Thu ngân sách 5 năm tới sẽ tăng gấp 1,65 lần
Nhiều khoản thu chính vào ngân sách 5 năm qua không đạt yêu cầu. Dự kiến các nguồn thu trong 5 năm tới còn suy yếu hơn nhưng Chính phủ vẫn xây dựng quy mô thu ngân sách 5 năm (2016-2020) tăng gấp 1,65 lần so với 5 năm vừa qua.
Thu từ dầu thô ngày càng giảm trong khi đây là nguồn thu quan trọng của ngân sách Ảnh:TL
|
Vay đảo nợ có xu hướng ngày càng tăng
Đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch tài chính nhà nước 5 năm (2011-2015), Ủy ban Tài chính-Ngân sách (Quốc hội) nhận thấy tỷ lệ huy động từ thuế, phí vào ngân sách khoảng 20-21% GDP, là thấp hơn so với mục tiêu đề ra (không quá 22-23% GDP/năm) và việc thu đã giảm mạnh so với giai đoạn trước nữa. Việc giảm tỷ lệ huy động đã làm tăng bội chi ngân sách. Đồng thời, việc miễn, giảm thuế chưa mang lại tác động tích cực đến sản xuất, kinh doanh trên diện rộng. Do vậy, ủy ban đề nghị Chính phủ cần tổng kết, đánh giá rõ hơn về chính sách miễn, giảm thuế và hiệu quả đem lại đối với nền kinh tế.
Việc sửa các luật thuế cũng chưa đảm bảo tính đồng bộ, chưa dự liệu được hết các tác động của chính sách đối với thu ngân sách nhà nước và làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các nhà đầu tư, doanh nghiệp.
Xu thế tăng thu nội địa là cần thiết để giảm lệ thuộc các khoản thu không ổn định từ bên ngoài. Tuy nihên, số tăng thu từ nội lực nền kinh tế không lớn, nếu loại trừ số thu tiền sử dụng đất, thu sổ xố kiến thiết, thu từ bán tài sản nhà nước. Đặc biệt, tỷ trọng số thu từ thuế thu nhập doanh nghiệp giảm mạnh do chính sách miễn giảm thuế đồng thời do hiệu quả sản xuất kinh doanh không cao.
Thế nhưng, chi ngân sách nhiều khoản lại vượt dự toán khá lớn, tình trạng kỷ luật tài chính chưa nghiêm, nhiều chính sách ban hành nhưng thiếu nguồn lực.
Ví dụ, chi đầu tư phát triển giai đoạn 2011-2015 đã giảm mạnh so với 5 năm trước đó, chỉ còn 18,2% tổng chi ngân sách, so với bình quân 24,4% (2006-2010). Điều này, theo đánh giá của Ủy ban Tài chính-Ngân sách là cán cân tích lũy - tiêu dùng chưa cân đối tích cực, ngày càng khó trong việc bố trí ngân sách cho đầu tư phát triển, giải ngân vốn ODA luôn cao hơn dự toán dẫn đến bội chi ngân sách thực tế luôn vượt dự toán Quốc hội quyết định.
Hệ quả của những vấn đề trên là bội chi ngân sách 5 năm (2011-2015) ở mức cao, bình quân 5 năm khoảng 5,76% GDP là không đạt mục tiêu đề ra (4,5% GDP vào năm 2015 bao gồm cả trái phiếu Chính phủ). Một phần bội chi đã sử dụng để trả nợ gốc, thể hiện cân đối ngân sách chưa chắc chắn.
Đáng nói là, nợ công tính đến hết năm 2015 cho dù vẫn ở ngưỡng an toàn về số liệu, ngoại trừ nợ Chính phủ vượt giới hạn, ở mức 50,3% GDP. Song nếu tính đúng các khoản nợ khác của ngân sách thì còn cao hơn như nợ Quỹ bảo hiểm xã hội, nợ Ngân hàng Chính sách và Ngân hàng Phát triển, nợ đọng xây dựng cơ bản…
Ủy ban Tài chính-Ngân sách nhận định, nếu xét về cơ cấu, nợ vay trong nước tăng nhanh, vốn vay kỳ hạn ngắn chiếm tỷ trọng lớn, chi trả nợ gốc ở mức thấp. Nhất là trong điều hành phải vay đảo nợ có xu hướng ngày càng tăng. Tính riêng năm 2013, vay đảo nợ khoảng 47.000 tỉ đồng. Năm 2014 con số này là 106.000 tỉ đồng. Năm 2015 đã là khoảng 145.000 tỉ đồng.
Xây dựng quy mô thu ngân sách mới rất cao
Để thực hiện kế hoạch tài chính 5 năm (2016-2020) với mức tăng trưởng kinh tế bình quân 6,75%/năm, Chính phủ đã đề ra các số liệu thu ngân sách tăng rất mạnh so với giai đoạn trước.
Cần phải nói thêm rằng, mục tiêu 5 năm vừa qua là tăng trưởng đạt mức 6,5-6,7%/năm nhưng thực tế chỉ đạt bình quân 5,91%/năm. Ngay cả năm nay, khó lòng đạt mức tăng 6,5% khi các quí trước đã tăng trưởng thấp. Như vậy dự báo tăng trưởng 5 năm tới chứa đụng nhiều rủi ro. Mặt khác, hiệu quả tái cơ cấu nền kinh tế chưa cao sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng thu ngân sách, tái cơ cấu chi và có thể phát sinh các nghĩa vụ trả nợ tiềm tàng làm tăng nợ công giai đoạn tới.
Thu ngân sách 5 năm tới chắc chắn còn khó hơn do việc hội nhập sâu sẽ kéo theo việc giảm thuế khi thực hiện các hiệp định thương mại tự do. Giá dầu thô diễn biến khó lường và thấp. Trong khi xây dựng dự toán ngân sách hàng năm phụ thuộc một phần vào dầu thô và thu thuế xuất nhập khẩu.
Chính phủ trình tỷ lệ huy động vào ngân sách trên GDP giai đoạn 2016-2020 bình quân 20-12%. Ủy ban Tài chính-Ngân sách cho rằng, tỷ lệ này còn thấp và đề nghị đặt mục tiêu huy động khoảng 23,8% GDP, trong đó thu từ thuế, phí khoảng 21,8% GDP
Hơn nữa, cơ cấu chi ngân sách hiện nay là ngân sách tiêu dùng, chưa phải là ngân sách phát triển do tỷ lệ chi cho đầu tư-phát triển còn thấp. Do vậy Ủy ban Tài chính-Ngân sách đồng ý với đề nghị của Chính phủ bố trí tổng chi đầu tư phát tiển 5 năm tới khoảng 2 triệu tỉ đồng, chiếm 25-26% tổng chi ngân sách. Tuy nhiên, mức chi này còn phụ thuộc rất lớn vào khả năng thu ngân sách hàng năm và mức cụ thể sẽ do Chính phủ trình Quốc hội quyết theo năm.
...
http://www.thesaigontimes.vn/152926/Thu-ngan-sach-5-nam-toi-se-tang-gap-165-lan.html
|