Vàng đã cứu Hàn Quốc như thế nào?
Theo Forbes, cách đây 19 năm, Hàn Quốc đã đến rất gần bờ vực phá sản. Cuộc khủng hoảng tài chính châu Á khi ấy lây lan như vi-rút. Thái Lan, Malaysia, Singapore và các quốc gia Nam Á khác đều bị ảnh hưởng, làm dấy lên lo sợ về sự sụp đổ của nền kinh tế toàn cầu nếu cuộc khủng hoảng không được chế ngự.
Trước năm 1997, Hàn Quốc được xem như là hình mẫu của sự hồi phục kinh tế. Quốc gia này đã chứng kiến sự lột xác nhanh không thể tin nổi trong nửa cuối thế kỷ 20, nhờ vào các chính sách cải cách thông minh và đầu tư mạnh vào giáo dục. Nhiều người gọi đó là “Phép lạ trên sông Hàn”. Vào cuối thế kỷ 20, Hàn Quốc trở thành nền kinh tế lớn thứ 11 thế giới. Người dân Hàn Quốc khi ấy đã có thu nhập đủ để hưởng thụ lối sống “phương Tây” thoải mái, nhưng vào mùa hè 1997, thảm họa đã ập đến với Seoul. Doanh nghiệp bắt đầu thất bại. Bị tồn đọng nợ xấu, ngân hàng sụp đổ, trong khi những tổ chức khác ngưng cho vay. Đồng won rơi tự do. Thanh khoản cạn kiệt. Nhà đầu tư nước ngoài đột ngột rút gần 18 tỷ USD ra khỏi quốc gia này. Hàng trăm ngàn người bị mất việc.
“Chiếc phao” duy nhất của Hàn Quốc là tìm kiếm sự giúp đỡ từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). Và vào tháng 12/1997, IMF chấp thuận một gói giải cứu khổng lồ lên đến 58 tỷ USD, lớn nhất trong lịch sử. Thỏa thuận giải cứu đòi hỏi Hàn Quốc phải tự do hóa thương mại và các tài khoản vốn của quốc gia này, đồng thời cải cách thị trường lao động, tái cấu trúc quản trị doanh nghiệp và nhiều thứ khác.
Thế là một cuộc khủng hoảng mới xuất hiện, mà người dân Hàn chính gốc vẫn thường gọi là “Khủng hoảng IMF”. Chính phủ nước này đã không phí thời gian trong việc huy động vốn để trả món nợ trên. Vào ngày 5/1/1998, một chiến dịch trên phạm vi toàn quốc được phát động, và cho đến nay vẫn được xem là một trong những sự thể hiện xúc động nhất của lòng yêu nước và sự hy sinh mà thế giới từng được biết.
Động lực dành cho vàng
Vào thời điểm đó, ước tính người dân Hàn Quốc đang nắm giữ lượng vàng có giá trị khoảng 20 tỷ USD dưới dạng dây chuyền, đồng xu, thỏi, huy chương v.v. Hầu hết những thứ ấy đều có tầm quan trọng về mặt cá nhân và gia đình rất lớn, vượt xa giá trị về tiền bạc.
Cũng đừng quên rằng vàng có một vai trò mang lại điềm lành trong các cột mốc cuộc đời của người dân Hàn. Nhiều gia đình tổ chức lễ thôi nôi theo một truyền thống có tên là doljanchi, và trong buổi lễ này, những món quà bằng vàng 24 karat là không thể thiếu được. Đồng hồ và trang sức bằng vàng cũng là những vật thường được tặng cho các cặp mới cưới, giống như ở Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ và nhiều nơi khác. Các công ty thường tặng cho những nhân viên về hưu các móc khóa bằng vàng.
Đây cũng là điều thúc đẩy nhu cầu và giá vàng. Ở nhiều nơi trên thế giới, trang sức bằng vàng không chỉ là một vật trang trí đẹp, mà còn là hình thức quan trọng để bảo toàn về mặt tài chính. Người dân Hàn Quốc đều biết điều này quá rõ. 90 năm trước đó, vào năm 1907, Đế chế Triều Tiên nợ Nhật Bản 13 triệu won, tương đương với ngân sách của cả một năm. Để giúp quốc gia mình trả hết nợ, đàn ông đã bỏ hút thuốc, trong khi phụ nữ thì bán những món trang sức cưới yêu quý của mình.
Vàng một lần nữa lại giúp Hàn Quốc vào năm 1998. Gần 3.5 triệu người, tương đương với 1/4 dân số cả nước, đã tình nguyện tham gia chiến dịch trên. Những hàng người – trẻ có già có, cả giàu lẫn nghèo – có chiều dài bằng nhiều dãy nhà rồng rắn đứng chờ bên ngoài các điểm hiến tặng, để đáp lại lời kêu gọi trợ giúp đất nước. Những dải ruy-băng màu vàng với dòng chữ “Chúng ta hãy vượt qua cuộc khủng hoảng ngoại tệ bằng cách hiến tặng vàng” có thể được dễ dàng nhìn thấy trên các chiếc áo sơ mi của mọi người.
Những tên tuổi lớn trong giới doanh nghiệp Hàn Quốc, từ Samsung đến Hyundai, rồi Daewoo, đều cho mượn sức mạnh marketing của họ để lan truyền khẩu hiệu trên. Giới nổi tiếng cũng thế: Lee Jong-beom, một ngôi sao bóng chày trẻ tuổi rất “hot” thời đó, đã thu hút được sự chú ý của người dân cả nước khi mang tặng 31.5 oz vàng (có giá trị hơn 9,000 USD) từ những chiếc cúp và huy chương mà anh đã đạt được suốt 5 năm thi đấu của mình. Tính ra trung bình mỗi người dân Hàn Quốc đã tặng 65 gram vàng, hay hơn 640 USD theo thời giá khi ấy.
Chỉ trong vòng 2 tháng, Chính phủ Hàn Quốc đã thu được 226 tấn vàng, tương đương với 2.2 tỷ USD, và chuyển thành thỏi rồi giao cho IMF. Mặc dù lượng vàng này chỉ là “muối bỏ bể”, nhưng chiến dịch gom vàng trên đóng một vai trò quan trọng trong nỗ lực xử lý nợ của quốc gia này, đó là chưa kể đến sự thật rằng nó cho thấy lòng yêu nước sâu sắc và sự đoàn kết của người dân nước này. Cuối cùng, Hàn Quốc đã trả hết món nợ 58 tỷ USD vào tháng 8/2001 – trước hạn gần 3 năm./.
|