2017 có thể tiếp tục nới lỏng tiền tệ?
6.7% là kế hoạch tăng trưởng GDP mà Quốc Hội đã thông qua cho năm 2017, đây là mức tăng trưởng bằng với mục tiêu năm 2016, nhưng cao hơn so với con số ước thực hiện năm 2016 chỉ từ 6.3 – 6.5%. Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới vẫn trong tình trạng bất ổn, kinh tế trong nước dù đang trong giai đoạn hồi phục nhưng vẫn gặp nhiều thách thức, thì mục tiêu tăng trưởng như trên được đánh giá là khá tham vọng. Với chính sách tài khóa gặp nhiều hạn chế, thì chính sách tiền tệ khả năng sẽ tiếp tục nới lỏng để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Xuất khẩu có thể tiếp tục gặp khó khăn
Tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam năm 2016 có thể chỉ đạt từ 6 -7%, thấp hơn so với mục tiêu đề ra đầu năm 2016 là 10%. Mục tiêu cho năm 2017 Chính phủ cũng chỉ đặt ở mức tăng trưởng từ 6-7%, thấp hơn mục tiêu năm 2016 nhưng ngang bằng với số ước thực hiện của năm nay. Điều này cho thấy Chính phủ cũng lường trước được những khó khăn của thương mại toàn cầu cho giai đoạn sắp tới.
Với việc chủ nghĩa bảo hộ nội địa ngày càng tăng lên, như việc Anh rút khỏi EU, tổng thống mới Donald Trumph của Mỹ cam kết tăng áp đặt những hàng rào thương mại đối với hàng nhập khẩu vào Mỹ, thì hàng xuất khẩu của Việt Nam có thể sẽ gặp nhiều khó khăn hơn để duy trì thị phần hiện tại, cũng như tìm kiếm các thị trường mới. Ngoài ra, những vấn đề nội tại của Việt Nam như ô nhiễm môi trường, thiên tai hạn hán vẫn không thể giải quyết triệt để, do đó những tác động tiềm ẩn là không đoán định được.
Vấn đề tỷ giá không hỗ trợ nhiều cho các doanh nghiệp xuất khẩu cũng được nói đến nhiều trong thời gian gần đây. Trong khi đồng USD đã tăng giá mạnh so với các đồng tiền khác, thì tỷ giá USD/VNĐ dù cũng có tăng nhưng vẫn ở mức khá khiêm tốn, khiến VNĐ trở nên mạnh hơn so với các đồng tiền khác. Đặc biệt, với việc Trung Quốc đã phá giá mạnh tiền tệ từ năm 2015 đến nay, thì hàng Việt Nam đã mất lợi thế cạnh tranh khá lớn so với hàng hóa xuất khẩu của nước này. Điều này khiến thâm hụt thương mại của Việt Nam với Trung Quốc có thể tiếp tục tăng lên, nhất là khi hàng Trung Quốc gặp khó khăn vào thị trường Mỹ thì sẽ tràn vào những nước lân cận như Việt Nam là điều thấy trước.
Mặc dù mô hình tăng trưởng của Việt Nam đang chuyển đổi không dựa quá nhiều vào động lực xuất khẩu và thực tế thì xuất khẩu trong GDP đã giảm đi khá nhiều, nhưng bất kỳ sự giảm sút hoặc tăng trưởng chậm đến từ hoạt động xuất khẩu sẽ vẫn có sự ảnh hưởng lên tốc độ tăng trưởng kinh tế nói chung và tình trạng nhập siêu nói riêng.
Thâm hụt ngân sách làm hạn chế đầu tư của Chính phủ
Thâm hụt ngân sách triền miên luôn là bài toán đau đầu của Việt Nam, đặc biệt ngày càng tăng nhanh trong những năm gần đây. Theo như số liệu ngân sách quyết toán, nếu như thâm hụt ngân sách bình quân giai đoan 2001 – 2005 chỉ ở mức 31 ngàn tỷ đồng, giai đoạn 2006 – 2010 đã tăng hơn 2.5 lần lên gần 81 ngàn tỷ đồng và giai đoạn 2011 – 2015 tiếp tục mức tăng 2.5 lần lên gần 200 ngàn tỷ đồng. Tỷ lệ thâm hụt ngân sách/GDP thực hiện trong thập niên trước nếu như chỉ xoay quanh 4-5% GDP thì những năm gần đây đã tăng mạnh lên, cụ thể năm 2013 là 6.6%, 2014 là 6.33% và năm 2015 ước thâm hụt 6.11% GDP, cao hơn nhiều so với mục tiêu 5% của Quốc hội đề ra.
Nguồn thu ngân sách trong thời gian gần đây và cho cả năm 2017 sẽ tiếp tục bị ảnh hưởng từ giá dầu duy trì ở mức thấp và nguồn thu thuế xuất nhập khẩu bị sụt giảm do các Hiệp định thương mại tự do bắt đầu có hiệu lực, theo đó các dòng thuế nhập khẩu sẽ giảm theo lộ trình. Theo dự kiến của Bộ Tài chính thì thu từ hoạt động xuất nhập khẩu trong năm 2016 chỉ còn khoảng 3.4% GDP, trong khi mức bình quân giai đoạn 2006 – 2010 là 5.9% GDP.
Cụ thể, theo lộ trình thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc từ ASEAN sẽ giảm xuống còn 30% bắt đầu từ tháng 1/2017, trong khi. Thực hiện Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh kinh tế Á - Âu (EAEU), thì từ nay tới hết năm 2017 sẽ có gần 5,000 dòng thuế cắt giảm về 0%. Trong khi đó, nguồn thu từ nội địa vẫn không tăng trưởng kịp để bù cho phần sụt giảm từ nguồn thu dầu thô và từ hoạt động xuất nhập khẩu.
Trong bối cảnh nguồn thu ngày càng áp lực trong khi chi thường xuyên vẫn duy trì tốc độ tăng và chi trả nợ ngày càng chiếm tỷ trọng cao hơn trong tổng chi, do đó nguồn chi cho đầu tư bị ảnh hưởng đáng kể, dẫn đến muốn tăng đầu tư phải đi vay và sau đó phải trả nợ vay, tạo ra vòng xoáy càng căng thẳng. Ngoài ra, nguồn vốn vay ODA dành cho Việt Nam sẽ được áp dụng theo lãi suất thị trường từ tháng 7/2017, do đó việc vay vốn cho hoạt động đầu tư sẽ phải được cân nhắc kỹ hơn.
Ngân sách chi tiêu của Chính phủ cũng bị hạn chế trước thực trạng nợ công tiếp tục tăng lên. Theo một báo cáo của Ngân hàng phát triển châu Á (ADB), nợ công và các khoản nợ do Nhà nước đảm bảo đã gần như tăng gấp đôi kể từ năm 2000, hiện ở khoảng 60% GDP trong năm 2015, cao hơn mức trung bình trong khu vực. Với xếp hạng tín nhiệm hiện ở mức BB-/B, trong khi lãi suất đồng USD có thể tăng lên trong thời gian tới thì việc đi vay trên thị trường quốc tế của Việt Nam có thể gặp nhiều khó khăn hơn. Được biết, Chính phủ có kế hoạch phát hành 3 tỷ trái phiếu USD trong năm 2016 nhưng đến nay đã bị tạm hoãn lại.
Tiếp tục nới lỏng tiền tệ trong năm 2017?
Năm 2016 chứng kiến Việt Nam đã thực hiện chính sách nới lỏng tiền tệ đễ hỗ trợ tăng trưởng, nhưng tăng trưởng vẫn chưa đạt được như kế hoạch đề ra. Năm 2017 trong tình hình chính sách tài khóa khó có thể nới lỏng, hoạt động xuất khẩu dự kiến gặp nhiều khó khăn thì chính sách tiền tệ kỳ vọng tiếp tục được nới lỏng để thúc đẩy đầu tư và chi tiêu từ khu vực tư nhân, nhằm hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế đạt mục tiêu đề ra.
NHNN trong năm 2016 đã đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng ở mức cao từ 18-20%, tổng phương tiện thanh toán từ 16 – 18%. Mặt bằng lãi suất cho vay cũng được định hướng giảm xuống để hỗ trợ các doanh nghiệp, và thực tế đã được các ngân hàng điều chỉnh giảm trong giai đoạn tháng 5 và tháng 10. NHNN cũng hỗ trợ thanh khoản qua hoạt động bơm ròng trên thị trường tín phiếu và định hướng giảm lãi suất tiền gửi thông qua 4 NHTM quốc doanh vào cuối tháng 9.
Tuy nhiên khó khăn lớn nhất cho giai đoạn tới là phải tiếp tục giữ được mặt bằng lãi suất ổn định như hiện nay. Thực tế lãi suất đang chịu khá nhiều áp lực như tỷ giá tăng lên gần đây làm ảnh hưởng đến nguồn vốn huy động của ngân hàng; các ngân hàng phải tăng cường vốn theo lộ trình đáp ứng chuẩn Basel 2; tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn giảm từ 60% về 50% từ đầu năm 2015, nên các ngân hàng buộc phải tăng cường huy động vốn theo yêu cầu, từ đó làm cầu vốn tăng lên.
Trong khi đó, lạm phát đã không thể tiếp tục duy trì ở mức thấp như năm 2015, điều kiện thuận lợi đối với hoạt động huy động vốn của các ngân hàng thời gian qua. Lạm phát năm 2016 ước nằm ở mức 4.5%, trong khi kế hoạch năm 2017 ở mức 4%, thì với mặt bằng lãi suất hiện tại kênh tiền gửi ngân hàng đã ít nhiều giảm sức hấp dẫn.
Ngoài chính sách tiền tệ nới lỏng, để thúc đẩy tăng trưởng thì Chính phủ cần tiếp tục thúc đẩy tiêu dùng nội địa, cải thiện môi trường kinh doanh để kích thích đầu tư từ khu vực tư nhân trong nước, nhất là khi nguồn vốn đầu tư nước ngoài có thể bị ảnh hưởng trước lãi suất đồng USD có thể tiếp tục tăng lên trong thời gian tới và chính sách lôi kéo các doanh nghiệp trở lại về Mỹ của Tổng thống Trumph./.
Năm 2016 chứng kiến Việt Nam đã thực hiện chính sách nới lỏng tiền tệ đễ hỗ trợ nền kinh tế, nhưng tăng trưởng vẫn chưa đạt được như kế hoạch đề ra. Năm 2017 trong tình hình chính sách tài khóa khó có thể nới lỏng, hoạt động xuất khẩu dự kiến gặp nhiều khó khăn thì chính sách tiền tệ kỳ vọng tiếp tục được nới lỏng để thúc đẩy đầu tư và chi tiêu từ khu vực tư nhân, nhằm hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế đạt mục tiêu đề ra.
|
|