Giá cao su thế giới trên đà phục hồi
Tính từ mức đáy gần nhất vào giữa tháng 6/2016, đến nay giá cao su thế giới đã tăng hơn 18%.
Diễn biến giao dịch của giá cao su trên sàn giao dịch hàng hóa Tokyo (TOCOM) (Đvt: JPY/kg)
Nguồn: Trading Economics
|
Các hợp đồng cao su tương lai hiện được giao dịch tại sàn giao dịch hàng hóa Tokyo (TOPCOM) và sàn giao dịch cao su Malaysia. Các nhà sản xuất lớn trên thế giới đối với loại hàng hóa này là Trung Quốc, Indonesia, Malaysia và Thái Lan, trong khi một số nhà sản xuất khác với thị phần thấp hơn như Việt nam, Campuchia, Ấn Độ, Sri Lanka...
Giá cao su thế giới đã giảm mạnh hơn 70% từ mức đỉnh hơn 500 JPY/kg trong 5 năm gần đây, tuy nhiên kể từ đầu năm 2016, loại hàng hóa này đã bắt đầu có dấu hiệu tăng trở lại trước nỗ lực cắt giảm xuất khẩu của những quốc gia chiếm tỷ trọng lớn trong thị phần cung cấp sản phẩm này.
Cuối tháng 2/2016, ba quốc gia là Indonesia, Thái Lan và Malaysia, cung cấp 67% sản lượng cao su toàn thế giới đã thống nhất cắt giảm xuất khẩu 615,000 tấn trong 6 tháng từ tháng 2 - 8/2016. Nỗ lực này được nhiều chuyên gia đánh giá sẽ giúp cải thiện giá cao su và giảm bớt dư thừa trên toàn cầu, khi mà nền kinh tế của Trung Quốc - quốc gia đứng đầu về tiêu thụ cao su tiếp tục tăng trưởng chậm lại.
* PHR và DPR đồng thời báo lãi lớn tháng 9, nguyên nhân từ đâu?
Ngay sau thông tin này, chỉ trong vòng 3 tháng từ giữa tháng 2 đến tháng 5/2016, giá cao su thế giới đã bật tăng hơn 40% từ mức gần 145 JPY/kg lên hơn 200 JPY/kg. Một bài viết trên Bloomberg thời điểm đó đã nhận định thị trường giao dịch các hợp đồng tương lai cao su chính thức bước vào thị trường "con bò" với mức tăng hơn 20% kể từ đáy 6 năm thiết lập đầu tháng 1/2016.
Tuy nhiên, tiến sát tới thời điểm kết thúc của thỏa thuận cắt giảm sản lượng, giá cao su thế giới bất ngờ quay đầu lao dốc về mức đáy dưới 150 JPY/kg trước lo ngại về tình trạng dư thừa tiếp tục tái diễn.
Mặc dù đà tăng không còn nhanh như thời điểm thỏa thuận cắt giảm sản lượng được công bố, tuy nhiên giá cao su thế giới bắt đầu có dấu hiệu phục hồi nhờ tín hiệu tốt từ nền kinh tế Trung Quốc, đặc biệt là kỳ vọng ngành công nghiệp sản xuất ô tô Trung Quốc sẽ tăng trưởng mạnh trong những tháng cuối năm. So với mức đáy gần nhất thiết lập vào tháng 6/2016, giá cao su thế giới hiện đã tăng hơn 18%, đạt gần 174 JPY/kg.
Theo báo cáo ngành hàng cao su tháng 9/2016 của Thông tin thị trường cao su, giá cao su thành phẩm tại Bình Phước, Bình Dương, Tây Ninh diễn biến tăng tích cực trong tháng, với mức tăng từ 1,400 – 1,500 đồng/kg. Cụ thể, cao su SVR3L tăng từ 28,200 đồng/kg (ngày 01/09) lên 29,700 đồng/kg (21/09); cao su SVR10 tăng từ 26,500 đồng/kg lên 27,900 đồng/kg. Trái lại, giá mủ cao su dạng nước tại Bình Phước tháng này giảm 500 đồng/kg, từ 7,520 đồng/kg xuống chỉ còn 7,040 đồng/kg đối với mủ tạp 32 độ.
Tính trong 9 tháng, giá cao su thành phẩm tại Bình Phước, Bình Dương, Tây Ninh vẫn tăng, song mức giá hiện nay thấp hơn so với 3 tháng trước. Cao su SVR3L tăng từ 23,900 đồng/kg lên 29,700 đồng/kg (mức cao hồi tháng 6 là 31,600 đồng/kg); cao su SVR10 tăng từ 23,500 đồng/kg lên 27,900 đồng/kg./.
|