Sẽ có 6 cơ sở quản lý chất thải rắn đến năm 2030 ở miền Bắc
Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Quy hoạch quản lý chất thải rắn vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ đến năm 2030 nhằm dự báo tổng lượng chất rắn phát sinh, cũng như xác định các cơ sở xử lý chất thải rắn và phạm vi phục vụ đáp ứng nhu cầu xử lý chất thải rắn cho vùng.
Ảnh minh họa.
|
Theo đó, vùng kinh tế trọng điểm (KTTĐ) Bắc Bộ thuộc ranh giới hành chính của 7 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương là Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương, Vĩnh Phúc, Hải Phòng và Quảng Ninh.
Mục tiêu của quy hoạch là dự báo tổng lượng chất rắn phát sinh, xác định phương thức phân loại, thu gom, vận chuyển chất thải rắn; xác định các cơ sở xử lý chất thải rắn và phạm vi phục vụ đáp ứng nhu cầu xử lý chất thải rắn cho vùng KTTĐ Bắc Bộ; nâng cao hiệu quả quản lý tổng hợp chất thải rắn, phòng ngừa, giảm thiểu phát sinh chất thải tại nguồn, tăng cường tái sử dụng, tái chế để giảm thiểu tối đa khối lượng chất thải phải chôn lấp và làm cơ sở cho việc triển khai các dự án đầu tư xây dựng cơ sở xử lý chất thải rắn trên địa bàn các tỉnh trong phạm vi vùng KTTĐ Bắc Bộ.
Được biết, dự báo giai đoạn từ nay đến năm 2020 tổng lượng chất thải rắn phát sinh khoảng 38,980 tấn/ngày. Trong đó chất thải rắn thông thường phát sinh khoảng 36,040 tấn/ngày, chất thải rắn nguy hại phát sinh khoảng 2,940 tấn/ngày.
Cùng với đó, dự báo giai đoạn 2021 - 2030 tổng lượng chất thải rắn phát sinh khoảng 59,695 tấn/ngày. Trong đó, chất thải rắn thông thường phát sinh khoảng 55,385 tấn/ngày, chất thải rắn nguy hại phát sinh khoảng 4,310 tấn/ngày.
Như vậy, quy hoạch sẽ xác định 1 cơ sở xử lý chất thải rắn vùng liên tỉnh (cơ sở xử lý Sóc Sơn, Hà Nội với diện tích 257 ha, công suất khoảng 6,000 tấn/ngày, tiếp nhận và xử lý chất thải rắn thông thường cho khu vực thành phố Hà Nội, chất thải rắn nguy hại cho các tỉnh, thành phố Hà Nội, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hưng Yên) và 5 cơ sở xử lý chất thải rắn cấp vùng tỉnh có chức năng cung cấp dịch vụ xử lý chất thải rắn liên tỉnh (với tổng diện tích khoảng 231 ha, công suất khoảng 11,500 tấn/ngày).
Về quy định, các cơ sở xử lý chất thải rắn phải đảm bảo khoảng cách an toàn về môi trường theo đúng các tiêu chuẩn, quy chuẩn hiện hành. Thực hiện các giải pháp hạn chế ảnh hưởng tới môi trường đối với các cơ sở xử lý chất thải rắn hiện có trước năm 2020 (xây dựng hệ thống thu gom xử lý nước rò rỉ từ các bãi chôn lấp chất thải rắn, chuyển đổi công nghệ hạn chế chôn lấp...); đóng cửa các bãi chôn lấp chất thải rắn không hợp vệ sinh và có giải pháp xử lý giảm thiểu ảnh hưởng tới môi trường, kiểm soát ô nhiễm đối với các cơ sở xử lý chất thải rắn trong toàn vùng./.
|