Giảm thuế TNDN xuống 17% có hạn chế trào lưu SME ra đi?
Mức thuế phí doanh nghiệp phải chịu ở Việt Nam vẫn rất cao so với các nước khác. Việc giảm thuế có thể sẽ là biện pháp tốt để giữ chân các doanh nghiệp ở lại với thị trường.
Đó là chia sẻ của chuyên gia Kinh tế Phạm Chi Lan trong buổi phỏng vấn bền lề tọa đàm "Xây dựng Luật về Hội phù hợp với chiến lược hội nhập quốc tế của Việt Nam" được tổ chức cuối tuần qua tại Hà Nội.
Giảm thuế TNDN xuống 17% cho SME là điều khả thi
Liên quan đến việc giảm thuế TNDN xuống dưới 20% trong năm 2017, bà Lan cho biết ý tưởng giảm thuế TNDN xuống mức 17% được đưa ra trong dự thảo về luật doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) nếu được thông qua thì chỉ áp dụng cho SME hoặc các doanh nghiệp khởi nghiệp và kèm theo thời hạn 3 năm cho đến năm 2020.
Việc giảm thuế đối với doanh nghiệp khởi nghiệp và các doanh nghiệp nhỏ và vừa là sự hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp tham gia thị trường và ngăn trào lưu nhiều doanh nghiệp ngừng hoạt động trong thời gian qua. Trong đó, giảm thuế cũng là một trong những biện pháp tốt để giữ chân doanh nghiệp ở lại với thị trường, xuất phát từ thực tế mức thuế phí mà doanh nghiệp phải chi ở nước ta khá là lớn.
Bà Lan cũng cho biết giảm thuế TNDN xuống 17% là hoàn toàn khả thi bởi phần ngân sách bị mất khi thực hiện chính sách này cũng không đang kể. Theo tính toán của ngành thuế, tổng cộng doanh nghiệp nhỏ và vừa đóng góp cho ngân sách nhà nước từ thuế TNDN hơn 4,000 tỷ đồng, do vậy 3% trong con số này là không lớn và việc giảm thuế là điều rất khả thi.
“Điều mà tôi lo ngại là giảm được thuế TNDN nhưng các thuế phí khác lại không kiểm soát được và ở mức cao chính là điều cản trở sự hình thành và hoạt động của doanh nghiệp vừa và nhỏ”- Chuyên gia Phạm Chi Lan chia sẻ.
Hai năm gần đây, Ngân hàng Thế giới có khảo sát điều tra về mức thuế phí mà doanh nghiệp ở Việt Nam phải chi để nộp ngân sách Nhà nước. Riêng trong năm 2014, tổng mức thuế phí doanh nghiệp phải nộp cho Nhà nước là 40.8% và trong năm 2015 giảm nhẹ xuống còn 39.4% - những con số này vẫn rất cao so với các nước khác.
Bà Lan cũng lấy ví dụ tại Singapore - một trong số đất nước có môi trường doanh nghiệp rất phát triển, mức thuế 17% được áp dụng cho tất cả các doanh nghiệp, điều này khuyến khích và tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển, đồng thời hạn chế được trường hợp doanh nghiệp trốn thuế, hiện tượng chuyển giá mà Nhà nước vẫn thu được ngân sách tốt.
Bên cạnh đó, việc thực thi trong quy trình nộp thuế tại Việt Nam còn nhiều bất cập làm ảnh hưởng đến doanh nghiệp.
“Doanh nghiệp nộp thuế một mặt là thực hiện nghĩa vụ, một mặt là đóng góp cho ngân sách mà lại bị hành đủ các thứ thì vô lý vô cùng”- theo Chuyên gia Phạm Chi Lan.
Doanh nghiệp Việt có lợi thế khi gia nhập thị trường Mỹ
Ngoài ra, bà Lan cũng đề cập đến một trong những thị trường lớn đầy tiềm năng với doanh nghiệp là thị trường Mỹ. Chuyên gia nhận định Mỹ là một thị trường lớn và là đích ngắm mà doanh nghiệp đều muốn với tới. Tuy nhiên, mặc dù hấp dẫn nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng có thể vào được.
Đối với Việt Nam, thị trường Mỹ là một trong những thị trường lớn và quan trọng nhất với rất nhiều sản phẩm của Việt Nam được xuất khẩu sang Mỹ. Đồng thời, Việt Nam cũng là một trong số rất ít những nước được Mỹ cho phép xuất siêu sang thị trường này, kể từ khi có hiệp định quan hệ song phương tới nay. Không như một số nước khác bị tạo sức ép về việc tạo cân bằng trong thương mại hay phải nhập siêu từ Mỹ thì mới có thể duy trì mối quan hệ lâu dài giữa hai bên. Điều này cho thấy, trong quan hệ với Mỹ, Việt Nam đã có những điều kiện khá tốt để doanh nghiệp đi vào thị trường này.
Chuyên gia cho biết, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường Mỹ vẫn liên tục tăng qua các năm, các sản phẩm mặt hàng liên tục phát triển và sự tham gia của các doanh nghiệp cũng trải rất rộng. Không chỉ riêng doanh nghiệp FDI, cả những doanh nghiệp Việt Nam, trong đó có khá nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng đã tìm được các con đường khác nhau để vào được thị trường Mỹ.
Chia sẻ về những điểm cần lưu ý cho các doanh nghiệp Việt, khi muốn “đánh sâu” vào thị trường Mỹ, bà Lan cho biết điều số 1 là muốn kinh doanh tại Mỹ thì cần phải hiểu thị trường của họ.
Thị trường Mỹ là một thị trường rộng lớn và đa dạng, bao gồm nhiều thị trường của các khu vực nhỏ, các cộng đồng nhỏ vì thế cần phải xác định rõ được phân khúc cho sản phẩm, từ đó mới có thể tìm hiểu sâu thêm về các quy định liên quan. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng cần phải tìm hiểu rõ về mức độ cạnh tranh của sản phẩm đưa vào, bởi Mỹ là thị trường có rất nhiều đối thủ, đối tác tham gia.
Ví dụ như sản phẩm lá chuối – một trong những sản phẩm được xuất khẩu tương đối sớm sang thị trường Mỹ chỉ vài năm sau khi ký kết Hiệp định./.
|