Bài học nào từ những vụ đầu tư thất bại của các ngôi sao thể thao?
MarketWatch cho biết, đôi khi, các vận động viên chuyên nghiệp gần như có tất cả: tuổi trẻ, kỹ năng và mức lương đáng ganh tỵ. Tuy nhiên, họ cũng đối mặt với rủi ro chấn thương nghiêm trọng cũng như sự nghiệp ngắn ngủi và việc nhận được những mức lương cao ngất có thể sẽ biến họ sẽ trở thành “miếng mồi ngon” cho những nhà đầu tư xảo quyệt.
Theo chương trình “60 phút” của đài CBS hôm Chủ Nhật vừa qua, Jeff B. Rubin, một nhà tư vấn có đăng ký và cũng là Chủ tịch của Công ty Dịch vụ Tài chính Pro Sports Financial, Inc., đã làm tiêu tan tổng cộng 43 triệu USD của hàng chục ngôi sao ở giải bóng bầu dục Mỹ (NFL) chỉ vì một vụ đầu tư chưa được nghiên cứu kỹ.
Ông Rubin đã bỏ tiền của các khách hàng vào một vụ đầu tư liên quan đến các trò chơi bingo điện tử, được lắp đặt trong một sòng bạc mới có tên là “Country Crossing” ở Alabama. Trong quá trình xây dựng, Thống đốc bang Alabama, Bob Riley, đã thông báo bang này đang thành lập một biệt đội chống đánh bạc, và chỉ sau hai tuần đi vào hoạt động, biệt đội này đã buộc các trò chơi này phải ngưng hoạt động.
Thế là các cầu thủ bị mất “cả chì lẫn chài”. Trước đó, Rubin cứ nghĩ ông và khách hàng của mình sẽ kiếm được bộn tiền khi thuyết phục các vận động viên này bỏ tiền ra vào năm 2008. Tuy nhiên, đã có nhiều bước đi sai lầm trong quá trình đó.
Luật sư của Rubin là James Sallah, đến từ công ty luật Sallah Astarita & Cox, đã từ chối đưa ra lời bình luận. Một tài liệu liên quan đến vụ kiện tụng từ Securities & Exchange cho rằng Rubin đã không tiết lộ cho các khách hàng biết ông ta có một lượng tiền đóng góp vào “Country Crossing”, khi đó đang cung cấp tiền cho một lối sống xa hoa, bao gồm cả việc thế chấp ngôi nhà trị giá hàng triệu USD, các khoản tiền thuê chiếc Lamborghini Gallardo Spyder, những chuyến nghỉ mát bằng du thuyền, những túi xách tay hàng hiệu và các dịch vụ chăm sóc sắc đẹp cho bạn bè, và một lượng vốn ở một hộp đêm tại Florida.
Các vận động viên, không chỉ từ NFL mà còn ở tất cả các môn thể thao, thường bị rơi vào tình trạng tài chính bấp bênh sau khi giải nghệ. Lương họ có thể khá “khủng”, nhưng tuổi nghề của họ lại quá ngắn. Một ngân sách không cân bằng, hoặc không... tồn tại, có thể khiến họ phải mang nợ sau chuỗi ngày vinh quang.
Tuy nhiên, có được ai đó đáng tin cậy để thảo luận chuyện quản lý tiền bạc cũng là điều quan trọng. MarketWatch đã đưa ra 4 điều nên xem xét khi bạn tìm kiếm một nhà tư vấn tài chính:
1. Không bảo đảm về lợi nhuận
Ông Rubin đã kỳ vọng các cầu thủ của mình sẽ có được khoản lợi nhuận “khổng lồ”. Thay vào đó, một vài người trong số họ đã phải đối mặt với chuyện bị tịch thu và thu hồi tài sản. Vernon Davis của đội Washington Redskins và cựu cầu thủ Fred Taylor thuộc đội New England Patriots là hai trong số các cầu thủ đã làm việc với Rubin và xuất hiện trong chương trình “60 phút”. Ông Davis cho biết Rubin đã vẽ ra một bức tranh “tuyệt vời” về những gì sắp xảy ra trong tương lai. Các chuyên gia tư vấn không được yêu cầu phải bảo đảm sẽ mang về lợi nhuận, và đa số họ sẽ bảo bạn rằng thành quả trong quá khứ không phản ánh bất cứ điều gì về lợi nhuận trong tương lai. Ủy ban Chứng khoán Mỹ (SEC) cảnh báo nhà đầu tư rằng, nếu chuyên gia tư vấn đang hứa hẹn về các khoản lợi nhuận, và đặc biệt là nếu họ không thảo luận về khoản thua lỗ tiềm năng, thì hãy... nghi ngờ.
2. Cần biết người tư vấn cho bạn là thuộc nhóm nào
Không phải tất cả nhân viên tư vấn đều giống nhau. Một vài người trong số họ, được gọi là môi giới, có thể kiếm được hoa hồng từ lời khuyên của mình, và được đăng ký với Cơ quan Quản lý Ngành Tài chính (Finra). Các nhà tư vấn đầu tư đã đăng ký tại các tiểu bang hay SEC, và đáp ứng được tiêu chuẩn ủy thác, thì phải hành động vì lợi ích tốt nhất của khách hàng, do đó phải cho khách hàng biết khi có xung đột lợi ích. Một thuật ngữ quan trọng để nhớ, và thậm chí để hỏi các nhà tư vấn, là họ “tính hoa hồng dựa theo phí thù lao” (Fee-based) hay “chỉ tính thù lao” (Fee-only). Thuật ngữ đầu nghĩa là nhà tư vấn sẽ được trả một mức phí và hoa hồng, trong khi thuật ngữ sau chỉ tính phí cho các dịch vụ của họ. Các nhà tư vấn cũng có thể đạt được các loại chứng nhận và những chỉ định. Những giấy tờ này sẽ quyết định những thứ họ có thể làm và những thứ không được làm. Chẳng hạn, một nhân viên môi giới sẽ cần phải vượt qua một kỳ thi Series 7 để trở thành một người đại diện cổ phiếu tổng quát.
3. Hãy kiểm tra giấy tờ online của người môi giới
Kiểm tra các thông tin cơ bản của nhà tư vấn là bước quan trọng đầu tiên. Finra có một công cụ miễn phí dành cho nhà đầu tư gọi là “BrokerCheck” để kiểm tra các thông tin cơ bản của người môi giới. Nhà đầu tư chỉ cần gõ tên của người tư vấn vào và sẽ có được những thông tin cần thiết, cũng như một báo cáo chi tiết gồm cả những tiết lộ quan trọng, như các vụ phân xử và các vụ chấm dứt hợp đồng làm việc. Chẳng hạn khi tìm thông tin về Rubin, BrokerCheck cho thấy ông đã bị SEC “cấm cửa” và đã có 6 sự kiện quan trọng được tiết lộ, bao gồm trường hợp một khách hàng cáo buộc rằng một số đơn bảo hiểm nhân thọ có chữ ký không phải của ông ta.
Khách hàng có thể tìm kiếm nhà tư vấn để biết về đơn vị chủ quản hiện tại, bằng cấp, lịch sử đăng ký và các thông tin đã công bố hoặc tìm kiếm công ty để biết thêm thông tin chi tiết như số lượng khách hàng và các tài sản đang quản lý. Bảng thông tin về nhà môi giới phải được cập nhật hàng năm và nhà đầu tư có thể tìm kiếm miễn phí.
4. Hãy yêu cầu sự khai trình rõ ràng và thỏa thuận rủi ro
Minh bạch là một trong những khía cạnh quan trọng nhất trong quá trình làm việc với một nhà tư vấn. Người đó phải cung cấp cho khách hàng những tờ khai trình rõ ràng và bất kỳ tài liệu nào có liên quan đến tình hình tài chính của khách hàng. Trong trường hợp của Rubin, các vận động viên không nhận được một hợp đồng nhận mua cổ phiếu (hợp đồng này giải thích rủi ro của các vụ đầu tư) cho mãi tới năm 2010, sau khi các cầu thủ đã giao cho Rubin hàng triệu USD. Trong một lời khai, Rubin nói ông ta không biết họ đã nhận được hợp đồng này hay không. Theo quy định, các nhà tư vấn có đăng ký với SEC phải cung cấp cho khách hàng những tài liệu công bố thông tin rõ ràng trước hoặc vào lúc ký kết hợp đồng làm việc với nhau./.
|