Xuất khẩu gạo tiếp tục sụt giảm
Trong tháng 10, khối lượng gạo xuất khẩu ước đạt 368,000 tấn với giá trị đạt 164 triệu USD. Như vậy, khối lượng xuất khẩu gạo 10 tháng ước đạt 4.2 triệu tấn với 1.9 tỷ USD, giảm 21.2% về khối lượng và giảm 16.9% về giá trị so với cùng kỳ năm 2015.
* Xuất khẩu gạo năm 2016 khó đạt 5,4 triệu tấn
* Vì sao xuất khẩu gạo 9 tháng đầu năm bị giảm?
Giá gạo xuất khẩu bình quân 9 tháng đạt 449 USD/tấn, tăng 4.8% so với cùng kỳ năm 2015. Trung Quốc vẫn tiếp tục đứng vị trí thứ nhất về thị trường nhập khẩu gạo của Việt Nam với 35.4% thị phần. Trong 9 tháng, xuất khẩu gạo sang thị trường này đạt 1.35 triệu tấn với 613.8 triệu USD, giảm 23% về khối lượng và giảm 13.9% về giá trị. Bên cạnh Trung Quốc, nhiều thị trường cũng giảm mạnh nhập khẩu gạo Việt Nam như Philippines, Malaysia, Singapore, Hoa Kỳ, Bờ Biển Ngà…
Tuy nhiên, Gana - thị trường nhập khẩu gạo lớn thứ hai đã có sự tăng trưởng mạnh (36%) với 11% thị phần. Đáng chú ý là thị trường Indonesia – thị trường nhập khẩu gạo lớn thứ 4 của Việt Nam với 8.2% thị phần.
Xuất khẩu gạo sang Indonesia đạt 359,400 tấn với 142.5 triệu USD, tăng gấp 21.5 lần về khối lượng và gấp 22.5 lần về giá trị so với cùng kỳ năm 2015.
Được biết thêm, trước đó do thị trường xuất khẩu khó khăn cho nên mục tiêu xuất khẩu đã điều chỉnh giảm xuống 5.4 triệu tấn năm 2016, tuy nhiên theo đánh giá của ông Lê Minh Trượng, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2) thì cũng sẽ khó có khả năng hoàn thành. Theo ông, có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc điều chỉnh kế hoạch xuất khẩu ở năm 2016, nhưng cơ bản nhất vẫn là do gạo Việt Nam không có thương hiệu, chất lượng thấp, giá thành cao nên chưa thể cạnh tranh được ở một số thị trường. Đồng thời, thực tế thời gian qua gạo Việt Nam liên tục bị thị trường Mỹ trả về do phát hiện dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt mức cho phép nên đã làm khối lượng gạo xuất khẩu sụt giảm so với các năm trước, dẫn đến khó khăn chồng chất khó khăn, khiến tình hình xuất khẩu gạo liên tục suy giảm trong thời gian gần đây./.
|