Thứ Năm, 17/11/2016 15:43

Dân có thể gửi đất đai vào ngân hàng như gửi tiền?

Ngân hàng đất đai cũng có những điểm tương tự như ngân hàng tài chính.

Tại diễn đàn Quốc hội, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà cho biết bộ này đang phối hợp với các cơ quan chức năng xem xét phương án thành lập một ngân hàng về quỹ đất.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Đức Kiên là một trong những người ủng hộ đề xuất này. Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Kiên nhấn mạnh: “Việc thành lập ngân hàng đất đai (hay ngân hàng quỹ đất) để cho các doanh nghiệp (DN), nông dân thuê lại có thể sẽ thúc đẩy sản xuất lớn phát triển”.

Dân có thể gửi đất vào ngân hàng

. Phóng viên: Theo ông, việc thành lập ngân hàng quỹ đất liệu có góp phần thúc đẩy kinh tế, nhất là nông nghiệp phát triển?

+ Ông Nguyễn Đức Kiên: Nông nghiệp phải phát triển theo hướng tăng giá trị và giảm chi phí đầu vào. Muốn làm được như vậy, bên cạnh nhiều giải pháp về chất lượng nhân lực, khoa học công nghệ… thì cần phải có một cơ chế chính sách đất đai hợp lý để nông dân, DN tích tụ ruộng đất; bảo hộ quyền sử dụng đất đai mạnh mẽ nhất cho nông dân, DN. Trong đó việc thúc đẩy hình thành ngân hàng đất đai là một trong các giải pháp.

. Như ông từng phát biểu, đất đai của ta hiện vẫn manh mún, nhỏ lẻ. Vậy khi thành lập ngân hàng đất đai có thể giải quyết được vấn đề này?

+ Thực tế hiện nay, ở nhiều nơi thuộc miền Bắc và miền Tây Nam Bộ chỉ còn người già và trẻ con còn lao động trong khu vực nông nghiệp. Nên việc thành lập ngân hàng đất đai để cho các DN, nông dân thuê lại có thể sẽ thúc đẩy sản xuất lớn phát triển.

Xin được dẫn chứng: Ở huyện An Lão của Hải Phòng có DN thuê đất trồng ớt xuất khẩu với diện tích đất tối thiểu là 30 ha. DN này thuê luôn nông dân với tiền công thuê 100.000 đồng/ngày. Đến mùa thu hoạch thì tiền công thuê có thể lên tới 150.000 đồng/ngày. Nếu tính chi li ra, nông dân có thể thu nhập 3,8-4,5 triệu đồng/tháng. Như vậy bảo đảm được việc nông dân “ly nông nhưng không ly hương”. Đồng thời cũng cho phép đưa tư duy sản xuất lớn, sản xuất công nghiệp vào nông nghiệp để đảm bảo rằng: Tái cơ cấu nông nghiệp có thể thành công.

. Vậy ngân hàng đất đai có hoạt động giống với mô hình ngân hàng thông thường hiện nay không, thưa ông?

+ Ngân hàng đất đai cũng có những điểm tương tự như ngân hàng tài chính hiện nay. Người dân có thể gửi đất của mình vào đó và có thể rút ra được. Tuy nhiên, điểm khác biệt là khi rút đất của mình ra thì người dân có thể sẽ không rút ra được chính mảnh đất cụ thể mà mình đã gửi vào, mà phải rút mảnh đất ở chỗ khác với cùng diện tích...

Bởi vì khi anh gửi đất đai vào ngân hàng, sau đó có người khác “vay” thì các mảnh đất sẽ liền một thửa. Người ta không thể lấy một mảnh ở giữa khu đất đó để trả cho anh. Tức là sẽ có những quy định đặc thù và cụ thể cho việc gửi đất vào ngân hàng này.

Có chính sách hợp lý về đất đai sẽ thúc đẩy sản xuất hàng hóa phát triển. Trong ảnh: Thu hoạch lúa tại một cánh đồng mẫu lớn ở Hậu Giang. Ảnh: GIA TUỆ

Lợi cho cả dân lẫn DN

. Người dân và DN sẽ được lợi gì khi có ngân hàng đất đai, thưa ông?

+ Trước hết, người dân sẽ không đứng trước nguy cơ bị thu hồi đất. Bởi theo Điều 53 của Hiến pháp thì đất đai là sở hữu toàn dân. Khi đất đai được giao cho một cá nhân mà cá nhân đó không sử dụng, để hoang hóa thì mảnh đất đó, khu đất đó có thể bị thu hồi để giao cho người khác.

Bên cạnh đó, người dân có điều kiện trở thành công nhân nông nghiệp ngay trên mảnh đất của mình với thu nhập cao hơn. Đối với các DN, họ sẽ không phải bỏ ra một lượng tiền rất lớn để bồi thường, giải phóng mặt bằng như bây giờ nữa. Và như vậy đó là một hình thức tái hỗ trợ cho các DN đầu tư vào nông nghiệp.

. Đất đai có thời hạn giao, vậy khi gửi mảnh đất vào ngân hàng, rồi hết thời hạn thì tính làm sao?

+ Lúc đó chúng ta sẽ tuân theo các quy định của Luật Đất đai.

. cơ quan nào sẽ quản lý ngân hàng đất đai này, thưa ông?

+ Đó là việc của Chính phủ. Nếu muốn xây dựng công nghiệp hóa nông nghiệp, nông dân và nông thôn thì Chính phủ phải giao cho các bộ, ngành liên quan tính toán, xây dựng phương án cụ thể.

. Xin cám ơn ông.

Bộ trưởng Bộ TN&MT TRẦN HỒNG HÀ:

Gửi đất hoang hóa vào ngân hàng

Đất đai là tài nguyên quý giá của đất nước, sử dụng hiệu quả đất đai là yêu cầu cấp bách.

Để làm được điều đó, Bộ TN&MT, Bộ NN&PTNT đã có kế hoạch trao đổi để có phương án giải quyết từ khâu chính sách, thể chế về đất đai. Chúng tôi cũng đang đề xuất xem xét phương án thành lập một ngân hàng quỹ đất, trên cơ sở đó tạo niềm tin cho người dân. Ngân hàng này do Nhà nước đứng ra quản lý. Theo đó, các hộ chưa có nhu cầu sử dụng hoặc đất đang hoang hóa thì gửi vào ngân hàng này. Các vấn đề trên sẽ được chúng tôi trình Chính phủ trong một đề án cụ thể.

Đại biểu Quốc hội NGUYỄN TUẤN ANH (Bình Phước):

Tôi ủng hộ lập ngân hàng quỹ đất

Hiện nay đang có rất nhiều yếu tố cản trở DN đầu tư vào nông nghiệp cũng như thiết lập các mối liên kết thị trường bền vững với nông dân. Đó là các cản trở về đất đai, về thủ tục tiếp cận, thiếu các khuyến khích đầu tư, ứng dụng công nghệ phù hợp.

Do vậy tôi tâm đắc với ý kiến phát biểu của bộ trưởng Bộ NN&PTNT tại diễn đàn Quốc hội, đó là đã đến lúc phải sửa đổi những nút thắt quy định tại Điều 129 của Luật Đất đai. Tôi cũng đồng tình và ủng hộ quan điểm của bộ trưởng Bộ TN&MT rằng cần thành lập một ngân hàng quỹ đất. Làm như vậy để những người chưa có nhu cầu sử dụng có thể gửi vào đây và những nông dân hay DN có nhu cầu làm ăn lớn có thể thuê đất sử dụng lâu dài, ổn định.

http://plo.vn/kinh-te/dan-co-the-gui-dat-dai-vao-ngan-hang-nhu-gui-tien-665707.html

Các tin tức khác

>   TPHCM bắt đầu xây nhà ga ngầm Bến Thành (17/11/2016)

>   Hà Nội: Điều chỉnh cục bộ quy hoạch phân khu đô thị khu vực Hồ Tây và phụ cận (17/11/2016)

>   TPHCM: Sẽ cân đối gần 10 tỷ USD cho phát triển nhà đất giai đoạn 2016 - 2020 (17/11/2016)

>   Hà Nội: Không được đặt trụ sở, văn phòng kinh doanh tại chung cư (17/11/2016)

>   TPHCM: 40 dự án ghi nợ gần 2,000 tỷ đồng tiền đất (16/11/2016)

>   9 tỉnh miền Bắc đẩy lùi khai thác cát trái phép (16/11/2016)

>   Hà Nội: Sẽ thu hồi đất ngoài chỉ giới (16/11/2016)

>   Gia hạn dự án Phát triển giao thông đô thị TP Hải Phòng đến tháng 8/2018 (16/11/2016)

>   TPHCM: Đề xuất các khu vực cần điều chỉnh quy hoạch (16/11/2016)

>   Huế Green City: Chính thức mở bán - khuyến mại vàng (16/11/2016)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật