Các ngân hàng Trung Quốc có thể phải cần đến 2 ngàn tỷ USD?
Theo S&P Global Ratings, việc các công ty lớn nhất của Trung Quốc không ngừng vay tiền có thể sẽ khiến cho ngành ngân hàng nước này cần phải được “bơm” một lượng vốn lên đến gần 2 ngàn tỷ USD mới hy vọng “dọn sạch” được đống nợ của họ, MarketWatch vừa đưa tin.
“Tỷ lệ nợ doanh nghiệp tăng với tốc độ chưa từng có đang làm gia tăng rủi ro, vì chất lượng tín dụng của họ đang đi xuống”, Terry Chan, chuyên gia phân tích của S&P Global Rating, cho biết trong báo cáo.
Một nhóm chuyên gia phân tích do Chan đứng đầu đã dự báo rằng tốc độ phình nợ hiện tại của Trung Quốc có thể kết thúc trong vài năm tới khi nền kinh tế nước này ngày càng dịch chuyển từ mô hình chủ yếu dựa vào sản xuất sang tiêu thụ.
“Theo dự báo của chúng tôi, tăng trưởng tín dụng sẽ thu hẹp bớt 1/3 vào năm 2020. Tuy vậy, lượng tín dụng có “vấn đề” trong tổng lượng tín dụng có thể tăng gấp đôi lên 10%, từ mức 5.6% mà chúng tôi ước tính trong năm 2015”, ông Chan nói.
Tuy nhiên, có một rủi ro là việc tập trung ngày càng nhiều vào tiêu dùng và dịch vụ có thể làm tăng thêm nhu cầu tín dụng của các công ty. Trong trường hợp xấu nhất, nợ xấu có thể tăng thêm 17% tổng vốn vay, và như vậy cần phải có thêm 1.7 ngàn tỷ USD vốn mới, tương đương với 16% GDP.
Theo số liệu của S&P Global Ratings, do cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, tổng nợ của Trung Quốc từ mức 168% GDP vào năm 2009 đã tăng lên thành 220% GDP (tính đến năm 2015), trong đó nợ doanh nghiệp chiếm đa số.
“Tăng trưởng nợ doanh nghiệp đã được chính quyền trung ương ngầm chấp thuận, khi các ngân hàng thương mại quốc doanh đang thống trị hệ thống tài chính”, ông Chan cho biết.
S&P Global không phải là tổ chức duy nhất có lời cảnh báo về lĩnh vực ngân hàng của Trung Quốc.
Hồi tháng 9, Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS) cũng cảnh báo rằng Trung Quốc có thể đối mặt với một cuộc khủng hoảng ngân hàng trong 3 năm tới nếu tăng trưởng nợ tiếp tục tăng. Tháng trước, Alex Wolf, một chuyên gia kinh tế về thị trường mới nổi của Standard Life Investments, lưu ý rằng tình hình “phình tín dụng” của Trung Quốc kể từ năm 2009 đến nay đã tới mức độ có thể dẫn đến một cuộc khủng hoảng tài chính ở hầu hết các thị trường mới nổi. Theo ông, để ngăn chặn một cuộc “hạ cánh cứng”, Chính phủ nước này sẽ phải tái cơ cấu vốn cho các ngân hàng và chặn những dòng vốn bị thoát ra khỏi quốc gia này, điều mà có thể gây mất ổn định cho hệ thống tài chính Trung Quốc.
Để giải quyết tình trạng trên, đầu tuần này Bắc Kinh đã tiết lộ một kế hoạch tái cấu trúc nợ cho các công ty để giảm bớt nợ của họ thông qua các chương trình đổi nợ lấy cổ phiếu, giúp các ngân hàng có được cổ phần trong các công ty để đổi lại được giảm nợ.
Những người tham gia thị trường thường sợ các chương trình đổi nợ lấy cổ phiếu vì về cơ bản, với cách làm này, các ngân hàng thậm chí còn gặp nhiều khó khăn hơn với các công ty đang phải chật vật để tồn tại ấy. Hôm thứ Ba vừa qua, Tạp chí Wall Street Journal cho biết các quan chức hàng đầu trong lĩnh vực kinh tế của Trung Quốc đã tỏ ra lo ngại về việc sử dụng những phương pháp như thế để giúp cho các công ty “dở sống dở chết” tiếp tục tồn tại./.
|