Khi thể thao không còn là chuyện trong ngành
Một khi thể thao trở thành xu hướng để con người theo đuổi vì đam mê hay vì một thể chất, thể lực tốt thì việc xây dựng và phát triển thể thao cũng không còn là chuyện riêng của giới trong ngành. Thực tế đã có rất nhiều thương hiệu, doanh nghiệp quan tâm và quyết định đầu tư, tài trợ và tổ chức những giải đấu thể thao.
Thể thao “hút” tài trợ
Mỗi cánh cửa CSR luôn mang đến giá trị tinh thần và hiệu ứng xã hội khác nhau cho mỗi doanh nghiệp. Tuy nhiên, không thể phủ nhận rằng các doanh nghiệp luôn tỏ ra hào phóng với các sự kiện thể thao. Trên thế giới, Olympic - sự kiện thể thao lớn nhất hành tinh luôn là tâm điểm chú ý của các nhà tài trợ. Olympic Rio 2016 vừa qua được xem là kỳ thế vận hội “đắt tiền” nhất trong lịch sử 120 năm giải đấu này cả về doanh thu từ bản quyền phát sóng lẫn tiền tài trợ. 11 đối tác toàn cầu của Olympic 2016 họ phóng khoáng rót vào sự kiện thể thao này với tổng vốn hóa đơn hơn 1,500 tỷ USD.
Ở Việt Nam, những giải đấu thể thao cũng luôn nằm trong tầm ngắm của các doanh nghiệp. Tập đoàn California Management Group không ngần ngại chi 1 tỷ đồng cho riêng đoàn VĐV TP.HCM tham gia tranh tài tại Olympic Rio 2016. Thương hiệu Toyota Việt Nam cũng với 2 năm liên tiếp là nhà tài trợ chính giải bóng đá vô địch quốc gia V-League. Tập đoàn Tôn Hoa Sen cũng luôn “ưu ái” cho những dự án thể thao. Giải đua xe đạp Cup VTV, Giải bóng đá U19 Quốc gia, giải bóng đá Futsal trẻ em có hoàn ảnh khó khăn…đều mang dấu ấn của doanh nghiệp này. Các doanh nghiệp thường chỉ tài trợ cho các hoạt động liên quan đến lĩnh vực mà họ đang vận hành, nhưng với thể thao lại khác, nó luôn “hút” sự chú ý của bất kỳ một doanh nghiệp nào.
Gần đây nhất, Ngân hàng TMCP Bản Việt (Viet Capital Bank) đã quyết định tài trợ và phối hợp với Liên đoàn bóng rổ Việt Nam tổ chức Giải bóng rổ chuyên nghiệp đầu tiên tại Việt Nam (VBA). Diễn ra từ tháng 8 – 12, VBA quy tụ 5 đội bóng rổ chuyên nghiệp hàng đầu gồm Hanoi Buffaloes, Danang Dragons, Saigon Heat, Hochiminh City Wings và Cantho Catfish. Diễn ra ở 4 thành phố lớn: Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM và Cần Thơ, VBA đang là sự kiện thể thao giải trí nhận được sự hưởng ứng của đông đảo giới trẻ cả nước. Trước đó, Viet Capital Bank cũng đã sát cánh cùng đội bóng chuyên nghiệp Saigon Heat đại diện Việt Nam tranh tài tại ABL (ASEAN Basketball League) trong 4 mùa giải liên tiếp (từ 2012 – 2016), góp phần đưa bóng rổ Việt Nam vươn tầm khu vực.
Doanh nghiệp “tự làm” thể thao
Bên cạnh tài trợ thể thao, các doanh nghiệp còn tích cực tự tổ chức những Hội thao hàng năm cho các cán bộ, nhân viên trong ngành, trong doanh nghiệp. Ý tưởng cho ra đời những kỳ Hội thao với các hoạt động thể thao bổ ích, lành mạnh góp phần nêu cao tinh thần thể dục thể thao ở mỗi người, phát triển thể chất người Việt.
Mỗi ngành dường như đều có từng hội thao, từ Giáo dục, Giao thông vận tải, Thông tin truyền thông cho đến Điện Lực hay Ngân hàng…Các hội thao được tổ chức với đa đạng lĩnh vực, tuy nhiên, thể thao luôn là ưu tiên số một khi thu hút nhiều nhất số lượng người tham dự cũng như lượng người quan tâm và yêu thích. Cuối tháng 8/2016, Hội thao ngành Thông tin và Truyền thông khu vực phía Nam 2016 đã mang lại hiệu ứng tích cực về một tinh thần thể thao khi thu hút sự tham dự của hơn 1,000 CBNV, người lao động. Mới đây, Ngân hàng TMCP Bản Việt cũng rất thành công với Hội thao toàn hàng chủ đề “Get Stronger” cùng 4 môn thi đấu: Bóng đá, Tennis, Kéo co và Nhảy bao bố thu hút đến 670 CBNV Viet Capital Bank tham dự. Việc duy trì phát triển các kỳ Hội thao qua từng năm sẽ tạo cho khối các CBNV của doanh nghiệp thói quen thích được vận động, mong muốn phát triển thể chất, từ đó công tác tốt và nâng cao hiệu quả công việc.
Để nền thể thao quốc gia vươn xa trong tương lai thì điều kiện tiên quyết quan trọng vẫn là “gốc rễ”. Mỗi doanh nghiệp đều có thể góp sức mình trong việc thúc đẩy nền thể thao nước nhà phát triển, không chỉ từ việc tài trợ để quảng bá thương hiệu mà còn ngay cả việc tạo ra những sân chơi làm bệ phóng để phát triển thể chất người Việt./.
|