Giảm lãi suất – Mũi tên trúng nhiều đích
Động thái giảm lãi suất huy động của 4 NHTM quốc doanh được kỳ vọng sẽ kéo mặt bằng lãi suất thị trường đi xuống, tạo điều kiện để giảm lãi suất cho vay theo định hướng của NHNN. Tuy nhiên, có thể còn có những mục tiêu khác mà các ngân hàng này nhắm đến như tái cấu trúc lại nguồn vốn huy động theo hướng bền vững hơn.
Lựa chọn thời điểm phù hợp
NHNN công bố việc điều chỉnh giảm lãi suất huy động của 4 ngân hàng thương mại (NHTM) quốc doanh lớn vào ngày 26/9/2016, tức 4 ngày sau khi Cục dữ trữ liên bang Mỹ (FED) quyết định giữ nguyên lãi suất cơ bản đồng USD, giúp thị trường ngoại hối trong nước ổn định trở lại, tỷ giá USD/VND giảm dần sau khi chịu áp lực tăng trong những ngày trước đó. Ngay khi VND tăng giá trở lại so với USD thì lựa chọn giảm lãi suất VND sẽ không gây quá nhiều áp lực lên tỷ giá USD/VND.
Trước đó 2 ngày, ngày 24/9/2016, Tổng cục thống kê công bố chỉ số giá tiêu dùng tháng 9/2016 tăng 0.54% so với tháng trước và tăng 3.34% so với cùng kỳ năm 2015, tuy nhiên lạm phát cơ bản (theo thước đo CPI loại trừ lương thực- thực phẩm; năng lượng và mặt hàng do Nhà nước quản lý bao gồm dịch vụ y tế và dịch vụ giáo dục) 9 tháng chỉ tăng 1.81% so cùng kỳ năm 2015.
Sau khi các NHTM quốc doanh công bố giảm lãi suất thì sau đó hai ngày, Tổng cục thống kê cũng công bố tăng trưởng GDP 9 tháng đầu năm là 5.93%, thấp hơn so với mức 6.93% cùng kỳ 2015. Như vậy với thực trạng nền kinh tế đang tăng trưởng chậm lại, sức tiêu dùng và đầu tư ngày càng yếu đi thì một biện pháp định hướng nới lỏng thông qua việc giảm lãi suất huy động của 4 ngân hàng quốc doanh được xem là cần thiết, nhất là khi yếu tố lạm phát và tỷ giá ổn định đều hỗ trợ cho động thái giảm lãi suất.
Ảnh hưởng lên các NHTM quốc doanh không quá lớn
Trong bối cảnh ngành ngân hàng đang gặp nhiều vấn đề về rủi ro đạo đức với hàng loạt vụ mất tiền trong thẻ, trong sổ tiết kiệm thời gian gần đây, một số ngân hàng bị kiểm soát đặc biệt hoặc bị mua 0 đồng, thì những ngân hàng có uy tín và tiềm lực tài chính mạnh như các NHTM quốc doanh sẽ là lựa chọn ưu tiên đối với người gửi tiền, do đó tuy lãi suất giảm nhưng dòng vốn dân cư của các ngân hàng này dự kiến không dịch chuyển quá lớn sang các ngân hàng khác. Ngoài ra, các ngân hàng thuộc nhóm “tứ trụ” này với nguồn tiền gửi rất lớn từ Kho bạc nhà nước, các tổng công ty, tập đoàn Nhà nước rất ổn định và bền vững thì việc điều chỉnh giảm lãi suất sẽ ít tác động lên nguồn tiền gửi và gây ra áp lực thanh khoản như đối với các NHTM tư nhân.
Thậm chí nếu dòng tiền gửi của dân cư có dịch chuyển sang các ngân hàng nhỏ hơn với lãi suất hấp dẫn hơn, thì các NHTM quốc doanh này có thể tìm đến nguồn vốn trên thị trường 2. Hiện tại lãi suất trên thị trường 2 kỳ hạn 1 tháng cập nhật ngày 26/9 là 1.88%, thấp hơn rất nhiều so với lãi suất tiền gửi thị trường 1 kỳ hạn 1 tháng từ 4.5 – 5%. Thị trường 2 thời gian qua dù đã phát sinh rủi ro quá hạn dẫn đến nhiều hạn chế đối với những ngân hàng nhỏ hoặc có vấn đề, nhưng đối với nhóm tứ trụ thì việc vay vốn trên thị trường này là khá dễ dàng.
Theo báo cáo tài chính kiểm toán 6 tháng đầu năm 2016, tiền gửi và vay các tổ chức tín dụng (TCTD) khác của BIDV đến 30/6/2016 là 75 ngàn tỷ đồng, của VietinBank là 87 ngàn tỷ đồng và của Vietcombank là 49 ngàn tỷ đồng. Trong khi đó, lượng tiền gửi và cho vay của nhóm 3 ngân hàng này đối với các TCTD khác cũng tương đương hoặc thậm chí còn lớn hơn, cụ thể BIDV là 65 ngàn tỷ đồng, của VietinBank là 83 ngàn tỷ đồng và của Vietcombank là 101 ngàn tỷ đồng. Do đó, khi nguồn vốn trên thị trường 1 gặp áp lực, các ngân hàng này có thể lựa chọn giải pháp hút tiền trên thị trường 2 về thông qua việc rút vốn hoặc đi vay thêm nếu cần thiết.
Mũi tên trúng nhiều đích
Về phía ngân hàng quốc doanh, việc giảm lãi suất huy động không chỉ để tạo điều kiện giảm lãi suất cho vay theo như định hướng của NHNN, mà trước mắt còn giúp các ngân hàng này giảm ngay được chi phí huy động vốn và mở rộng biên độ lãi suất ra, từ đó tăng khả năng sinh lời.
Việc giảm lãi suất của 4 NHTM quốc doanh cũng được kỳ vọng sẽ tác động đến chính sách lãi suất huy động vốn của các NHTM còn lại. Thực tế thì ngay sau đó đã có ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LPB) giảm lãi suất tiền gửi và trước đó cũng đã có ngân hàng Quân đội (MBB), Quốc tế (VIB), Đông Á (DongABank) điều chỉnh giảm lãi suất. Đầu ra tín dụng khó khăn do nhu cầu vay yếu được xem là câu chuyện dẫn đến tình trạng thừa thanh khoản trong ngân hàng suốt 9 tháng đầu năm nay, dẫn đến các ngân hàng phải đổ vốn vào thị trường trái phiếu, tín phiếu với lãi suất thấp.
Như đã nói trong trường hợp dòng vốn huy động dịch chuyển sang các NHTM cổ phần, nhưng các ngân hàng này thời gian qua cũng gặp khó khăn chung về đầu ra tín dụng, lúc đó buộc phải tăng cho vay và gửi tiền trên thị trường 2 với lãi suất thấp, hoặc chủ động giảm lãi suất cho vay về mức thấp hơn để thu hút khách hàng vay vốn. Nếu vẫn khó cho vay ra, đến lượt các ngân hàng này buộc phải giảm lãi suất huy động về mức thấp hơn, khi đó sẽ kéo lãi suất toàn thị trường xuống một mặt bằng mới thấp hơn, theo đúng mục tiêu của NHNN.
Ngược lại nếu trường hợp dòng vốn huy động không dịch chuyển và vẫn lựa chọn nằm tại các NHTM quốc doanh thì khi đó khách hàng có thể sẽ cân nhắc lại kỳ hạn gửi. Thực tế mức điều chỉnh giảm mạnh lãi suất từ 0.5–0.7% vừa qua chủ yếu tập trung vào các kỳ hạn ngắn dưới 12 tháng, do đó càng kéo giãn chênh lệch giữa lãi suất tiền gửi kỳ hạn dưới 12 tháng và kỳ hạn trên 12 tháng của các ngân hàng này. Thậm chí nếu so với các ngân hàng khác thì mức lãi suất tiền gửi trung dài hạn của nhóm tứ trụ kể trên vẫn đủ sức hấp dẫn. Vì vậy, khách hàng có thể sẽ lựa chọn tất toán các khoản tiền gửi ngắn hạn và chuyển sang tập trung gửi ở các kỳ hạn trên 12 tháng tại nhóm các ngân hàng này.
Khi đó, nguồn vốn trung dài hạn của các ngân hàng này sẽ tăng lên giúp cải thiện đáng kể tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn, nhất là khi tỷ lệ này theo quy định sẽ giảm về chỉ còn 50% từ đầu năm 2017. Theo cách tính mới của Thông tư 06/2016/TT-NHNN thì việc tăng tiền gửi trung dài hạn sẽ giúp kéo tỷ lệ này xuống thấp nhanh hơn so với tăng tiền gửi ngắn hạn. Đây rõ ràng là một chiến lược khôn ngoan nhằm cơ cấu lại kỳ hạn nguồn vốn huy động theo hướng dài hơi và bền vững hơn, nhất là trong bối cảnh mặt bằng lãi suất đang ở mức thấp như hiện nay.
Ngược lại nếu trường hợp dòng vốn huy động không dịch chuyển và vẫn lựa chọn nằm tại các NHTM quốc doanh thì khi đó khách hàng có thể sẽ cân nhắc lại kỳ hạn gửi. Thực tế mức điều chỉnh giảm mạnh lãi suất từ 0.5–0,7% vừa qua chủ yếu tập trung vào các kỳ hạn ngắn dưới 12 tháng, do đó càng kéo giãn chênh lệch giữa lãi suất tiền gửi kỳ hạn dưới 12 tháng và kỳ hạn trên 12 tháng của các ngân hàng này. Thậm chí nếu so với các ngân hàng khác thì mức lãi suất tiền gửi trung dài hạn của nhóm tứ trụ kể trên vẫn đủ sức hấp dẫn. Vì vậy, khách hàng có thể sẽ lựa chọn tất toán các khoản tiền gửi ngắn hạn và chuyển sang tập trung gửi ở các kỳ hạn trên 12 tháng tại nhóm các ngân hàng này./.
|
|