Tỷ suất sinh lời không tưởng cho dàn cổ đông kiên trì nắm giữ Coteccons 5 năm qua
Cổ phiếu CTD của Xây dựng Coteccons hiện đang dẫn đầu thị trường niêm yết về giá, vượt đối thủ đứng thứ hai đến gần 100,000 đồng và đã tăng gấp 5 lần trong vòng 5 năm qua (xét theo giá điều chỉnh), đồng thời đơn vị cũng rất hào phóng chia những khoản cổ tức tiền mặt lớn cho cổ đông.
Chia thưởng khủng, giá tăng phi mã
Coteccons chào sàn HOSE vào đầu năm 2010 với vốn điều lệ 184.5 tỷ đồng và giá cổ phiếu CTD đóng cửa phiên đầu tiên ở mức 114,000 đồng/cp. ĐHĐCĐ thường niên diễn ra trong năm đầu niêm yết đã thông qua dùng thặng dư cổ phần năm 2009 để chia thưởng cp cho cổ đông với tỷ lệ 3:2, tăng vốn lên 317 tỷ đồng. Đồng thời, năm này Công ty cũng thanh toán cổ tức tiền mặt 10%.
Giai đoạn từ 2010 đến 2013, CTD duy trì chia cổ tức tiền mặt đều đặn ở mức 20% mỗi năm, bất ngờ năm 2014 chia đến 50% và 2015 chia 55% cổ tức bằng tiền. Như vậy, xét ra thì tổng mức cổ tức Công ty thanh toán cho cổ đông là 185% mệnh giá, ứng với tổng giá trị gần 750 tỷ đồng.
Mặc khác, giá cổ phiếu CTD (điều chỉnh) đã tăng phi mã trong vòng gần 2 năm qua, từ mức 50,000 đồng/cp lên 260,300 đồng tính đến kết phiên 16/09/2016, tăng gấp 4.2 lần. Hiện tại, CTD đang là cổ phiếu có giá cao nhất sàn chứng khoán Việt Nam, bỏ xa cổ phiếu ngay sau nó Bến xe Miền Tây (HNX: WCS) đến gần 100,000 đồng/cp. Và xét về mặt thanh khoản, CTD cũng vượt trội khi có khoảng 100,000 cp trao tay mỗi phiên trong khi cổ phiếu giá cao liền kề WCS mỗi phiên chỉ khoảng 3,000 đơn vị khớp thậm chí có phiên không có giao dịch.
Diễn biến giá CTD trong 5 năm qua (giá điều chỉnh)
|
Những mức sinh lời khủng
Quả thật, với mức giá tăng phi mã kèm những khoản chia thưởng lớn, nếu một cổ đông kiên trì nắm giữ CTD trong 5 năm qua thì tỷ suất sinh lời quả là đáng mơ ước.
Trong danh sách cổ đông lớn của CTD từ thời mới niêm yết, ông Nguyễn Bá Dương, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc là đối tượng duy nhất còn lại. Tại thời điểm 07/09/2010, ông Dương sở hữu hơn 1 triệu cp, ứng với tỷ lệ 5.74%, tính theo mức giá chào sàn của CTD là 114,000 đồng/cp thì giá trị khoản đầu tư đạt 114 tỷ đồng. Qua năm năm, số lượng cp ông Dương có là gần 2.5 triệu cp và tỷ lệ sở hữu 5.29% (số lượng cp tăng chủ yếu nhờ chia thưởng và ESOP) với giá trị 650 tỷ đồng (tạm tính theo mức giá 260,000 đồng/cp). Chưa tính cổ tức tiền mặt thì tài sản này của ông Dương đã nhân 5 lần sau 5 năm nắm giữ cổ phiếu CTD.
Hay như Kustocem Pte. Ltd đầu tư vào CTD vào năm 2012 trong đợt phát hành riêng lẻ 10.43 triệu cp, giá 50,000 đồng/cp, tức tổng giá trị đầu tư là trên 520 tỷ đồng. Sau ba năm, giá trị khoản đầu tư đã tăng lên 2,700 tỷ, gấp 5.2 lần (chưa xét 151 tỷ cổ tức tiền mặt).
Đây đều là những con số đáng mơ ước của bất cứ chuyên gia, tổ chức đầu tư nào!
Sẽ còn những khoản chia thưởng hấp dẫn
Mới đây, HĐQT Công ty công bố Nghị quyết về phương án phát hành 16.38 triệu cp để thưởng cho cổ đông hiện hữu từ thặng dư vốn cổ phần, ứng tỷ lệ 3:1. Dự kiến sẽ thực hiện trong quý 3 hoặc 4/2016. Mặt khác, theo quyết định tại ĐHĐCĐ thường niên 2016, Công ty có kế hoạch chia cổ tức tiền mặt tỷ lệ 30%. Đối với cổ phiếu có thị giá cao như CTD việc chia cổ tức tiền mặt có lẽ sẽ không mấy hấp dẫn do tỷ suất sinh lời tính trên vốn đầu tư ban đầu không cao nhưng việc chia thưởng cp lại mang lại nhiều lợi ích hơn.
Tính đến cuối quý 2/2016, CTD còn nguồn thặng dư vốn cổ phần 1,385 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối 609 tỷ đồng và quỹ đầu tư phát triển 1,070 tỷ đồng. Trong khi đó, vốn đầu tư của chủ sở hữu chỉ mới ở mức 469 tỷ đồng. Về nợ, dù tổng nợ phải trả chiếm đến 57% tổng tài sản nhưng Công ty không vay mà chủ yếu là phải trả người bán hay người mua trả tiền trước.
Hiện CTD cũng đang có phương án chào bán 14.43 triệu cp cho 3-6 nhà đầu tư với giá tối thiểu 152,000 đồng/cp. Nếu phương án này thành công tại mức giá tối thiểu thì Công ty sẽ lại bổ sung thêm vào thặng dư vốn cổ phần một khoản tiền khủng hơn 2,000 tỷ đồng. HĐQT cũng cho biết đã phong tỏa tỷ lệ sở hữu nước ngoài ở mức 40% để phục vụ cho đợt phát hành trên.
Tổng nguồn vốn huy động được CTD dự định để thành lập công ty mới, M&A, đầu tư trực tiếp hoặc góp vốn hợp tác các dự án xây dựng, bất động sản và đầu tư máy móc thiết bị. Điều này cũng để phục vụ cho định hướng kinh doanh xây dựng chuỗi cung ứng liên quan đến ngành xây dựng, phát triển đa dạng để hạn chế bớt rủi ro của thị trường bất động sản. Công ty đang có mục tiêu cán mốc doanh thu 1 tỷ USD vào năm 2017 và trong tương lai doanh thu mảng xây lắp sẽ chỉ chiếm 50% (trong khi tỷ trọng hiện nay là 97%).
Riêng trong năm 2016, Công ty đặt mục tiêu thực hiện 16,500 tỷ đồng doanh thu và 800 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Nửa chặng đường đã trôi qua, xét về doanh thu, CTD mới thực hiện được gần 1/3 kế hoạch nhưng lợi nhuận ròng thì đã hoàn thành 74%. EPS 4 quý gần nhất ở mức ngất ngưỡng 24,117 đồng, cao nhất trong lịch sử hoạt động.
Theo báo cáo phân tích của MBS, Conteccons hiện đang là doanh nghiệp dẫn đầu lĩnh vực xây dựng dân dụng, sức khỏe tài chính lành mạnh và khả năng quản lý dòng tiền tốt. Số liệu tổng kết năm 2015 cho thấy Công ty hiện đang có biên lợi nhuận ròng trên doanh thu rất cao 4.87% và gấp đôi mức trung bình ngành.
Xem thêm:
* DRC – Cỗ máy siêu lợi nhuận cho cổ đông
* Cổ phiếu AAA vượt vũ môn hóa rồng và thành quả dành cho cổ đông
|