Các rào cản khi cho phá sản DNNN
Trong kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2010 của Chính phủ có nêu một nội dung liên quan đến xem xét thực hiện phá sản doanh nghiệp nhà nước (DNNN) theo Luật Phá sản. Thông thường, giải pháp phá sản được coi là sự lựa chọn cuối cùng sau nỗ lực tái cơ cấu doanh nghiệp không thành công của các bên liên quan. Tuy nhiên, đối với DNNN ở nước ta, câu chuyện này có vẻ không đơn giản.
Từ năm 1993, Luật Phá sản doanh nghiệp đầu tiên đã quy định việc phá sản đối với doanh nghiệp thuộc mọi hình thức sở hữu, trong đó có DNNN. Luật DNNN được ban hành sau đó vào năm 1995 cũng tạo cho DNNN và các chủ nợ của nó khả năng này. Từ góc độ pháp lý và quản trị doanh nghiệp, đó là một hiện tượng có tính đột phá ở Việt Nam, bởi ở hầu hết các nước, người ta quan niệm DNNN là một bộ phận của nhà nước nói chung, do đó nó không thể phá sản như doanh nghiệp tư nhân. Nếu DNNN đi vay nợ mà không trả được thì nhà nước phải trả thay, đồng thời DNNN cũng thường được hưởng các quyền miễn trừ tố tụng nhất định tương tự như cơ quan nhà nước. Bởi vậy, các ngân hàng thường khá yên tâm khi cấp khoản vay cho DNNN.
Nhưng có lẽ cũng chính vì nhận thức được thông lệ trên, các nhà lập chính sách đã chủ trương cho DNNN có tư cách pháp nhân độc lập và có thể phá sản. Đơn giản là số lượng DNNN ở Việt Nam quá nhiều, do đó, nếu DNNN vay nợ nhiều và thua lỗ tràn lan dẫn đến quy trách nhiệm cả cho Nhà nước thì ngân sách sẽ có nguy cơ “phá sản” theo. Tiếp cận này từ góc độ chính sách có vẻ đúng, tuy nhiên, tại sao cho tới nay, sau 23 năm các DNNN về cơ bản trên thực tế vẫn không được, không bị hay không thể phá sản?
Rào cản từ cả ba phía
Có thể nêu ra một loạt lý do và vấn đề như sau:
Thứ nhất, khi tiến hành thủ tục phá sản DNNN, sẽ phải công khai, minh bạch hóa toàn bộ vấn đề thua lỗ, nợ nần và trách nhiệm có liên quan tại doanh nghiệp. Việc làm này chắc chắn không ai trong bộ máy lãnh đạo của doanh nghiệp muốn cả, do đó, mặc dù Luật Phá sản tạo cơ hội để giải thoát nợ nần bằng thủ tục phá sản thì cho đến nay không có DNNN nào tự nộp đơn lên tòa xin phá sản.
Điều không bình thường là các rào cản để thực hiện phá sản DNNN lại được dựng lên từ cả ba phía: cán bộ phụ trách quản lý doanh nghiệp, cơ quan nhà nước là đại diện chủ sở hữu doanh nghiệp và cả bản thân các chủ nợ.
|
Thứ hai, các khoản vay của DNNN thường gắn với trách nhiệm quản lý của các cơ quan nhà nước chủ quản, do đó, việc giải trình tình trạng thua lỗ có thể dẫn đến trách nhiệm liên đới của các cán bộ quản lý nhà nước cấp trên. DNNN có trách nhiệm thường xuyên báo cáo và xin chỉ đạo, phê chuẩn của cơ quan chủ quản, do đó, ngay cả khi giả thiết rằng lãnh đạo doanh nghiệp báo cáo về tình trạng thua lỗ, mất khả năng thanh toán thì cũng khó có thể được cơ quan cấp trên chấp nhận cho phá sản.
Thứ ba, có tình trạng vô trách nhiệm và tham nhũng ở cấp quản lý của nhiều DNNN, làm cho việc thực hiện phá sản theo thủ tục dân sự có thể dẫn đến khởi tố hình sự. Thực tiễn vừa qua đã cho thấy điều này, một khi các cán bộ quản lý DNNN bị điều tra và khởi tố hình sự, mọi quá trình xử lý nợ nần theo thủ tục dân sự sẽ bị đình lại và quá trình này có thể kéo dài một cách không lường định trước được.
Thứ tư, các DNNN vay nợ ngân hàng là chủ yếu, nếu cho DNNN phá sản dẫn đến nhiều ngân hàng sẽ bị mất vốn lớn và có khả năng bị mất thanh khoản. Chưa nói tới trường hợp các khoản vay “dưới chuẩn”, tức phi hiệu quả do có sự đồng lõa của cán bộ thẩm định, lãnh đạo của ngân hàng có thể bị truy cứu do liên đới trách nhiệm. Theo đánh giá của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), các khoản vay của DNNN rất lớn, tới 1,5 triệu tỉ đồng, trong đó phần lớn là nợ ngân hàng. Một khi doanh nghiệp phá sản, nhiều khoản vay kia sẽ mất, vậy nên hầu như chưa có chủ nợ nào là ngân hàng sẵn sàng khởi kiện yêu cầu phá sản con nợ là DNNN cả.
Thứ năm, đối với những tập đoàn kinh tế nhà nước lớn có vay nợ nước ngoài được Chính phủ bảo lãnh, nếu phá sản, ngân sách nhà nước ngay lập tức phải được sử dụng để trả nợ thay, dẫn đến nguy cơ thâm hụt và mất cân đối. Theo thống kê của Bộ Tài chính, đến cuối năm 2015, tổng số nợ của DNNN được Chính phủ bảo lãnh lên đến 21 tỉ đô la Mỹ, trong đó phần lớn là bảo lãnh cho các khoản vay nước ngoài. Mặc dù về nguyên tắc, chỉ cần doanh nghiệp không trả được nợ thì theo cam kết Chính phủ phải đứng ra thanh toán, tuy nhiên, nếu bị tuyên bố phá sản thì các cơ hội để doanh nghiệp đàm phán tái cơ cấu và trì hoãn trả nợ sẽ không còn được bên cho vay chấp nhận.
Thứ sáu, một số tập đoàn kinh tế nhà nước đang thực hiện các nhiệm vụ chính trị quan trọng, hoặc cung cấp sản phẩm, dịch vụ độc quyền, nếu bị phá sản sẽ dẫn đến khó khăn, thậm chí khủng hoảng cho nền kinh tế. Bởi thế, mặc dù được coi là các pháp nhân kinh tế độc lập, các doanh nghiệp này luôn luôn được Nhà nước bao cấp về cơ chế chính sách và tài chính, bảo đảm không mất khả năng thanh toán cho dù thua lỗ kéo dài.
Thứ bảy, các DNNN sử dụng số lượng lao động lớn, có trình độ tay nghề không cao lại có cơ cấu phức tạp, đan xen giữa biên chế như viên chức nhà nước và hợp đồng lao động, do đó, nếu phá sản sẽ có thể gây thất nghiệp và các vấn đề xã hội liên quan khó giải quyết cho chủ sở hữu là nhà nước. Các hệ quả tiêu cực về lao động và việc làm khi một doanh nghiệp phá sản có tính phổ quát đối với mọi thành phần kinh tế. Tuy nhiên, đối với nhiều DNNN, vấn đề này có thể trầm trọng hơn do người lao động không quen với môi trường cạnh tranh, dẫn đến khả năng chuyển đổi ngành nghề hay được tiếp nhận làm việc trở lại bởi các đơn vị thay thế sẽ không cao.
Tóm lại, điều không bình thường là các rào cản để thực hiện phá sản DNNN lại được dựng lên từ cả ba phía: cán bộ phụ trách quản lý doanh nghiệp, cơ quan nhà nước là đại diện chủ sở hữu doanh nghiệp và cả bản thân các chủ nợ. Vậy, liệu có thể tìm ra một lối nào khác chăng cho việc vượt qua các rào cản nói trên?
Không nên là quyết sách, hãy để chủ nợ “đòi” phá sản với từng DNNN con nợ cụ thể
Có vẻ như Luật Doanh nghiệp 2014 đã đề ra một giải pháp, đó là từ nay, DNNN về mặt pháp lý sẽ chỉ bao gồm các doanh nghiệp có 100% vốn điều lệ thuộc sở hữu nhà nước. Quy định này có tác dụng làm thu hẹp số lượng và giới hạn tồn tại của các DNNN vào những lĩnh vực thiết yếu của nền kinh tế, đồng thời cho phép các doanh nghiệp có sở hữu của Nhà nước khác hoạt động bình đẳng như các doanh nghiệp tư nhân, bao gồm cả khả năng phá sản. Nó còn có thể ví như việc trút bớt “gánh nặng tâm lý” mà cha mẹ đang mang đối với đàn con bị bệnh.
Tuy nhiên, nhìn từ góc độ của Luật Phá sản thì chế định nói trên không có mấy ý nghĩa, bởi theo quan niệm chung và về mặt khách quan, DNNN không được xác định theo định nghĩa pháp lý mà theo đặc tính quản trị của nó. Hàm ý rằng một doanh nghiệp chừng nào vẫn còn bị quản lý chi phối của Nhà nước thì chừng đó vẫn được coi là DNNN; và khi đó, từ góc độ lập chính sách, bảy vấn đề nêu ra ở trên vẫn tiếp tục tồn tại.
Trở lại bản chất hay tinh thần của Luật Phá sản, đối với chủ thể bị phá sản và người sở hữu nó, đó là sự giải phóng trách nhiệm, còn đối với các chủ nợ, đó là hy vọng cuối cùng. Tuy nhiên, sự giải phóng trách nhiệm đối với các chủ sở hữu DNNN sẽ không thỏa đáng nếu được triển khai như một quyết sách, bởi Nhà nước luôn luôn là chủ thể phải chịu trách nhiệm đối với mọi hoạt động của mình. Thay vào đó, có lẽ điều hợp lý đáng làm là trao quyền thực sự cho các chủ nợ để thông qua thủ tục phá sản DNNN lấy lại các tài sản còn lại của họ trong từng tình huống cụ thể. Đồng thời, một khi các ngân hàng đang là chủ nợ chính, thì chủ trương cho phá sản DNNN phải gắn kết chặt chẽ với chương trình tái cơ cấu và lành mạnh hóa hệ thống ngân hàng.
http://www.thesaigontimes.vn/153933/Cac-rao-can-khi-cho-pha-san-DNNN.html
|