Lạm phát ở Venezuela có thể lên tới 1.500%
Tình hình kinh tế ở Venezuela tiếp tục chuyển từ xấu sang xấu hơn. Giới chuyên gia cảnh báo khủng hoảng sẽ không sớm buông tha quốc gia Nam Mỹ giàu tài nguyên dầu lửa này.
Người dân Venezuela biểu tình phản đối Chính phủ ở thủ đô Caracas - Ảnh: AP.
|
Tuần này, Quốc hội Venezuela đã bị tước quyền đối với ngân sách chính phủ - một động thái được cho là do Tổng thống Nicolas Maduro đứng sau nhằm củng cố quyền lực trong tay
Trong khi đó, người dân Venezuela tiếp tục chịu cảnh thiếu thốn hầu như tất cả các mặt hàng thiết yếu phục vụ cuộc sống hàng ngày, bao gồm thực phẩm và thuốc men, và tốc độ lạm phát đã vượt ra khỏi tầm kiểm soát.
Tỷ lệ lạm phát cả năm của Venezuela được dự báo sẽ vượt 700% trong năm nay. Đối với năm 2017, ngân hàng Thụy Sỹ UBS nhận định lạm phát ở Venezuela sẽ lên tới 1.500%.
“Tình hình đang ngày càng tồi tệ hơn”, ông Diego Moya-Ocampos, chuyên gia phân tích về Mỹ-Latin thuộc công ty nghiên cứu IHS Country Risk, nhận định với hãng tin CNBC. “Chúng tôi dự báo nền kinh tế Venezuela suy giảm ít nhất 11,5 % năm nay, lạm phát chạm 700%, cao nhất trên thế giới”.
“Những đứa trẻ đang chết dần chết mòn. Người già đang chết dần chết mòn ở Venezuela. Cuộc trưng cầu dân ý nhằm lật đổ Tổng thống Maduro và thiết lập một chính quyền mới về cơ bản đã bị chặn đứng”, ông Moya-Ocampos nói.
Theo ông Michael Henderson, chuyên gia kinh tế trưởng của công ty phân tích rủi ro Verisk Maplecroft, nguyên nhân dẫn tới cuộc khủng hoảng kinh tế ở Venezuela là những chính sách dân túy kéo dài suốt 15 năm qua của Chính phủ nước này.
“Chính phủ Venezuela đã cản trở sự phát triển kinh tế tư nhân và quốc hữu hóa một phần lớn của nền kinh tế, dẫn tới tăng trưởng trì trệ và tình trạng thiếu hiệu quả kéo dài”, ông Henderson nhận định.
“Đầu tư vào tăng năng suất lao động và cơ sở hạ tầng không đủ để đáp ứng nhu cầu ngày gia tăng, kéo theo chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa được nới lỏng hết cỡ. Đây là một công thức độc hại mà kết quả tất yếu là lạm phát tăng tốc chóng mặt”.
Nền kinh tế Venezuela có mức độ phụ thuộc cao vào dầu lửa, bởi vậy việc giá dầu giảm sâu trong những năm gần đây khiến nước này điêu đứng, đặc biệt là cán cân thanh toán mất cân bằng nghiêm trọng. Theo ông Henderson, nhìn chung, triển vọng kinh tế của Venezuela là u ám.
“Cho dù Chính phủ Venezuela có tránh được cảnh vỡ nợ trong ngắn hạn hay không, tình hình kinh tế vĩ mô đầy bất ổn của nước này sẽ dẫn tới những tác động tiêu cực đối với các hộ gia đình và doanh nghiệp”, ông Henderson nói.
http://vneconomy.vn/the-gioi/lam-phat-o-venezuela-co-the-len-toi-1500-20161014035136846.htm
|