Donald Trump với Hillary Clinton: Ai tốt hơn cho thị trường châu Á?
Hãy gọi đó là hiệu ứng Brexit. Các nhà đầu tư và nhà giao dịch ở châu Á hoàn toàn bị bất ngờ hồi tháng 6/2016 khi Anh bỏ phiếu rời khỏi Liên minh châu Âu (EU). Khi đó, hầu hết các cổ phiếu đã được định giá theo kịch bản rằng nước Anh sẽ bỏ phiếu để ở lại EU. Khi điều ngược lại xảy ra, các cổ phiếu đều giảm giá và tâm lý nhà đầu tư trở nên xấu đi.
Tình hình lần này còn bất ổn hơn.
Là nhà nghiên cứu thị trường chứng khoán, Nomura diễn tả "cuộc bầu cử đã trở thành thị trường của những điều “được biết - chưa biết” mà thị trường phải đối phó kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu (vượt xa cả việc bỏ phiếu Brexit, trước cuộc bầu cử Mỹ, nhiều cuộc bầu cử ở châu Âu, cuộc tranh luận nợ trần của Mỹ, cuộc họp OPEC hoặc thậm chí quyết định của Fed)".
Brexit đã chứng minh rằng sự tự mãn có thể phải trả giá đắt, và nếu có bất cứ điều gì xảy ra trong năm 2016 cũng cho chúng ta thấy đừng bao giờ cho rằng những điều không thể thì luôn không thể.
Tổng thống Clinton hay Tổng thống Trump?
Thương mại:
Khi nói đến thương mại, châu Á dường như thích bà Clinton hơn khi bà được xem là một trường hợp "ma quen hơn quỷ lạ" (nghĩa là tình hình hiện tại có khó chịu thì cũng còn tốt hơn là thay đổi vì biết đâu thay đổi xong còn tệ hơn).
Cả hai ứng cử viên đều cho biết họ sẽ không thông qua Hiệp định TPP đang được ủng hộ bởi Tổng thống Obama, nhưng một số phương tiện truyền thông Mỹ tường thuật rằng nếu được bầu thì bà Clinton có thể sẵn sàng hỗ trợ TPP theo một hình thức khác. Các nền kinh tế châu Á như Malaysia và Việt Nam được hưởng lợi nhiều nhất nếu TPP được phê duyệt.
Trong khi đó, một nhiệm kỳ tổng thống của ông Trump đang được xem là một việc không mấy tốt đẹp đối với triển vọng thương mại của châu Á. Kịch bản nhiều khả năng nhất, theo công ty nghiên cứu Capital Economics, là sử dụng "mối đe dọa của thuế như là đòn bẩy trong đàm phán".
Ông Trump đã từng nói ông sẽ tăng mức thuế nhập khẩu lên 45% trên tất cả mặt hàng nhập vào Mỹ từ Trung Quốc. Capital Economics nhận định điều này sẽ làm tổn thương ngành điện tử của Trung Quốc vốn chiếm 50% tổng kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ.
Thị thực và nhập cư:
Khi nói đến di trú và thị thực, châu Á một lần nữa lại chọn bà Clinton.
Capital Economics cho biết nếu ông Trump được bầu làm tổng thống thì kế hoạch sau đó của ông là "trừng phạt các công ty Mỹ gia công ở nước ngoài". Điều này sẽ làm tổn thương nền kinh tế các nước như Philippines và Ấn Độ.
Cả hai quốc gia có ngành công nghiệp gia công phần mềm lớn dựa vào các công ty Mỹ, có thể tiếp tục thuê hàng triệu người Philippines và người Ấn Độ. Những người này nhận thấy cuộc sống của họ đã được cải thiện nhờ tiền lương tăng lên trong lĩnh vực gia công phần mềm.
Ông Trump cũng đã cảnh báo về việc cấm người nhập cư từ các nước là "minh chứng lịch sử của chủ nghĩa khủng bố chống Mỹ hoặc các đồng minh" như Ấn Độ, Philippines và có thể là Indonesia.
Ảnh hưởng lên cổ phiếu và tiền tệ:
Các cổ phiếu ở thị trường Châu Á giảm mạnh trong tuần trước khi có tin rằng khoảng cách giữa ông Trump và bà Clinton đã thu hẹp bởi vì ông Trump sẽ tạo biến động cho thị trường chứng khoán và tiền tệ.
Ngược lại, một nhiệm kỳ tổng thống của bà Clinton được xem là tích cực cho thị trường. Sau khi FBI giữ nguyên kết luận về việc dùng email cá nhân của bà Clinton, cổ phiếu châu Á và đồng USD đều tăng.
Xu hướng dài hạn và chu kỳ là quan trọng hơn nhiều, chẳng hạn như những chính sách kinh tế, tổng thống mới sẽ hậu thuẫn để hỗ trợ kinh tế Mỹ tăng trưởng. Nếu Mỹ tiếp tục tăng trưởng thì có thể giúp nhu cầu tăng trên toàn cầu và kéo theo tăng trưởng.
Tuy nhiên, nếu Mỹ muốn bảo hộ nền kinh tế của mình nhiều hơn thì sẽ khiến các nhà xuất khẩu châu Á tìm kiếm thị trường mới và các đối tác thương mại mới./.
|