Xuất khẩu sang Anh: Nhu cầu lớn nhưng vẫn không bán được
Việc phát triển thương hiệu chưa được chú trọng đúng mức, thương hiệu còn nhỏ, còn yếu… đang là những rào cản khiến hàng hóa Việt Nam khó xâm nhập vào các thị trường nước ngoài mà cụ thể là thị trường Anh. Hàng Việt Nam dù tốt, dù rẻ nhưng chỉ như “cô gái đẹp mỉm cười trong bóng tối”.
Dù là nước sản xuất, xuất khẩu cà phê hàng đầu thế giới, các thương hiệu cà phê Việt vẫn còn mờ nhạt trên thị trường quốc tế (Ảnh minh họa).
|
Nhu cầu lớn vẫn không bán được
Bà Nguyễn Thị Hồng Thủy, Tham tán thương mại tại Vương quốc Anh cho biết, Anh được đánh giá là một trong những thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam trong Liên minh châu Âu (EU). Quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Vương quốc Anh đã có những tăng trưởng không ngừng trong những năm qua. Hơn nữa, sự khác biệt về cơ cấu sản phẩm xuất khẩu đã tạo điều kiện thuận lợi cho Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường Anh, nhất là đối với sản phẩm tiêu dùng.
“Hầu hết các công ty của Anh đều tập trung vào những sản phẩm công nghệ cao, y tế, dược phẩm, máy móc thiết bị… hơn là sản xuất hàng tiêu dùng thiết yếu. Vì vậy, Anh có nhu cầu lớn về những mặt hàng mà Việt Nam có ưu thế như nông lâm thủy sản, dệt may, da giày và các sản phẩm tiểu thủ công nghiệp”, bà Thủy nói.
Tuy nhiên trên thực tế, các DN Việt Nam chưa khai thác được hết điều kiện này. Hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam chỉ đáp ứng được một phần rất nhỏ những nhu cầu trên của thị trường này. Bà Thủy cho biết, người tiêu dùng tại Anh hiện cũng chỉ biết tới một số thương hiệu của Việt Nam như Vietnam Airlines, Bia Saigon, Buffalo tours… Trong khi đó, rất nhiều thương hiệu khác có chất lượng rất tốt, nhưng quảng bá yếu và đã bị đánh bật khỏi thị trường này.
Tiếp tục về câu chuyện thương hiệu, bà Thủy cho rằng, Việt Nam mặc dù xuất khẩu cà phê vối (robusta) lớn nhất thế giới, xuất khẩu gạo cũng thuộc “top đầu”, nhưng thế giới mới chỉ “biết chung chung” vậy thôi, chứ chưa có thương hiệu cụ thể nào.
“Gà Mạnh Hoạch của Việt Nam rất ngon, chẳng thua kém gà KFC nhưng gà KFC thì lại nổi tiếng toàn thế giới. Có thể thấy, nếu chúng ta có cái tốt mà không quảng cáo thì chẳng khác gì nhà có cô gái đẹp mà mỉm cười trong bóng tối”, bà Thủy ví von.
Ông Đỗ Kim Lang, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) cho rằng, Vương quốc Anh hiện là trung tâm tài chính hàng đầu thế giới và là nền kinh tế đứng thứ 5 thế giới, thứ 2 châu Âu. Cùng đó, Anh còn là một trong những thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam trong khối EU. Do vậy, trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, vị thế chính trị và kinh tế của Việt Nam ngày một nâng cao thì việc xây dựng hình ảnh thương hiệu lớn mạnh, uy tín là mục tiêu quan trọng của Nhà nước, cộng đồng DN.
Tuy nhiên, ông Đỗ Kim Lang cũng thừa nhận, Việt Nam vẫn chưa có thương hiệu nào thực sự có tiếng vang trên thị trường quốc tế. Sở dĩ vậy bởi chất lượng sản phẩm còn hạn chế, mẫu mã hàng hóa còn mờ nhạt nên ít người biết đến.
Tiêu chuẩn hóa, uy tín và chất lượng
Để đưa thương hiệu thâm nhập vào thị trường Anh, ông Saby Mishra, Giám đốc điều hành của J. Water Thompson Việt Nam (một công ty quảng cáo và quan hệ công chúng đa quốc gia với trụ sở chính tại Thủ đô London, Anh) chia sẻ, mặc dù Anh được xem là nước có nền kinh tế mở, ủng hộ thương mại tự do toàn cầu, nhưng hàng xuất khẩu vào thị trường Anh lại chịu sự kiểm soát khá gắt gao về các tiêu chuẩn kỹ thuật, an toàn thực phẩm... Những "rào cản" này thường được áp dụng theo tiêu chí mới nhất của châu Âu và thông thường đó cũng là những tiêu chuẩn cao nhất đang được quốc tế áp dụng.
Vì thế, các DN Việt Nam muốn thâm nhập thị trường Anh phải bảo đảm ít nhất ba vấn đề sau: Tiêu chuẩn hóa, sức khỏe và môi trường. Điều này đồng nghĩa với việc phải xây dựng được một thương hiệu uy tín và chất lượng.
Theo khuyến cáo của các chuyên gia, DN sẽ vững mạnh nếu xây dựng được chiến lược thương hiệu thành công, trong đó sự “khác biệt” đóng vai trò chủ chốt và có ảnh hưởng lớn tới vị trí của sản phẩm trong tâm trí khách hàng. Cùng với đó, việc tạo ra sự khác biệt đồng nghĩa với việc làm thoả mãn nhu cầu của khách hàng và đây cũng là chìa khóa giúp DN xây dựng và bảo vệ thành công thương hiệu của chính mình.
Trao đổi về những khó khăn mà DN đang gặp phải khi quảng bá thương hiệu tại Anh, ông Đỗ Kim Lang cho rằng, làm thương hiệu là hoạt động đòi hỏi chi phí cao như tìm hiểu thị trường, truyền thông, phát triển thương hiệu, tổ chức các sự kiện, hoạt động quảng bá có tính chất cộng đồng… Vì vậy, các DN có thể tham gia vào chương trình Thương hiệu quốc gia để có mạng lưới chuyên gia trong và ngoài nước hỗ trợ, giảm thiểu chi phí mà DN có thể phải trả nếu tự mình làm.
Nói về những hoạt động xúc tiến thương mại sang Vương quốc Anh trong thời gian tới, bà Nguyễn Thị Hồng Thủy cho biết, cuối tháng 9 sẽ có hội thảo về ngành cà phê của Việt Nam và ngay sau đó, Hiệp hội Cà phê Việt Nam sẽ làm việc với các sàn giao dịch hàng hóa tại London. Tháng 10 này, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) sẽ đến thăm các siêu thị của Anh để có các hoạt động hợp tác giao thương. Sang năm 2017, các tham tán thương mại tại Anh sẽ làm việc với một số nhà bán lẻ để thực hiện Tuần lễ hàng Việt Nam tại London…
Phan Trang
chính phủ
|