Thứ Sáu, 25/11/2016 16:41

ĐHĐCĐ EFI: Nóng việc giảm vốn và chia tách thành 2 công ty

Sáng ngày 25/11, CTCP Đầu tư Tài chính Giáo dục (HNX: EFI) đã tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2016, trong đó điểm nhấn xoay quanh đề án tái cấu trúc Công ty bằng việc giảm vốn và chia tách thành 2 công ty độc lập. Đồng thời, cổ đông Công ty cũng thông qua các vấn đề còn tồn đọng từ năm 2014.

* Sau tất cả, cuộc chiến tại EFI đã ngã ngũ?

ĐHĐCĐ thường niên 2016 của EFI sáng ngày 25/11

Đại hội có sự tham gia của các cổ đông đại diện và được ủy quyền cho hơn 7.6 triệu cp có quyền biểu quyết, tương đương 70.12% số cổ phần có quyền biểu quyết.

Tách EFI thành 2 công ty độc lập

Tại đại hội, ban lãnh đạo của EFI đã trình lên đề án tái cấu trúc Công ty với đơn vị tư vấn là CTCK Phố Wall. Theo phương án này, EFI sẽ thực hiện giảm vốn điều lệ từ mức gần 134.3 tỷ đồng xuống còn 108.8 tỷ đồng bằng cách hủy toàn bộ cổ phiếu quỹ mà Công ty đang sở hữu (hơn 2.5 triệu cp, tương đương 18.9% vốn).

Sau khi hoàn tất việc giảm vốn, EFI sẽ được chia tách thành 2 đơn vị độc lập, trong đó một đơn vị vẫn giữ nguyên tên là CTCP Đầu tư Tài chính Giáo dục và thành lập 1 công ty mới mang tên CTCP Học liệu Giáo dục Nhà Trường Việt Nam.

CTCP Học liệu Giáo dục Nhà Trường Việt Nam sẽ hoạt động trong lĩnh vực liên kết biên soạn, biên tập, dịch thuật, phát hành sách giáo khao, các hoạt động liên quan đến xu hướng phát triển của ngành giáo dục và đào tạo.

Theo ban lãnh đạo, việc chia tách EFI thành 2 đơn vị nhằm chuyên môn hóa hoạt động của các đơn vị, tận dụng được tài sản và tình hình hình tài chính của Công ty. Được biết, trong cơ cấu tài chính của EFI, tài sản ngắn hạn chiếm 55% tổng tài sản của Công ty, tập trung chủ yếu ở khoản tiền, tương đương tiền và các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn hơn 80 tỷ đồng (chiếm 48% tổng tài sản). Với lượng tiền nhàn rỗi tương đối lớn, ban lãnh đạo EFI dự kiến sẽ ưu tiên chuyển sang cho Công ty mới sau khi thực hiện chia tách. Song, tổng tài sản tách sẽ không vượt quá 60 tỷ đồng.

Cũng theo đề án tái cấu trúc, EFI sẽ thực hiện hủy việc đăng ký chứng khoán tại Trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam, hủy niêm yết cổ phiếu trên HNX và sẽ niêm yết trở lại sau khi chia tách xong. Dự kiến việc chia tách doanh nghiệp sẽ được thực hiện sau khi được ĐHĐCĐ thông qua từ quý 4/2016.

Liên quan đến đề án tái cấu trúc, cổ đông đã có những chất vấn ban lãnh đạo về tính pháp lý của đề án và quyền lợi của cổ đông khi thực hiện chia tách 2 công ty, cùng vấn đề về quy mô, hoạt động và dự định kế hoạch của công ty mới được thành lập.

Đồng thời, một cổ đông tại đại hội cũng đã thể hiện ý kiến không tán thành việc chia tách, theo ý kiến cổ đông này, việc chia tách mặc dù cổ đông sẽ sở hữu tại 2 công ty, tuy nhiên đây lại không phải là mong muốn cổ đông khi đầu tư vào một công ty mới chưa rõ ràng. Theo đó cổ đông đề xuất việc thành lập dưới dạng công ty góp vốn khác và vẫn giữ nguyên EFI.

Trả lời chất vấn của cổ đông, đại diện CTCK Phố Wall - đơn vị tư vấn đề án tái cấu trúc cho EFI cho biết, sau khi chia tách, cơ cấu cổ đông của 2 doanh nghiệp là như nhau và tỷ lệ sở hữu của cổ đông tại 2 doanh nghiệp sẽ vẫn giữ nguyên. Đại diện CTCK Phố Wall cũng cho biết vốn điều lệ của hai công ty sau khi chia tách dự kiến lần lượt sẽ ở mức 60 tỷ và hơn 58 tỷ đồng. Về kế hoạch trong tương lai, về việc niêm yết và hoạt động đối với Công ty mới - CTCP Học liệu Giáo dục Nhà Trường Việt Nam, vẫn để ngỏ.

Kế hoạch 2016 lãi trước thuế 5.5 tỷ đồng, chuyển nhượng BĐS tại Đà Nẵng

Bên cạnh đề án tái cấu trúc, HĐQT cũng trình lên một số vấn đề tồn đọng từ năm 2014 bao gồm báo cáo kiểm toán năm 2014, phương án phân phối lợi nhuận năm 2014, báo cáo thường niên và các vấn đề về hoạt động kinh doanh, đặc biệt là việc chuyển nhượng bất động sản, thoái vốn tại các dự án.

Về vấn đề chuyển nhượng dự án, cổ đông đặt câu hỏi liên quan đến việc chuyển nhượng dự án 187 Giảng Võ (dự án Giảng Võ) về lợi nhuận, đối tác và phương án sử dụng tiền thu về. Đồng thời, cổ đông cũng hỏi về việc chuyển nhượng liên quan đến các bất động sản ở Đà Nẵng và dự án Apec Tower.

Giải đáp cổ đông, đoàn chủ tọa cho biết, dự án Giảng Võ được EFI đầu tư 13.5 tỷ từ năm 2008 và trong quý 2/2015 đã hoàn tất chuyển nhượng với giá gần 16 tỷ đồng, theo đó Công ty có khoản lợi nhuận gần 2.6 tỷ đồng.

Đối với dự án Apec Tower, EFI đầu tư 41 tỷ đồng và sở hữu 4 sàn tại dự án, tuy nhiên hiện nay dự án vẫn bế tắc vì dừng thi công từ năm 2012, do đó Công ty sẽ vẫn phải tiếp tục chờ đợi từ các bên liên quan.

Còn các bất động sản tại Đà Nẵng, khi chuyển nhượng, ban lãnh đạo kỳ vọng có thể thu về một phần nhỏ lợi nhuận nhờ thị trường địa ốc Đà Nẵng đang hồi phục. Tại Đà Nẵng, EFI đang có 3 khu đất ở các vị trí 256-258 Phan Chu Trinh, Đà Nẵng; số 02 Khu tái định cư Nguyễn Văn Linh, Đà Nẵng và Lô E5 thuộc khu phức hợp đô thị, thương mại dịch vụ Royal Era 1.

Về kế hoạch kinh doanh trong năm 2016, EFI đặt mục tiêu tổng doanh thu 24 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 5.5 tỷ đồng.

Theo kết quả mới nhất 9 tháng đầu năm 2016, EFI đạt tổng doanh thu gần 14.6 tỷ đồng, tương đương 61% kế hoạch năm. Lợi nhuận trước thuế 9 tháng ở mức hơn 2 tỷ đồng, đạt 36% chỉ tiêu đề ra.

Đề cập đến vấn đề phân phối lợi nhuận trong 2 năm 2014 và 2015, một cổ đông đã có ý kiến về việc Công ty chậm trễ, thiếu sót trong việc đưa ra phương án phân phối lợi nhuận các năm và việc thông qua tại đại hội này chỉ còn mang tính hình thức. Bên cạnh đó, cổ đông cũng bức xúc về tình trạng cổ phiếu bị tạm ngừng giao dịch và yêu cầu ban lãnh đạo sớm giải quyết vấn đề.

Giải đáp thắc mắc của cổ đông, Bà Nguyễn Thị Hồng Điệp - Chủ tịch HĐQT của EFI cho biết, việc xây dựng phương án phân phối lợi nhuận và các báo cáo của Công ty vẫn được ban giám đốc tiến hành, tuy nhiên do những bất đồng từ trong nội bộ HĐQT khiến Công ty không thể công bố, dẫn đến hệ lụy cổ phiếu bị ngừng giao dịch. Hiện nay, vấn đề của HĐQT đã được giải quyết do đó Công ty sẽ thực hiện lại theo đúng quy định.

Cuối cùng, đại hội đã thông qua tất cả các tờ trình./.

Các tin tức khác

>   HND: Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước - Công ty TNHH - người có liên quan đến Ủy viên HĐQT - đăng ký bán 45,000,000 CP (25/11/2016)

>   NLG: Nghị quyết HĐQT về việc sửa đổi, bổ sung quy chế Quản trị công ty (25/11/2016)

>   FCN: Chính thức thu phí BOT Phủ Lý (25/11/2016)

>   PNJ: Nghị quyết HĐQT số 1734/2016 ngày 23/11/2016 (25/11/2016)

>   FDC: Thay đổi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần 32 (25/11/2016)

>   S99: Nghị quyết HĐQT (25/11/2016)

>   TVN: Nghị quyết HĐQT v/v bán bớt phần vốn tại CTCP Trúc Thôn (25/11/2016)

>   VDSC: Nghị quyết HĐQT về việc thông qua phát hành trái phiếu doanh nghiệp lần 4 năm 2016 (25/11/2016)

>   TGP: Ký hợp đồng kiểm toán (25/11/2016)

>   SGN: Nghị quyết HĐQT (25/11/2016)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật