Diễn biến mới về Brexit: Tránh hạ cánh cứng
Phán quyết của ba thẩm phán Tòa thượng thẩm London về việc Chính phủ Anh phải nhận được sự đồng ý của nghị viện trước khi kích hoạt tiến trình đàm phán đưa nước Anh ra khỏi EU (Brexit) không phải là để đảo ngược Brexit mà mục đích chính có thể là để tránh một “Brexit cứng” tai hại cho nước Anh.
Những người phản đối Brexit ngay từ những ngày đầu tiên đã ngay lập tức nghĩ đến một kịch bản “trong mơ”: Brexit sẽ bị trì hoãn, thậm chí bị hủy bỏ; tức là kết quả của cuộc trưng cầu dân ý làm chấn động châu Âu hồi tháng 6 sẽ bị vứt bỏ và Anh sẽ tiếp tục ở lại trong Liên hiệp châu Âu - EU.
Tuy nhiên, đó là một kịch bản không khả thi. 52% cử tri, tức hơn 17,4 triệu người Anh, đã bỏ phiếu lựa chọn Brexit thông qua một hình thức dân chủ tối cao là trưng cầu dân ý và dù có thất vọng đến mấy, các nghị sĩ Anh - những người đa số phản đối Brexit - cũng khó có thể đi ngược lại ý nguyện của dân chúng trong một nền dân chủ lâu đời bậc nhất thế giới như Vương quốc Anh.
Vậy thì điều gì thực sự ẩn sau quyết định của Tòa thượng thẩm London về việc Nghị viện Westminster chứ không phải số 10 phố Downing mới là nơi có tiếng nói quyết định đối với việc kích hoạt điều 50 của Hiệp ước Lisbon để Vương quốc Anh rời khỏi Liên hiệp châu Âu?
Trước hết, đó là một cuộc chiến giữa các nhánh quyền lực của Vương quốc Anh. Bên tư pháp và lập pháp cho rằng trong cơ cấu chính trị của Anh từ bao năm qua, quyền lực tối cao thuộc về nghị viện và chỉ có Nghị viện Anh mới có quyền lực hủy bỏ hiệu lực của một điều luật mà chính thiết chế này đưa ra năm 1972: luật về việc nước Anh gia nhập Cộng đồng kinh tế chung châu Âu - tiền thân của EU.
Chính phủ Anh của bà Theresa May dĩ nhiên phản đối điều này với lập luận rằng Chính phủ Anh đang thực thi “đặc quyền hoàng gia”, tức là thay mặt Hoàng gia Anh thực thi quyền lực hành pháp. Tuy nhiên, các thẩm phán London bác bỏ điều này và phán quyết cuối cùng sẽ được đưa ra vào tháng 12 tới sau khi Tòa án Tối cao xem xét khiếu nại của Chính phủ Anh.
Về mặt hình thức, đây có thể xem như là một cuộc chiến hiến pháp giữa chính phủ và nghị viện nhưng về mặt chính trị, đó được xem như là “đòn dằn mặt” của phe lập pháp đối với tân chính phủ và cá nhân nữ Thủ tướng Theresa May. Có hai điều cần lưu ý trong cuộc chiến này. Thứ nhất, trong toàn bộ tiến trình Brexit từ tháng 6-2016 đến nay, vai trò của Nghị viện Anh gần như bị đặt sang một bên. Mọi quyết định quan trọng, từ việc đồng ý tổ chức trưng cầu dân ý, công nhận kết quả và từng bước tiến hành thủ tục Brexit đều do Chính phủ Anh, từ thời ông David Cameron qua bà Theresa May, tiến hành. Việc các thẩm phán Tòa thượng thẩm London ra phán quyết có lợi cho phía nghị viện được xem là nỗ lực của phe tư pháp và lập pháp nhằm giành lại một phần quyền lực để có thể tác động đến một trong những diễn biến chính trị trọng đại nhất trong lịch sử cận đại của Vương quốc Anh. Thứ hai, đa số các thành viên của Nghị viện Anh là những người phản đối Brexit và việc họ “ngáng đường” Chính phủ Anh trong việc kích hoạt Brexit được xem là một phản ứng logic nhằm tránh một “Brexit cứng” tai hại cho nước Anh.
Đọc tiếp tại đây..
|