Deutsche Bank có cần đến một cuộc giải cứu?
Theo CNNMoney, Deutsche Bank đã mất phân nửa giá trị thị thường trong năm nay và lợi nhuận cũng giảm mạnh. Do vậy, chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi nhà đầu tư tỏ ra lo lắng.
Cơn hoảng loạn trên thị trường đã đạt tới đỉnh điểm trong tuần này – cổ phiếu của Deutsche Bank đã rơi xuống mức thấp nhất trong hơn 20 năm qua – khi sợ rằng ngân hàng này có thể không trả nổi mức phạt khổng lồ của Chính phủ Mỹ vì tội bán chứng khoán được đảm bảo bằng các khoản thế chấp xấu cách đây một thập niên.
Truyền thông Đức cho rằng tình hình tệ đến nỗi Chính phủ nước này bắt đầu xem xét đến một cuộc giải cứu.
Dẫu vậy, Chính phủ và các quan chức ngành ngân hàng Đức đã phủ nhận các bản tin đó vào hôm thứ Tư vừa qua.
“Chính phủ liên bang không chuẩn bị kế hoạch giải cứu nào cả. Chẳng có lý do gì để tin vào những suy đoán như thế. Deutsche Bank đã giải thích rõ điều này”, Bộ trưởng Tài chính Đức lên tiếng.
CEO John Cryan của Deutsche Bank cho biết ông chưa bao giờ yêu cầu Thủ tướng Angela Merkel giúp đỡ, và “nhờ Chính phủ trợ giúp không phải là một phương án”. Ngân hàng này cũng cho biết hiện họ không hề yêu cầu nhà đầu tư rót thêm tiền.
Tuy nhiên, sự xuất hiện dày đặc của các tiêu đề trên các mặt báo, và sự rớt giá “kinh khủng” của cổ phiếu cho thấy ngân hàng này đang gặp nguy hiểm như thế nào.
Deutsche Bank là ngân hàng lớn nhất của Đức. Tài sản của ngân hàng này hiện đang được định giá ở mức 1.8 ngàn tỷ Euro (khoảng 2 tỷ USD), tương đương với hơn phân nửa quy mô của nền kinh tế Đức. Do vậy, bất kỳ ý kiến nào cho rằng ngân hàng hàng đầu của nền kinh tế lớn nhất và hùng mạnh nhất của châu Âu đang “gặp vấn đề” cũng sẽ khiến cho các thị trường toàn cầu chao đảo.
Ngân hàng rủi ro nhất?
Hồi đầu năm nay, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cũng đã lên tiếng cảnh báo. Trong báo cáo công bố hồi tháng 6, IMF cho rằng Deutsche Bank là nguồn rủi ro lớn nhất trong hệ thống ngân hàng toàn cầu.
Ngân hàng này hiện có hơn 100,000 nhân viên, khoảng 46,000 trong số đó là ở Đức.
Vậy thì vì sao ngân hàng này lại “có vấn đề” như thế. Có nhiều lý do.
Những tội lỗi trong quá khứ
Con số 14 tỷ USD mà Bộ Tư pháp Mỹ đưa ra để phạt Deutsche Bank về tội bán chứng khoán được đảm bảo bằng các khoản thế chấp chỉ là vụ mới nhất trong... nhiều mức phạt dành cho các hành động sai trái của ngân hàng này. Deutsche Bank từng phải nộp phạt hàng tỷ USD do thao túng lãi suất toàn cầu và dàn xếp các thị trường ngoại hối.
Mô hình kinh doanh bị phá hỏng
Những quy định khắt khe hơn được đưa ra kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu đến nay đã giúp cho mảng ngân hàng đầu tư chính của ngân hàng này an toàn hơn, nhưng cũng ít lợi nhuận hơn nhiều. Ngân hàng này không có mảng bán lẻ hay quản lý tài sản hùng mạnh để bù đắp cho khoản lợi nhuận bị mất đi đó. Những đối thủ nhỏ hơn của họ hiện đang kiểm soát thị phần lớn hơn nhiều trong thị trường ngân hàng ở Đức so với những nơi khác.
Lãi suất thấp kỷ lục
Các ngân hàng thường kiếm được lợi nhuận ổn định nhờ vào sự chênh lệch giữa tiền lãi họ trả cho người gửi và chi phí họ tính trên các nguồn vay. Khi lãi suất bị âm – như những gì đã xảy ra ở châu Âu trong thời gian qua – thì dòng lợi nhuận ấy bị thu hẹp đáng kể.
Chuyện gì đang xảy ra?
Cryan, người tiếp quản vị trí CEO chỉ mới hơn 1 năm, đã công bố các kế hoạch cắt giảm ít nhất 35,000 việc làm vào năm 2020, “xóa sổ” một số doanh nghiệp con, và ngưng trả cổ tức. Vào hôm thứ Tư vừa qua, ngân hàng này đã bán công ty bảo hiểm Abbey Life ở nước Anh của mình với giá 1.2 tỷ USD, một thương vụ được cho là sẽ giúp củng cố tình hình tài chính của họ.
Ngân hàng này sẽ tích cực đàm phán để giảm số tiền mà họ phải trả cho Mỹ vì tội bán chứng khoán được đảm bảo bằng các khoản thế chấp xấu. Tuy nhiên, các chuyên gia phân tích cho rằng con số hơn 6 tỷ USD có thể đồng nghĩa với việc họ phải huy động thêm tiền từ đâu đó. Đây có thể là một việc khó khăn.
Sẽ là vụ Lehman Brothers tiếp theo?
Liệu Deutsche Bank có gây ra một vụ tương tự như cuộc khủng hoảng Lehman Brothers năm 2008? Giới ngân hàng và một số nhà đầu tư hoài nghi cho là “Không”.
“Tình hình hiện tại không tệ như cuộc khủng hoảng Lehman Brothers, hay thậm chí là vụ sụp đổ của Quỹ đầu cơ Long-Term Capital hồi cuối thập niên 1990”, Brad Lamensdorf, Giám đốc danh mục đầu tư của quỹ ETF Ranger Equity Bear lên tiếng.
Lamensdorf bắt đầu bán khống cổ phiếu Deutsche Bank cách đây vài năm vì lo ngại về tình hình cân đối kế toán của họ. Và ông đã “cược” rằng cổ phiếu của ngân hàng này sẽ giảm vào đầu mùa hè này.
Tuy thế, ông không dự báo ngân hàng này sẽ sụp đổ. Thay vào đó, ông cảm thấy rằng các đối thủ của Deutsche Bank sẽ được hưởng lợi khi ngân hàng này tiếp tục giảm quy mô.
“Deutsche Bank hiện đang ở thế yếu vì họ có tỷ lệ nợ cao so với giá trị tài sản và không được tiếp cận tín dụng. Nhưng tình hình khó khăn của họ có thể đồng nghĩa với việc JPMorgan Chase, Goldman Sachs và các ngân hàng khác sẽ có nhiều việc để làm hơn”, ông nói./.
|