Hỗ trợ phát triển năng lượng tái tạo: Cơ chế giá chưa đủ hấp dẫn
Dù có chính sách yêu cầu Tập đoàn Điện lực VN (EVN) phải mua hết nguồn điện tái tạo (điện gió, điện mặt trời), nhưng cơ chế giá điện chưa đủ hấp dẫn khiến không ít doanh nghiệp nản lòng.
Điện gió Bạc Liêu - Ảnh: Lâm Thanh Liêm
|
Chính sách thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo ban hành tới gần năm nay, nhưng theo đánh giá của nhiều doanh nghiệp thì những quy định, cơ chế hỗ trợ hay yêu cầu được đưa ra vẫn rất xa rời thực tiễn.
Thực tế hiện vẫn chưa có cơ chế giá điện đủ hấp dẫn cho các nhà đầu tư tham gia vào điện tái tạo, nên dù rất quan tâm đến thị trường này nhưng không ít doanh nghiệp vẫn có tâm lý chờ đợi cơ chế giá.
Chính sách thu hút tổng lực
Tại hội thảo “Năng lượng tái tạo năm 2016” do Liên minh Năng lượng bền vững VN (VSEA) tổ chức ngày 18-11, ông Phạm Trọng Thực - vụ trưởng Vụ Năng lượng tái tạo (Tổng cục Năng lượng, Bộ Công thương) - cho biết theo yêu cầu của Chính phủ, sau năm 2018 sẽ phải có một số dự án điện mặt trời được đưa vào vận hành để bổ sung vào nguồn điện.
Nhằm thu hút các nhà đầu tư tư nhân tham gia lĩnh vực này, quyết định 2068 của Thủ tướng phê duyệt Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo của VN đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 quy định EVN phải mua tất cả các nguồn năng lượng tái tạo được doanh nghiệp sản xuất.
Ngoài ra, để khuyến khích lắp đặt hệ thống năng lượng mặt trời trên mái nhà, ông Thực cho biết quy định đưa ra cơ chế thanh toán bù trừ.
Theo đó, EVN sẽ đảm nhiệm vai trò là người mua điện theo giá Chính phủ quy định, khách hàng sẽ mua điện từ hệ thống điện quốc gia để sử dụng, sau đó được bù trừ trong thanh toán sau khi cân đối nguồn cung và nguồn điện tiêu thụ.
Theo ông Thực, quyết định 2068 cũng đặt ra yêu cầu các nhà đầu tư sử dụng nhiều nhiên liệu hóa thạch phải có trách nhiệm phát triển năng lượng tái tạo. Đơn cử như cứ phát triển 1.000 MW điện than thì phải có 30 MW nguồn điện tái tạo, trên cơ sở có chế tài ràng buộc, yêu cầu các doanh nghiệp phải đầu tư.
Doanh nghiệp vẫn dè dặt đầu tư
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Diệp Bảo Cánh - chủ tịch HĐQT Công ty Mặt Trời Đỏ - cho biết hiện doanh nghiệp này đang triển khai một dự án điện mặt trời ở tỉnh Bình Thuận có công suất 24 MW.
Theo ông Cánh: “Dù có yêu cầu EVN phải mua điện của các dự án năng lượng tái tạo, nhưng hiện nay giá điện chưa đủ hấp dẫn nên chúng tôi chưa triển khai đầu tư để chờ cơ chế giá điện”.
Ông Đặng Đình Thống, phó viện trưởng Viện Năng lượng sạch VN, cũng cho biết hoạt động khảo sát, tìm kiếm địa điểm của các nhà đầu tư vào lĩnh vực năng lượng gió, năng lượng mặt trời hiện nay đang rất sôi động.
Tuy nhiên, tâm lý của hầu hết các nhà đầu tư là chờ đợi cơ chế giá điện nên đến nay có rất ít các dự án năng lượng tái tạo bán điện cho EVN.
Với điện gió, hiện có tới 46 dự án đầu tư nhưng mới chỉ có 2 dự án bán điện cho EVN. Trong khi đó, điện mặt trời vẫn chưa có dự án nào phát điện lên lưới.
Ông Thống cho rằng chính sách phát triển năng lượng tái tạo hiện mới chỉ được xây dựng ở từng khu vực và một số lĩnh vực như điện gió, nên chưa tạo ra được hành lang pháp lý đồng bộ thu hút doanh nghiệp tham gia.
Sẽ có quỹ phát triển năng lượng tái tạo
Ông Phạm Trọng Thực cho biết để giải quyết bài toán về giá, giảm áp lực tăng giá điện, trong thời gian tới sẽ thành lập quỹ phát triển năng lượng tái tạo.
Chưa có mô hình cụ thể về quỹ này, nhưng đại diện Bộ Công thương thông tin nguồn quỹ này sẽ lấy một phần từ ngân sách; chi phí môi trường mà các doanh nghiệp điện sử dụng nhiên liệu hóa thạch đóng góp và các nguồn huy động khác.
Tuy nhiên, theo ông Ngô Đức Lâm - chuyên gia điện, việc xây dựng quỹ phát triển năng lượng tái tạo cần phải nghiên cứu kỹ lưỡng về cách thức tổ chức, quản lý và mô hình vận hành.
Dẫn chứng một số quỹ như bình ổn giá xăng dầu cũng được đánh giá là không mang lại hiệu quả, hoặc quỹ cho giá điện xây dựng theo Luật điện lực nhưng cũng không thực hiện, không rõ ai đóng, ai quản lý và hưởng lợi từ các quỹ này.
|
http://tuoitre.vn/tin/chinh-tri-xa-hoi/20161119/ho-tro-phat-trien-nang-luong-tai-tao-co-che-gia-chua-du-hap-dan/1221958.html
|