Cổ phiếu KVC bay hơn 54% chỉ sau 10 phiên giao dịch
Cổ phiếu KVC của CTCP Sản Xuất XNK Inox Kim Vĩ (HNX: KVC) đã ghi tên danh sách những cổ phiếu "đổ đèo" ngoạn mục trong tháng 10, khi chỉ sau 10 phiên giao dịch, giá thị trường của KVC đã "đi đứt" gần 54%.
Cổ phiếu KVC lên sàn từ tháng 4/2015 với mức giá tham chiếu 16,000 đồng/cp và chỉ sau hơn 3 tháng thị giá cổ phiếu tăng mạnh và có lúc chạm mức 37,900 đồng/cp. Tuy nhiên, ngay sau đó, KVC đã khiến nhà đầu tư phải điêu đứng khi bất ngờ đổ đèo rơi về mức 8,200 đồng/cp phiên ngày 30/09/2015, mất đi 78% giá trị chỉ trong thời gian 2 tháng.
Suốt thời gian đó tới nay, thị giá của KVC từng bước hồi phục với thanh khoản trung bình gần 745 ngàn cp/phiên. Cứ tưởng KVC câu chuyện của quá khứ sẽ không lặp lại thì đầu tháng 10 vừa qua, thị giá của KVC bất ngờ lao dốc từ mức giá 12,600 đồng/cp phiên ngày 10/10 xuống chỉ còn 5,700 đồng/cp tính đến phiên ngày 20/10, bay hơi 54% giá trị.
Diễn biến giao dịch cổ phiếu KVC từ đầu tháng 10
|
Đi cùng với việc sụt giảm giá, giao dịch của cổ phiếu KVC trên thị trường xảy ra hiện tượng mất thanh khoản, trắng bên mua nhưng khối lượng bên bán tại giá sàn thì khá cao, đặc biệt trong 3 phiên giao dịch gần đây thì dư bán luôn trên 10 triệu đơn vị/phiên, xấp xỉ trên 20% vốn điều lệ của KVC.
Thị giá cổ phiếu KVC từ đầu năm đến nay
|
Điều đáng chú ý là trên thị trường, dường như không có thông tin tiêu cực nào về doanh nghiệp hay những dự báo xấu về hoạt động kinh doanh, vậy nguyên nhân nào dẫn đến việc giảm giá đột ngột của cổ phiếu KVC?
Vấn đề niềm tin đối với nội bộ Ban lãnh đạo
Trở lại khoảng thời gian mà KVC vừa chân ướt chân ráo lên sàn, khi đó câu chuyện xoay quanh KVC không chỉ ở vấn đề giá cổ phiếu mà còn đến từ chính Ban lãnh đạo và cổ đông lớn của Công ty.
Vào giữa tháng 11/2015, gần 7 tháng kể từ khi niêm yết trên sàn HNX, hàng loạt cổ đông lớn của KVC công bố thông tin giảm tỷ lệ sở hữu xuống dưới 5% và ra khỏi danh sách cổ đông lớn.
Chưa dừng lại ở đó, vào tháng 12/2015, 9 tháng từ khi niêm yết, sau động thái thoái vốn của các cổ đông lớn, dàn lãnh đạo cấp cao của KVC cũng đăng ký bán hết tổng cộng 4.4 triệu cp đang nắm giữ. Trong khi đó, theo quy định của HNX, cổ đông là cá nhân, tổ chức có đại diện sở hữu là thành viên Hội đồng quản trị, ban kiểm soát, Tổng Giám đốc hoặc Giám đốc, Phó Tổng Giám đốc hoặc Phó Giám đốc và Kế toán trưởng của công ty phải cam kết nắm giữ 100% số cổ phiếu do mình sở hữu trong thời gian 6 tháng kể từ ngày niêm yết và 50% số cổ phiếu này trong thời gian 6 tháng tiếp theo.
Cuối cùng, dàn lãnh đạo của KVC chỉ thoái được 50% số cổ phiếu đăng ký bán và tiếp tục nắm giữ phần còn lại. Lúc đó, lý do được ban lãnh đạo đưa ra là muốn thoái vốn tại KVC để đầu tư riêng dự án Resort cao cấp tiêu chuẩn 5 sao tại Long Hải (Bà Rịa – Vũng Tàu) giai đoạn 2 với tổng mức đầu tư 106 tỷ đồng.
Điều trùng hợp xảy ra là động thái thoái vốn của cả ban lãnh đạo lẫn các cổ đông lớn diễn ra sau khi KVC dự định sẽ phát hành 33 triệu cp cho cổ đông hiện hữu theo tỷ lệ 1:2 với giá 10,000 đồng/cp, nhằm tăng vốn điều lệ và mở rộng sản xuất.
Theo kế hoạch sử dụng vốn ban đầu, 330 tỷ đồng thu về KVC sẽ đầu tư thiết bị máy móc, xây dựng nhà kho, mua đất để mở rộng sản xuất. Tuy nhiên, tới cuối tháng 5/2016, KVC đã bất ngờ tổ chức ĐHĐCĐ bất thường để thay đổi phương án sử dụng vốn, trong đó đáng chú ý là sự xuất hiện của khoản chi đầu tư tài chính 36 tỷ đồng.
|
Mới đây, việc phát hành của KVC đã được thực hiện từ ngày 26/04 đến 24/05/2016, khi thị giá cổ phiếu KVC dao động ở mức 11,500-11.600 đồng/cp. Kết quả đã có 53 cổ đông đã mua hơn 27.5 triệu cp và gần 5.5 triệu cp không bán hết, HĐQT đã bán cho 3 cá nhân là Vũ Đình Hải (1.65 triệu cp), Nguyễn Thị Cẩm Nhung (1.65 triệu cp) và Nguyễn Ngô Phương Thảo (gần 2.2 triệu cp).
Điểm đáng chú ý là theo báo cáo quản trị 6 tháng đầu năm, số lượng cổ phiếu nắm giữ của các thành viên HĐQT, BKS, Tổng Giám đốc, Phó Tổng giám đốc, Kế toán trưởng của KVC không hề thay đổi trước và sau khi phát hành cổ phiếu, đồng nghĩa với việc dàn lãnh đạo đã không hề tham gia mua cổ phiếu trong đợt phát hành của KVC.
Nguy cơ vỡ kế hoạch và những khoản vay, tạm ứng cá nhân
Điểm đôi nét về hoạt động kinh doanh của KVC, trong nửa đầu năm 2016, KVC đạt doanh thu hơn 206.5 tỷ đồng, giảm 8% so với cùng kỳ năm trước và tương đương chỉ 34% kế hoạch năm. Do không còn khoản lãi gần 3 tỷ đồng từ thanh lý tài sản cố định như năm trước, lãi sau thuế của KVC sụt giảm mạnh gần 50%, xuống mức 5.5 tỷ đồng và chỉ đạt gần 16% chỉ tiêu năm đề ra. Mặc dù số liệu trên chỉ là kết quả của nửa đầu năm 2016, tuy nhiên điều này cũng khiến nhà đầu tư đặt dấu hỏi về khả năng hoàn thành kế hoạch năm của KVC.
Tính đến thời điểm 30/06/2016 (sau khi kết thúc đợt phát hành 33 triệu cp), khoản mục tài sản ngắn hạn của KVC tăng mạnh từ mức gần 250 tỷ đồng hồi đầu năm lên mức hơn 615.6 tỷ đồng. Thay đổi lớn nhất tập trung ở khoản trả trước cho người bán nhảy vọt từ mức 19 tỷ đồng lên mức hơn 243.7 tỷ đồng, KVC đã chi một loạt các khoản ứng trước cho 5 Công ty, trong đó KVC ứng trước cho Công ty TNHH Công nghệ Kim Long 134 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, khoản phải thu về cho vay ngắn hạn và khoản phải thu khác của KVC cũng tăng từ 3 tỷ đồng lên gần 113 tỷ đồng, cùng với sự xuất hiện của hàng loạt các cá nhân được cho vay, tạm ứng. Đáng chú ý, các khoản tiền 38.5 tỷ đồng và 21.5 tỷ đồng cho 2 cá nhân Nguyễn Thị Yến Nhi và Trịnh Thị Ngọc Hạnh là 2 khoản tạm ứng trong giao dịch mua bán quyền sử dụng 2 khu đất của ông Đỗ Hùng – Chủ tịch HĐQT của KVC với 2 cá nhân trên. Sau đó, 2 cá nhân này có trách nhiệm sẽ sang tên 2 khu đất lại cho KVC. Bên cạnh đó, KVC còn chi tạm ứng 36 tỷ đồng cho cá nhân Hồ Ngọc Giàu để mua hàng hóa và cho 3 cá nhân khác vay tổng số tiền 10 tỷ đồng.
CTCP Sản xuất - Xuất nhập khẩu Inox Kim Vĩ tiền thân là công ty TNHH Kim Vĩ được thành lập năm 2008. Trước giai đoạn niêm yết, 3 năm liên tiếp từ 2012-2014, công ty đều thực hiện tăng vốn thông qua chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu. Lần thứ nhất là vào tháng 11/2012, công ty tăng vốn thêm 20 tỷ đồng lên 36 tỷ đồng; lần 2 vào tháng 3/2013 tăng thêm 72 tỷ đồng lên 108 tỷ đồng; lần 3 vào tháng 9 năm 2014 tăng thêm 57 tỷ đồng lên 165 tỷ đồng và lần gần đây nhất tăng từ 165 tỷ đồng lên 465 tỷ đồng trong tháng 5/2016.
Năm 2012 và 2013, công ty vẫn còn lỗ lũy kế và phải đến năm 2014 sau khi ghi nhận khoản lãi ròng 22.3 tỷ đồng đột biến thì KVC mới suýt soát khắc phục được lỗ lũy kế này. Nhiều khả năng đây là nguyên nhân khiến một doanh nghiệp có trụ sở và cơ sở sản xuất chính ở khu vực TPHCM như KVC lại niêm yết ở sàn HNX. Phải chăng vì ở sàn HNX chỉ quy định doanh nghiệp niêm yết không có lỗ lũy kế (?), trong khi sàn HOSE yêu cầu doanh nghiệp muốn niêm yết phải có lãi trong 3 năm trước đó.
|
Xem thêm:
* Lãnh đạo Kim Vĩ nói gì về việc rút vốn trái luật?
* KVC: Khó hiểu với cuộc tháo chạy của gia đình Chủ tịch
* Inox Kim Vĩ: Cớ gì lại rớt thảm!
* Tròn 1 năm niêm yết và sắp chào bán 33 triệu cp, lãnh đạo KVC có thoái nốt vốn?
* ĐHĐCĐ KVC: Điều chỉnh phương án sử dụng vốn phát hành cùng kế hoạch lãi 35 tỷ trong 2016
|