Thứ Sáu, 23/09/2016 09:55

Tháo gỡ nợ xấu bằng những nguồn lực nào?

Điều quan trọng nhất khi rót tiền giải cứu một ngân hàng là phải đảm bảo cho ngân hàng đó hoạt động một cách bình thường và thậm chí còn thuận lợi hơn nhờ có sự bảo lãnh của Chính phủ, theo tin từ DNSG.

 

Trong dự thảo đề án kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020, Chính phủ lần đầu tiên giao Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước xây dựng Đề án Nghiên cứu khả năng bố trí nguồn lực ngân sách nhà nước để xử lý một phần nợ xấu, dự kiến trình vào năm 2017. Việc dùng ngân sách để xử lý nợ xấu đã được nhắc đến nhiều lần trước đây, nhưng đây là lần đầu tiên được xem xét, nghiên cứu nghiêm túc để luật hóa.

Tuy nhiên, đề xuất này hiện đang vấp phải nhiều ý kiến trái chiều từ các chuyên gia tài chính, một số ủng hộ phương sách này như là cách để giải quyết cục "máu đông" nợ xấu đã tồn tại quá lâu, một số khác kịch liệt phản đối với lập luận đây chẳng khác nào dùng tiền của người nghèo chia cho người giàu. Chẳng những thế, việc sử dụng ngân sách để xử lý nợ xấu càng gây áp lực lên thực trạng ngân sách hiện tại vốn đang thâm hụt.

Xử lý như thế nào và hiệu quả đến đâu?

Chưa thể biết được ngân sách sẽ được sử dụng và cụ thể xử lý nợ xấu như thế nào? Gần đây, vào trung tuần tháng 6/2016, Ngân hàng Nhà nước có ban hành Thông tư số 08/2016/TT-NHNN về việc sửa đổi bổ sung một số điều của Thông tư số 19/2013/TT-NHNN quy định về việc mua, bán và xử lý nợ xấu của Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC), Điều 47 cho phép VAMC được sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro đối với các khoản nợ xấu được mua theo giá thị trường, đặc biệt sau 5 năm nếu không thể thu hồi được có thể xuất toán khoản nợ đã xử lý rủi ro ra khỏi ngoại bảng sau khi được Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính chấp thuận bằng văn bản.

Theo quy định trên, nếu chỉ đơn thuần bơm tiền cho VAMC trích lập dự phòng và xử lý rủi ro đối với các khoản vay khó đòi thì rõ ràng nguồn lực ngân sách cần sẽ khá lớn.

Ngoài ra, liệu có tránh được trường hợp sử dụng ngân sách và chỉ ưu tiên xử lý những khoản vay của các nhóm lợi ích, doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp thân hữu, dù đây có thể chưa phải là những đối tượng thật sự khó khăn nhất?

Nếu chỉ đơn thuần dùng ngân sách để xử lý rủi ro cho các khoản nợ xấu thì hiệu quả có thể rất thấp và khó có được sự lan tỏa đến các đối tượng khác trong nền kinh tế.

Điều này cũng sẽ tạo ra tiền lệ rất xấu, vì nếu cứ sử dụng ngân sách để xử lý những hậu quả xấu do các thực thể trong nền kinh tế gây ra, thì có thể khiến các tổ chức tín dụng chấp nhận rủi ro cao hơn khi cho vay.

Giải cứu ngân hàng thay vì giải cứu nợ xấu

Thay vì dùng tiền ngân sách để xử lý nợ xấu thì có thể xem xét đến lựa chọn rót nguồn lực này vào các ngân hàng đã bị âm vốn, từ đó giúp các ngân hàng này đảm bảo được các chỉ tiêu an toàn vốn, duy trì hoạt động của ngân hàng nói riêng và sự ổn định của cả hệ thống tài chính nói chung.

Ngoài ra, nguồn vốn bổ sung cũng giúp các ngân hàng yếu kém có cơ hội phục hồi, sau đó Nhà nước có thể bán lại cổ phần cho các nhà đầu tư nước ngoài hoặc các nhà đầu tư khác thật sự quan tâm.

Việc tập trung nguồn vốn để xử lý dứt điểm các ngân hàng yếu kém cũng đảm bảo nguồn lực đến đúng nơi cần thiết và Nhà nước cũng có cơ hội thu hồi lại vốn đã bỏ ra, thay vì đem xử lý rủi ro cho các khoản vay yếu kém và xem như vốn chết ngay tại đó.

Rõ ràng, một ngân hàng đang hoạt động tốt và vẫn có lợi nhuận thì nhu cầu xử lý các khoản vay yếu kém không thể cao bằng một ngân hàng đang gặp nhiều khó khăn hoặc trong cơn hấp hối.

Nhìn vào công cuộc giải cứu của Mỹ trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế vừa qua, chính phủ nước này trực tiếp bơm vốn giải cứu những tổ chức đang gặp khó khăn nhất và đối mặt rủi ro phá sản lớn nhất, tuy nhiên sau đó những tổ chức này đã phục hồi trở lại và sớm hoàn trả đầy đủ cả gốc và lãi cho chính phủ.

Tháo những "điểm nghẽn"

Cục "máu đông" nợ xấu vốn đã tồn tại nhiều năm qua rõ ràng đã hạn chế dòng chảy của tín dụng, ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, việc xử lý nợ xấu không đơn giản và e rằng nguồn lực ngân sách không thể đủ, chưa nói đến có thể là lãng phí. Thay vì vậy, dòng vốn ngân sách nên tập trung vào hoạt động đầu tư ở các lĩnh vực có tính lan tỏa cao hơn đến tăng trưởng kinh tế.

http://www.doanhnhansaigon.vn/tai-chinh-chung-khoan/thao-go-no-xau-bang-nhung-nguon-luc-nao/1100013/

Các tin tức khác

>   Giá vàng và tỷ giá trung tâm đều giảm (23/09/2016)

>   Ngân hàng Quốc Dân ra mắt Trung tâm khách hàng ưu tiên - NCB Priority (22/09/2016)

>   Chính phủ vay xong, lãi suất tín phiếu xuống kỷ lục (22/09/2016)

>   Giá vàng tăng 80,000 đồng, giao dịch quanh ngưỡng 36.3 triệu đồng/lượng (22/09/2016)

>   Tỉ lệ gian lận thẻ tại VN chỉ ở mức 0.06% (22/09/2016)

>   Tránh vạ thanh khoản, ngân hàng bắt đầu thanh lọc dự án BOT (21/09/2016)

>   Giá vàng lình xình quanh ngưỡng 36.2 triệu đồng/lượng (21/09/2016)

>   Vẫn là câu hỏi lãi suất (21/09/2016)

>   Tăng vốn thời Basel II: Người khôn kẻ khó (20/09/2016)

>   Ngân hàng NCB tài trợ và cho vay độc quyền dự án Khu đô thị Golden City An Giang (20/09/2016)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật