Góc nhìn Point & Figure: Sự khác biệt giữa VN-Index và HNX-Index
Theo các tín hiệu từ Point & Figure thì triển vọng của VN-Index trong dài hạn là khá tốt. Tuy nhiên, HNX-Index lại có triển vọng không mấy sáng sủa.
Điểm tương đồng duy nhất giữa đồ thị của HNX-Index và VN-Index là đều có nền (base) khá rộng và vững chắc. Khái niệm nền (base) trong đồ thị Point & Figure gần giống như vùng tích lũy hoặc đáy dài hạn. Nền càng vững chắc và rộng thì sự biến động sau đó càng lớn.
Tuy nhiên, xu hướng của hai chỉ số này thì lại hoàn toàn ngược nhau.
VN-Index – Các tín hiệu tích cực dài hạn xuất hiện. Đối với VN-Index, quá trình tạo nền gần nhất theo Point & Figure(*) đã kéo dài từ cuối 2008 đến giữa năm 2016. Như vậy là mất một khoảng thời gian rất dài để tích lũy.
(*) Point & Figure (P&F) là phương pháp phân tích đồ thị khá hiệu quả trên thế giới nhưng đòi hỏi chuỗi dữ liệu khá lớn nên chỉ mới phổ biến ở Việt Nam trong vài năm gần đây và thường chỉ được áp dụng cho các chỉ số thị trường.
Đồ thị P&F biểu thị cung cầu ở các mức giá. Mỗi cột X cho thấy cầu đang vượt cung (giai đoạn tăng giá), mỗi cột O cho thấy cung đang vượt cầu (giai đoạn giảm giá) và các cột có chiều cao thấp cho thấy cung cầu khá cân bằng.
Điểm đáng chú ý của đồ thị VN-Index là đường trendline 45 độ dài hạn vẫn luôn duy trì và hỗ trợ rất tốt cho giá. Đây là tín hiệu cho thấy dù còn giằng co mạnh trong ngắn hạn nhưng đà tăng trưởng dài hạn đã được củng cố vững chắc.
Mặt khác, mẫu hình Ascending Triple Top xuất hiện cũng xác nhận đà tăng đang được duy trì tốt và ổn định.
HNX-Index – Vẫn đang giảm giá dài hạn. HNX-Index vẫn chưa vượt qua được đường trendline 45 độ dài hạn nên xu hướng dài hạn chưa thực sự tích cực.
Cột O (giảm giá) duy trì từ 26/11/2009 đến nay vẫn chưa có dấu hiệu bị đảo ngược cho thấy xu hướng giảm đang chi phối.
Thậm chí, đồ thị giá của HNX-Index lại vừa mới xuất hiện mẫu hình Double Bottom(**) nên sự thận trọng tăng cao.
Vì vậy, trong giai đoạn hiện tại, nhà đầu tư nên tập trung vào VN-Index và các mã trên sàn HOSE thì sẽ có cơ hội thắng nhiều hơn là các mã trên HNX.
(**) Double Bottom của P&F có ý nghĩa ngược lại so với Double Bottom của đồ thị thông thường như đồ thị dạng đường, đồ thị dạng cột... Nếu ở các đồ thị thông thường, mẫu hình Double Bottom thường báo hiệu cho một đợt giảm tăng mạnh thì đối với đồ thị P&F mẫu hình này mang ý nghĩa tiêu cực và chuẩn bị có một đợt giảm giá sắp xuất hiện.
|