoản tăng/giảm mạnh nhất trên sàn HNX
Tuần qua, khối ngoại mua ròng trên HOSE với 12.17 tỷ đồng và mua ròng trên HNX với 26.7 tỷ đồng. Trên HOSE, lực mua ròng tập trung mạnh nhất là ở HPG với 83 tỷ đồng; tiếp theo là VNM với 25 tỷ đồng, VNS với 22.2 tỷ đồng, CII với 20.5 tỷ đồng… Về phía bán ròng là các mã như BID với gần 31.2 tỷ đồng, tiếp theo là CTD với 28.7 tỷ đồng, DXG với 28 tỷ đồng... Trên sàn HNX, giá trị mua ròng mạnh của khối ngoại tập trung chủ yếu ở PVS với 25.3 tỷ đồng, HUT với 8 tỷ đồng và BVS với 4 tỷ đồng; ngược lại bán ròng chủ yếu ở HAT và VKC với 8.7 tỷ và 5.8 tỷ đồng./.
|